Tiếp tục đi trên một con đường
Mở đầu chương trình đại hội, “tỷ phú đô la”, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Masan Group Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Trước buổi họp có người hỏi tôi, lại “Keep going” hả anh?. Chẳng lẽ Masan hết sự sáng tạo rồi sao?”.
Ông Nguyễn Đăng Quang trình bày chiến lược kinh doanh trước các cổ đông.
Trả lời câu hỏi này, ông Quang nêu quan điểm “Nếu thực sự mục tiêu, con đường hướng tới của chúng ta dù có nhiều chông gai, thử thách, nhưng nếu đi mỗi ngày, chúng ta sẽ có thêm sự tin tưởng, tự tin và khi đã đi thì không hoài nghi con đường đã chọn, bởi đó là điều ý nghĩa nhất, tốt nhất để bạn thành công để giúp cho công việc còn mãi mãi. Chúng ta chỉ còn một việc là tiếp tục đi con đường; đó là keep going…”.
Ông Quang cũng chia sẻ tiếp: Nhưng con đường đã chọn phải đúng không chỉ với bạn, công ty và xã hội. Bạn tiếp tục đi trên con đường đó sẽ làm cho mọi người dần hiểu ra. Điều quan trọng để cho mọi người tiếp tục hiểu, chúng ta vẫn tiếp tục dẫn bước, chia sẻ và ngày càng có thêm nhiều con người, nhiều tài năng Việt, chúng ta sẽ thành công. “Đó là câu trả lời nhỏ cho câu hỏi không nhỏ cũng không lớn về con đường mà Masan đang tiếp tục đi mỗi ngày”- ông Quang nói tiếp.
Báo cáo trước đại hội cổ đông về kết qủa kinh doanh của Masan Group qúy 1 năm 2019, ông Danny Le, người vừa giữ chức Chủ tịch Masan Resources và là Giám đốc chiến lược của Masan Group cho biết: “Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông Công ty (“NPAT post MI”) đạt mức 865 tỷ đồng trong quý 1/2019, tăng 6,0% so với quý 1/2018, với biên lợi nhuận thuần sau thuế đạt mức 10,6%, tăng 74 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái”.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, doanh thu quý 1/2019 của Masan giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 8.160 tỷ đồng, song Ban Điều hành của Masan cho biết, sẽ đạt được doanh thu kế hoạch năm 2019.
Masan đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần thịt lợn tươi sống trong nước.
Chiếm lĩnh 10% thị trường thịt lợn tươi sống
Một trong những chiến lược mới và quan trọng được Masan công bố tại đại hội cổ đông sáng nay, đó là tham gia vào thị trường thịt lợn tươi sống với sản phẩm thịt mát MeatDELI. Mục tiêu mà Masan đặt ra, đó là phát triển thương hiệu thịt trị giá 1 tỷ USD, tương ứng 10% thị phần toàn quốc trong năm 2022.
“Thịt đang khẳng định vai trò là nhân tố thay đổi cuộc chơi, và sẽ mang lại giá trị đột phá cho nhu cầu về thịt hàng ngày của người tiêu dùng. Masan Nutri-Science đã củng cố nền tảng ngành hàng này trong quý 1/2019 và sẽ mở rộng quy mô mạnh mẽ trong các quý tới. Tăng trưởng của Masan Consumer trong năm 2019 sẽ được thúc đẩy bởi sản phẩm mới, sáng tạo và độc đáo, ở tất cả các ngành hàng, nhằm thống lĩnh các xu hướng tiêu dùng mới: sản phẩm giá trị gia tăng, tiện lợi và cao cấp. Tôi cũng tin rằng đây sẽ là năm Techcombank thực sự chuyển hoá thành một nền tảng cho đời sống tài chính, và Masan Resources đột phá trở thành nhà cung cấp vật liệu cho công nghệ cao. Chỉ cần kiên định với phương châm “keep going long” và sứ mệnh ban đầu, chúng ta sẽ biến những mục tiêu từ đây tới năm 2022 thành hiện thực.”: Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Masan, Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến thị trường thịt, ông Phạm Trung Lâm- Tổng Giám đốc Masan Nutri-Science cho rằng: “Sau khi, tỉnh Hà Nam công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra cách tổ hợp chế biến thịt của Masan 2km, công ty đã chủ động dừng hoạt động tổ hợp để phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, sau dịch tả lợn, chắc chắn thị trường sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt sạch để sử dụng. Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2019 là nâng công suất giết mổ lợn lên 2,8 triệu con và đến năm 2022 sẽ đạt 4-6 triệu con, chiếm 10% thị trường thịt lợn cả nước”.
Theo ông Lâm, trước mắt công ty sẽ tổ chức các đại lý, điểm bán thịt lợn mát tại Hà Nội, sau đó sẽ mở rộng vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Giải đáp các câu hỏi về nước mắm và tương ớt
Tại đại hội cổ đông sáng nay, rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Masan về các sự việc liên quan đến nước mắm và tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vừa qua.
Trả lời các vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Quang đã thẳng thắn thừa nhận, Masan có một số yếu kém, tồn tại trong đó có vấn đề chưa cởi mở thông tin để báo chí, dư luận hiểu rõ hơn vấn đề và đây là bài học cần rút ra để học hỏi, làm tốt hơn.
Về lo ngại của các cổ đông đối với các thông tin về nước mắm, tương ớt sẽ ảnh hưởng đến kết qủa kinh doanh của tập đoàn, ông Quang cho biết: “Trên thực tế, cũng không bị ảnh hưởng nhiều, bởi Masan hiện có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, trong đó có cả dòng sản phẩm cao cấp Chin-su 35 độ đạm hay Nam Ngư Phú Quốc 32 độ đạm. Ngược lại cũng có những nhu cầu vừa phải hơn với người tiêu dùng, đó là các sản phẩm trên 10 độ đạm, chúng ta đang còn rất nhiều nhu cầu khác nhau và phải thỏa mãn được nhu cầu đó của người dân”.
Ông Quang cũng thừa nhận, nước mắm là quốc hồn, quốc túy, là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Do đó, vấn đề đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm phải đặt lên hàng đầu và phân ra các phân khúc khác nhau để đáp ứng cho người tiêu dùng “Hiện ở mỗi thị phần, mỗi phân khúc về cả nước mắm và nước chấm, Masan đang chiếm 60%”- ông Quang khẳng định.
Tại đại hội cổ đông sáng nay, các cổ đông cũng biểu quyết thông qua 13 kế hoạch của tập đoàn, đồng thời bầu ra HĐQT gồm 6 người. Ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục giữ chức Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Masan Group.
Masan dự kiến doanh thu đạt trên 2 tỷ USD. Mục tiêu trong năm 2019 của Masan đó là, đạt doanh thu thuần năm 2019 dự kiến tăng từ 45.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng, đạt tăng trưởng 18% - 31%. Ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông Công ty hợp nhất trong năm 2019 từ 5.000 tỷ đồng đến 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 44% lên 58%, dẫn đến biên lợi nhuận sau thuế phân bổ cho Công đông Công ty trên 10%. |