Dân Việt

Giá heo hơi hôm nay 25/4: Miền Bắc giảm giá, sắp khủng hoảng thiếu thịt?

Ngân Hương (T.H) 25/04/2019 05:40 GMT+7
Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn thịt lợn, trong khi người dân nước này vẫn chưa dám tái đàn trở lại. Loại dịch bệnh này cũng đang diễn ra phức tạp tại nước ta, khiến giá heo hơi (lợn hơi) chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Do vậy, các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự báo, thế giới sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn, đặc biệt là vào cuối năm nay.

Giá lợn hơi (heo hơi) miền Bắc giảm giá 2 tuần liên tiếp 

Theo khảo sát của Anova Feed, giá heo thịt tại các tỉnh miền Bắc ghi nhận đã trải qua 2 tuần giảm giá liên tục. Nhiều địa phương có mức giá gần xuống sát mốc 30.000 đồng/kg, điển hình như Hưng Yên còn 32.000 đ/kg, Bắc Giang 33.000 đ/kg, Hải Dương, Thái Bình 34.000 đ/kg.

img

Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lượng heo về chợ đầu mối trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giảm so với trước, thương lái tiêu thụ không thuận lợi. Ảnh: N.V

Đáng chú ý nhất trong những ngày gần đây là giá heo hơi tại Bắc Giang bị "bốc hơi" tới 5.000 đ/kg so với tuần trước; giá lợn hơi tại Ninh Bình giảm 3.000 đồng/kg về mức 36.000 đ/kg. Ngoài ra còn có Phú Thọ, Hưng Yên cũng giảm 2.000 đ/kg, hiện giao dịch lần lượt tại mức 37.000 đồng/kg và 32.000 đồng/kg. 

Theo phân tích của các chuyên gia thị trường, giá heo hơi miền Bắc liên tục giảm giá vẫn là do ảnh hưởng bởi những diễn biến bất lợi của dịch tả lợn châu Phi, khiến người tiêu dùng e ngại, giảm sử dùng thịt lợn khiến sản lượng lợn hơi tiêu thụ cũng giảm mạnh so với trước.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên luôn là khu vực có ít biến động giá nhất so với các khu vực khác trên cả nước. Mức giá thấp nhất ghi nhận được là tại Bình Định, đạt 38.000 đồng/kg; các nơi khác dao động từ 42.000 - 44.000 đồng/kg.

Khu vực miền Nam hôm qua ghi nhận nhiều địa phương giảm giá thì hôm nay chỉ còn Long An, Tiền Giang và Đồng Nai giảm từ 1.000 - 2.000 đ/kg.

Trong khi đó, Công ty chăn nuôi CP chi nhánh miền Nam vẫn đang tiếp tục giảm giá heo hơi trong ngày 24/4 thêm 1.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi xuất bán tại các trại của Công ty áp dụng trong ngày 24/4 như sau: Heo 3 máu đạt 43.500 đồng/kg; heo 2 máu cái ở mức 42.500 đồng/kg. 

Người dân xếp hàng mua thịt lợn sạch

Để chủ động hỗ trợ tiêu thụ các đàn lợn khỏe mạnh nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, giảm tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi, mới đây Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các quận, huyện trên địa bàn TP  Hải Phòng mở các quầy bán thịt lợn an toàn nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, hạn chế thiệt hại của bệnh dịch tả lợn Châu Phi tới người chăn nuôi.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hải Phòng phấn khởi cho biết, không biết có phải do nhịn ăn thịt lợn quá lâu hay không mà ngay trong buổi sáng hôm khai trương cửa hàng thịt lợn sạch tại Trạm Khuyến nông huyện Kiến Thụy (9/4), bà con nhân dân đến mua rất đông, chỉ vài tiếng đã bán hết sạch gần chục con lợn có trọng lượng hơn 1 tạ/con.

img

Người dân mua thịt lợn an toàn tại điểm bán thịt lợn an toàn tại Trung tâm Khuyến nông huyện Kiến Thụy. Ảnh: N.H

Bà Đỗ Thị Lan, thị trấn Đối, huyện Kiến Thụy chia sẻ, do trước đây chưa hiểu hết về bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên khi thấy thông tin dịch xuất hiện tại địa phương gia đình bà rất lo lắng nên tạm thời dừng ăn thịt lợn suốt thời gian qua. Nhưng nay hiểu được dịch bệnh không lây sang người, không gây hại tới sức khỏe con người lại được xác nhận sản phẩm thịt lợn được chăn nuôi giết mổ an toàn bởi các cơ quan chức năng nên khi biết cửa hàng khai trường bà mua cả yến thịt về cho con cháu cùng ăn.

img

Các sản phầm thịt lợn được bày bán tại các quầy hàng đều được cơ quan thú y chứng nhận, xác nhận, quản lý, giảm sát an toàn. Ảnh: Nguyên Huân

Ngoài quầy bán thịt lợn sạch tại Trạm Khuyến nông huyện, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Thụy còn mở thêm 3 quầy hàng khác tại xã Tú Sơn, Tân Phong, Ngũ Đoan, ba xã trọng điểm nuôi lợn của huyện. Các quầy thịt lợn tại ba xã này đều giao cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp xã tổ chức triển khai, thực hiện từ ngày 10/4.

Trung Quốc lo ngại giá lợn tăng cao, thị trường thiếu thịt vì dịch tả lợn châu Phi

Cần bao nhiêu thịt lợn để bù vào những thiếu hụt do dịch bệnh tả lợn Châu Phi gây ra? Đặc biệt là tại thị trường khổng lồ Trung Quốc, quốc gia trên 1,3 tỷ dân, đồng thời cũng là nguồn cung thịt lợn lớn nhất thế giới vẫn chưa hết dịch bệnh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) vừa dẫn ý kiến các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự báo, thế giới sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm nay.

Theo đó, cảnh báo các nước xuất khẩu mặt hàng này sẽ phải loay hoay tìm giải pháp bù đắp lỗ hổng khan hiếm thịt heo mà Trung Quốc để lại, do nước này đã phải tiêu hủy và hạn chế tái đàn trong suốt gần một năm vừa qua để đối phó dịch tả lợn Châu Phi.

img

Hãng phân tích tài chính Rabobank ước tính, hiện Trung Quốc đã bị “sụt giảm” chừng 200 triệu đầu lợn kể từ khi dịch bệnh bùng phát và lây lan khắp cả nước từ cuối năm 2018. Chỉ tính riêng con số này đã lớn gấp ba lần tổng đàn lợn của nước Mỹ.

Nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dẫn con số thống kê cho biết, nhiều năm qua Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, với trung bình khoảng 433 triệu con lợn hằng năm.

Và việc mất tới non nửa đàn heo cả nước vì dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua đang có nguy cơ đẩy giá thịt tăng tới 70%, theo như nhận định của một vị quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm cuối tuần trước.

Chuyên gia phân tích thị trường Chenjun Pan của Rabobank cũng đồng quan điểm về dự báo giá thịt sẽ leo thang bởi trong ngắn hạn, từ 1 đến 2 năm tới ngành chăn nuôi Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục.

“Rất nhiều trang trại nhỏ lẻ sẽ không còn tồn tại ở Trung Quốc do không còn phù hợp với xu thế chăn nuôi hiện đại, an toàn sinh học để tránh tái lây nhiễm bệnh dịch. Điều này đồng nghĩa là sẽ có một khoảng trống rất lớn về thị trường do thiếu hụt nguồn cung và chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có một quốc gia nào hoặc là toàn thế giới lại có thể đủ sức lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại”, ông Pan nói.

Dự báo, các thị trường nông sản khác cũng sẽ phải đối diện với những tác động từ sự bùng phát và hệ lụy của dịch tả lợn Châu Phi, bao gồm cả các giao dịch đậu nành, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi rất lớn cho thị trường Trung Quốc.