Dân Việt

Ai đang thèm khát ‘đất vàng’ để thao túng di dời ga Nha Trang?

Hiếu Anh 24/04/2019 12:30 GMT+7
Ga Nha Trang vẫn đảm bảo được phương án giao thông nối từ nhà ga tới các khu vực trung tâm của thành phố, thế nhưng Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung bất ngờ đề xuất di dời ga Nha Trang theo mô hình BT gây ra nhiều tranh cãi về việc ‘đất vàng’ có bị thao túng di dời ga Nha Trang?

Lý do mà dư luận hoài nghi chính là việc Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho phép nghiên cứu đầu tư di dời ga Nha Trang theo hình thức PPP. Đồng thời, đề xuất tự bỏ toàn bộ vốn cải tạo, xây dựng ga Vĩnh Trung tại km 1.322 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM thành ga hỗn hợp khách - hàng, khu tác nghiệp kĩ thuật và xây dựng đường tránh ga Nha Trang.

Phương án đề xuất nghiên cứu sẽ thực hiện đầu tư dự án tuyến đường sắt tránh TP. Nha Trang và nhà ga Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa theo hình thức PPP thông qua hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao).

img

Đề xuất di dời ga Nha Trang.

Đáng chú ý, để thực hiện việc di dời ga Nha Trang, Tập đoàn Tuấn Dung bày tỏ muốn được "thâu tóm" quỹ đất ga Nha Trang hiện tại để hoàn vốn. Tuy nhiên, vẫn giữ nhà ga (công trình kiến trúc) làm bảo tàng đường sắt vì đây là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa.

Được biết, ga Nha Trang hiện là ga kĩ thuật hỗn hợp khách – hàng được bố trí nằm trọn trong đường vòng bóng đèn (đường ray chạy bao quanh hình bóng đèn) với 5 đường đón gửi, kể cả 2 đường chính tuyến và 3 đường xếp dỡ hàng hóa. Ga còn có đường ray, khu kĩ thuật, trụ sở làm việc tại các đơn vị đầu máy, toa xe; kho hàng diện tích 320m2. Tổng diện tích đất khu vực đường vòng (hình bóng đèn) là 14,8 ha.

Tập đoàn Tuấn Dung đề xuất di dời ga Nha Trang dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha. Cùng đó, làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại là 10ha.

Trước đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng ý để Tập đoàn Tuấn Dung lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Bộ GTVT thẩm định, trình Chính phủ, thực hiện các bước theo quy định pháp luật. Chi phí lập hồ sơ báo cáo do nhà đầu tư tự bỏ vốn. Tuy nhiên, việc tháo dỡ cũng như đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ.

Mặc dù đồng ý lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu, Bộ trưởng Thể cho rằng, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng phải tham gia đấu thầu theo Luật định. Đồng thời, nhà đầu tư cần nghiên cứu chi tiết hơn phương án tài chính, tính khả thi của dự án, xin ý kiến của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa…

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Toàn bộ quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời nhà ga sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Có phù hợp với quy hoạch thành phố không? Hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông kết nối như thế nào? Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật khu ga mới cần đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ phục vụ vận tải ra sao?”.

“Đặc biệt, với nền đường sắt vòng sau khi tháo dỡ, cần có phương án bảo vệ để không bị xâm phạm đất công. Tất cả các nội dung đó phải nghiên cứu kĩ. Thời gian qua, việc di dời các cảng biển, các công trình ra khỏi thành phố để lộ những khu vực “đất vàng” khiến nhiều “đại gia” thèm khát. Vì thế, Chính phủ, các Bộ ngành đã và đang siết chặt vấn đề này. Đặc biệt là các dự án BT gây nhiều “lùm xùm” trong dư luận”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Từ đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và những câu hỏi của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặt ra khiến cho dư luận bày tỏ, việc di dời ga Nha Trang nhằm phục vụ lợi ích gì? ai là người mong muốn được thâu tóm quỹ đất vàng?