Đó là thông tin được Bộ GD&ĐT báo cáo tại Phiên họp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng quốc hội, hôm qua, 23/4.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử” – Báo cáo nhấn mạnh.
Không những thế, tại báo cáo này, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý các tiêu cực gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Quan điểm của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, đảm bảo đúng các quy định của quy chế và pháp luật; Các sai phạm trong thi cử phải xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng cho kỳ thi.
Tuy nhiên, việc công bố các thông tin liên quan đến quá trình điều tra như danh tính của thí sinh và các đối tượng có liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Công An và chỉ được công khai đầy đủ sau khi kết thúc quá trình điều tra của cơ quan An ninh điều tra.
Bộ Công An và Bộ GD&ĐT đã thống nhất sau khi có kết luận chính thức cuối cùng của cơ quan An ninh điều tra, căn cứ tình hình cụ thể, sẽ phối hợp để xử lý trên tinh thần đúng pháp luật, nghiêm minh, khách quan và không gây các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT phải xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch; không chấp nhận những cán bộ, viên chức có gian lận trong thi cử được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình và cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ vi phạm.
Theo kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có 222 thí sinh được nâng điểm. Trong số này, thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 29.95 điểm tại Hà Giang.