Dân Việt

Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Rất cần nhiều tác phẩm văn học về nông thôn”

Thảo Nguyên 25/04/2019 19:34 GMT+7
Nhà văn Nguyễn Hiếu là người cần cù trên cánh đồng văn chương. Tới nay, ông đã có gần 30 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn được in, gần 20 kịch bản sân khấu và điện ảnh được dàn dựng và đưa lên phim.

img

Nhà Văn Nguyễn Hiếu

Ông đã hai lần được giải trong truyện ngắn viết về nông thôn gồm: “Nhãn lồng nhà ông cả Đoạt” (1988), “Chuyện quan trọng của bà cả Đào” (1990). Ông cũng từng được NXB Hà Nội làm tuyển tập với tư cách là nhà văn Hà Nội bao gồm hơn 6000 trang in nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Có tới 2/3 các tác phẩm thuộc nhiều thể loại của Nguyễn Hiếu viết về nông thôn. Các nhân vật trong hầu hết tác phẩm của ông đều gắn với làng Chiện (tên gọi văn chương làng Chèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội) quê nhà văn. Nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ với NTNN/Dân Việt về đề tài nông thôn trong văn học hiện nay.

img

Phim "Thời xa vắng"

Việt Nam có 80% dân số sống và làm việc ở vùng nông thôn. Rõ ràng, đây là một lĩnh vực màu mỡ cho sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng dường như những năm gần đây, các tác phẩm văn học, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết về đề tài nông thôn và người nông dân càng ít hơn. Ông có suy nghĩ gì về thực tế  này?

- Quả tình đó là một thực trạng hết sức buồn của nền văn học Việt Nam trong 2-3 thập niên vừa qua. Thậm chí, tôi xem đó là “bi kịch” cho văn học và cho người đọc, cho những ai kể cả trong nước và quốc tế quan tâm, tìm hiểu đặc tính của người Việt Nam. Tôi cho rằng, nếu không có những tác phẩm văn học về nông thôn thì chắc chắn hình ảnh dân tộc Việt Nam đương đại sẽ bị đánh giá phiến diện và không đúng với bản chất, thực tại.

img

Theo ông, vì sao đề tài nông thôn hiện nay lại thiếu sự hấp dẫn đối với đội ngũ nhà văn? Nói cách khác vì sao các nhà văn không quan tâm lắm đến đề tài này?

- Là nhà văn có lượng tác phẩm về nông thôn chiếm đa số trong các tác phẩm thuộc nhiều thể loại đã công bố (từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu và kịch bản phim) nên tôi thực sự ngạc nhiên về sự thờ ơ của chúng ta đối với đề tài nông thôn - một đề tài cực kì có sức cuốn hút đối với người cầm bút. Hơn ba thập niên trước, có khá nhiều nhà văn viết về nông thôn, gồm các tên tuổi như Lê Lựu, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Ngô Ngọc Bội… Nhưng gần đây, lượng nhà văn viết về nông thôn rơi rụng nhiều và trở thành hiếm hoi đến mức báo động.

Vì sao có hiện tượng này? Để giải thích cho chu đáo, có lẽ cần một công trình nghiên cứu công phu. Nhưng riêng tôi cho rằng: Nông thôn, làng quê vốn là vùng yên tĩnh, gần như bất biến từ ngàn xưa, gần đây thay đổi đến chóng mặt với sự phát triển của công nghiệp, sự đô thị hóa dẫn đến tình trạng kinh tế, bộ mặt của làng quê (phong cảnh, tính cách, tập tục, quan hệ làng xóm…) biến dạng nhanh chóng trong vòng 20-30 năm nay. Tính cách người nông thôn cùng sự biến đổi đó chưa kịp hình thành và đang trên đường đi tìm sự xác lập mới. Điều này là một trở ngại lớn, tạo ra hàng rào khó vượt qua nếu nhà văn không am hiểu, không sống tận cùng với nông thôn, coi làng quê như một kí ức nên thơ nhưng xa xôi, không gắn bó.    

img

Phim "Bão qua làng"

Mỗi nhà văn đều cần một vùng quen thuộc để tựa vào đó tạo nên bản sắc trong sáng tác của mình. Solokhov có vùng sông Đông nên mới có “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang”. Nguyễn Tuân có cả một dĩ vãng và một Hà Nội quen thân, tự hào nên mới có “Vang bóng một thời”, “Chùa Đàn”, “Phở”… Riêng tôi, nhờ có làng Chèm - quê ngoại thân thương - mà trong tác phẩm được gọi chệch là làng Chiện, tôi mới viết được “Con Ngố”, “Làng êm ả bên sông”, “Vết xoáy trước ngực làng”, “Người đàn bà quỷ ám”… (tiểu thuyết), “Linh hồn đông lạnh”, “Khi giàn mùng tơi gẫy rập”… (kịch), "Đàn ông làng tôi. Đàn bà làng tôi"… (thơ), “Chuyện đột ngột của làng ven sông”, “Vàng dưới đáy sâu”… (kịch bản phim). Nhưng ngày nay, do sự biến động chóng mặt của làng quê cùng với cách sống hiện đại mang yếu tố chung cư, phố xá hơn là làng xóm nên rất ít nhà văn có một vùng quê thân thuộc gắn bó, bởi vậy tác phẩm văn học về nông thôn ngày càng thiếu cũng dễ hiểu.

Là một nhà văn, một người sáng tác, ông mong muốn được “viết như thế nào”, “viết điều gì” cho độc giả của mình?

- Để trở thành nhà văn thật sự thường trải qua hai giai đoạn sáng tác. Giai đoạn khởi đầu là viết về những kí ức, kỉ niệm. Giai đoạn hai vượt lên kí ức, kỉ niệm để phản ảnh những gì nhà văn nhận thức về xã hội. Nhưng ngay giai đoạn hai cũng chỉ là sự khái quát, nâng cao và điển hình những gì nhà văn có được từ cội nguồn với những ẩn ức, chiêm nghiệm đã gắn bó và trở thành máu thịt với quê hương, làng quê. Vì vậy, điều tôi luôn luôn muốn viết chính là thông điệp của cá nhân tôi về quê hương mình, làng mình trong sự phát triển trên nền tảng những cội nguồn mình có được, thu nhận từ nơi mình sinh ra, trưởng thành với một tình yêu và nhận thức qua năm tháng.

img

phim "Ma làng"

Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đang phối hợp với Hội Nhà văn VN tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn về đề tài nông thôn. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào? 

- Tôi thực sự mừng và rất hoan nghênh sự hợp tác mang đầy tính phát hiện và tôn trọng đề tài nông thôn của Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi, bằng cuộc thi này, thêm một lần thức tỉnh các nhà văn về một đề tài lớn, vốn rất quen thuộc đối với họ, đang bị lãng quên.

Nhưng tôi cũng tán thành ý kiến cho rằng việc tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác không phải là giải pháp lâu dài. Điều cốt yếu và quan trọng vẫn là chúng ta rất cần các nhà văn thật sự đam mê và có cơ hội nuôi dưỡng niềm đam mê của họ với mảng đề tài hấp dẫn như nông thôn, làng quê và người nông dân.

Còn giải pháp nào để tạo sự đam mê cho các nhà văn về đề tài nông thôn ư? Cuộc thi này thực ra là một trong những giải pháp quan trọng. Tôi nhớ vào cuối thập niên 1980 của thế kỉ trước cũng có một cuộc thi tương tự và đã thu được thành công lớn với hàng loạt truyện ngắn có sức hấp dẫn đối với bạn đọc. Không chỉ gói gọn trong các cuộc thi mà báo chí, trong đó có Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, trong các số chuyên san, đặc biệt (Tết, cuối tháng) cũng đăng tải truyện ngắn hay về nông thôn. Hội Nhà văn cũng nên dành những trại viết chuyên về đề tài nông thôn, có những cuộc hội thảo các tác phẩm hay về nông thôn để góp phần khơi dậy cảm hứng và cả sự hiểu biết ở các nhà văn với đề tài rất hay này.

Xin cảm ơn ông!