Dân Việt

Giám đốc bị tâm thần lại biết buôn lậu và xúi người liên quan bỏ trốn

Đồng Đức 23/04/2019 20:12 GMT+7
Chiều nay (23.4), TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm vụ án Buôn lậu đối với Lê Thanh Tùng (SN 1971) và Huỳnh Thanh Khiết (SN 1983, cùng ngụ TP.HCM). Trong vụ án còn có Nguyễn Thanh Phương (SN 1972, ngụ quận 1, TP.HCM) bị khởi tố nhưng chưa bị truy tố vì đang trong thời gian chữa bệnh tâm thần bắt buộc.

Bị tâm thần nhưng cầm đầu đường dây “buôn lậu”

Theo cáo trạng, ngày 8.9.2015, Công an TP.HCM thực hiện khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 2 container đang được đưa về kho ở quận Tân Bình và phát hiện 4 container hàng cấm nhập của Công ty Nam Phương Luxury và Công ty Hiệp Bình Phước.

Trên tờ khai hải quan, số hàng trên là hàng hoá nhập khẩu máy móc sử dụng trong công nghiệp các loại đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản. Nhưng thực chất là 82 mặt hàng gồm cục nóng, cục lạnh (máy lạnh)… đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản thuộc danh mục cấm nhập khẩu với giá trị hơn 4 tỷ đồng.

img

Hai bị cáo Khiết và Tùng tại phiên tòa rất uất ức khi mình bị người khác lợi dụng để buôn lậu.

Qua công tác điều tra cho thấy, ông trùm đường dây này là Nguyễn Thanh Phương. Công ty Nam Phương Luxury do Phương thành lập và làm giám đốc năm 2012. Sau đó, Phương nhờ Khiết và vợ Khiết đứng tên pháp nhân. Đối với Công ty Hiệp Bình Phước, Phương mượn pháp nhân của một người quen.

Cả Tùng và Khiết đều là người làm công hưởng lương của Phương. Có 2 pháp nhân, Phương tiến hành nhập hàng. Khi tàu về đến cảng, Phương chỉ đạo Tùng làm các thủ tục nhập cảng. Sau đó, Phương chỉ đạo Khiết đến cảng nộp thủ tục thông quan và gọi điện cho xe đến chở về. Cả xe chở và kho bãi, Phương là người thuê mướn.

Sau khi hàng bị bắt, Phương bỏ trốn và bị truy nã. Đến tháng 8.2017 thì bị bắt. Nhưng Phương lại trưng ra chứng cứ rằng mình bị tâm thần. Sau khi giám định tâm thần, Phương được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc nên không bị truy tố.

Tại toà, cả Tùng, Khiết và người liên quan đều cho biết hoạt động buôn lậu là do Phương chỉ đạo thực hiện. Phương là người thực hiện giao dịch với đối tác nước ngoài, mua hàng, trả tiền.

Tất cả đều khai rằng nguồn lợi từ việc mua bán trên là do Phương hưởng. Sau khi bị công an bắt, Phương gọi điện cho từng người, yêu cầu lánh mặt đi nơi khác.

img

Hồ sơ bệnh án bị tâm thần của Phương.

Nhân chứng Phạm Khắc Thuận, nhân viên công ty Hiệp Bình Phước, trình bày: “Tôi không biết hàng bị bắt lúc nào cả. Phương gọi điện nói hàng gặp trục trặc, kêu tôi đi Đà Nẵng ít lâu. Nói vậy nhưng Phương không đưa tiền gì cả. Tôi không đi mà đến cơ quan công an khai báo”.

Còn vợ chồng Khiết thì Phương yêu cầu đi Tây Ninh lánh mặt. Tùng cũng được Phương nói như thế.

Không biết, không hưởng lợi vẫn bị truy tố hàng lậu

Bị cáo Khiết khai làm cho Phương ở cửa hàng điện thoại và biết Phương có mở thêm công ty xuất nhập khẩu. “Vụ án này là lần đầu tiên tôi thực hiện việc đến cảng nộp thuế theo chỉ đạo của Phương. Tôi không hề hay biết đó là hàng cấm nhập. Tùng đưa tôi bộ hồ sơ nói đến cảng làm thủ tục, nếu thiếu gì thì gọi về cho Tùng. Tôi đến cảng dò hỏi và nộp hồ sơ, đóng thuế hơn 20 triệu đồng. Sau đó gọi điện cho xe đến chở về. Xong việc, tôi gọi điện cho Phương. Tối hôm đó, Phương báo tôi là hàng bị bắt và bảo tôi trốn”, bị cáo Khiết khai.

Bị cáo Khiết cho rằng mình và vợ đứng tên pháp nhân giúp cho Phương là do quen biết và đang làm cho Phương. Phương bảo đứng tên giúp ít tháng vì Phương không thể đứng tên 2 công ty. Vợ Khiết khai: “Có lúc, Phương bảo bị cáo ký vào giấy A4 không có chữ, bị cáo không biết để làm gì. Nhưng gì mình đứng tên giúp công ty nên phải ký”.

img

Thông tin về giao dịch hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất của Phương với một người tên Phong.

Còn bị cáo Tùng khẳng định không biết hàng nhập khẩu là hàng cấm. Theo bị cáo Tùng: “Hồ sơ thông quan không cần có hợp đồng mua bán cụ thể hàng gì. Bị cáo không phải là người đặt mua hàng, bị cáo không liên lạc với đối tác nước ngoài. Khi hàng về cảng, Phương kêu bị cáo làm hồ sơ. Bị cáo nhận hoá đơn từ hãng tàu làm toàn bộ thủ tục để thông quan sau đó giao cho Khiết. Nhiệm vụ của bị cáo là vậy, còn việc khác, bị cáo không biết”.

Bị cáo Tùng nói rằng không có sự bàn bạc với bị cáo Khiết. Phương phân công mỗi người một giai đoạn, không ai biết việc của nhau. “Bị cáo không rõ Khiết có biết là hàng cấm nhập hay không. Anh Phương trao đổi công việc với bị cáo, sau đó tiếp tục đến Khiết”, bị cáo Tùng khai.

Cả hai bị cáo đều kêu oan vì không biết Phương nhập hàng lậu, không hưởng lợi từ việc buôn lậu của Phương.

Kết thúc phần xét hỏi, do sức khoẻ của bị cáo Tùng không đảm bảo nên phiên toà tạm dừng và trở lại xét xử vào ngày mai, 24.4.

Tâm thần nhưng ký hợp đồng bán nhà, lái xe vi phạm

Theo điều tra, trong khi trốn lệnh truy nã và đang bị tâm thần, Phương cùng bà Nguyễn Thị Mai Hương ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho một người tên Phạm Thanh Phong. Tài sản chuyển nhượng là nhà và đất số 58/3A8 Tân Trang, P.9, Quận Tân Bình, TP.HCM đuợc công chứng vào ngày 29.7.2016 (trước khi bị bắt theo lệnh truy nã ngày 20.08.2017) tại Văn phòng công chứng số 4.

Ngoài ra, trong thời gian chữa bệnh bắt buộc, Phương lái xe BS: 51F-71281 đứng tên Huỳnh Thanh Khiết lưu thông trên đường và bị công an quận 1 bắt vào lúc 11h30 ngày 21.9.2018 tại đường Tôn Đức Thắng. Chiếc xe hiện nay được biết vẫn đang bị công an tạm giữ.