Lượng tăng, chất không tăng
Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm hãng phim tư nhân đang hoạt động và cơ chế xã hội hóa điện ảnh cho phép bất cứ ai có tiền đều có thể sản xuất phim, Nhà nước chỉ duyệt đầu ra theo các quy định về phân loại phổ biến phim tới từng đối tượng khán giả.
Chính vì cơ chế thoáng như vậy, nên mỗi năm, số lượng phim sản xuất trong nước không những nhiều mà còn tăng so với năm trước. Cụ thể, năm 2018, có tới hơn 30 phim truyện Việt Nam chiếu rạp được thẩm định, phân loại và cho phép phát hành.
Lợi thế của việc tăng sản lượng phim là khán giả có cơ hội tiếp cận với điện ảnh nội nhiều hơn, thay vì trước đây các rạp chiếu tràn ngập phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài phim ngoại luôn được quảng cáo là siêu phẩm, bom tấn...
Một cảnh trong phim truyện “Đảo của dân ngụ cư”. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của phim Việt Nam hiện nay là số lượng không đi cùng với chất lượng. Trung bình 1 tháng có 3 phim mới ra rạp, nhưng có rất ít phim có chất lượng nội dung tốt. Các nhà sản xuất, người làm phim, vì mong muốn phim bán được nhiều vé nên chỉ dám khai thác những đề tài, thể loại mang tính giải trí đơn thuần, chủ yếu là hài, kinh dị, hành động… vốn vừa dễ làm, vừa không gặp khó khăn ở đầu ra.
Điều này dẫn tới việc thiếu vắng những phim có chiều sâu văn hóa Việt, những phim nói về số phận con người, phản ánh hiện thực cuộc sống, đề cập đến vấn đề nổi cộm trong xã hội, báo động sự thoái hóa về đạo đức, lối sống trong nền kinh tế thị trường... Mảng phim chiến tranh, lịch sử cũng hoàn toàn vắng bóng.
Vì thế, mỗi năm, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, báo chí đành phải “bổn cũ soạn lại” giới thiệu những bộ phim chiến tranh, về các sự kiện quan trọng của lịch sử, đã làm cách đây vài thập kỷ như "Cánh đồng hoang", "Nổi gió", "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn", "Giải phóng Sài Gòn", "Tiếng cồng định mệnh"…
Các đài truyền hình cũng thường xuyên phát sóng lại các bộ phim trên sau khi chúng đã được số hóa. Một số phim đề tài chiến tranh, lịch sử, về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ như "Mùi cỏ cháy", "Thầu Chín ở Xiêm", "Nhà tiên tri", "Sống cùng lịch sử" cũng đã ra đời cách đây 5-7 năm...
Điều đáng lưu ý là các phim này đều là phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ và được đầu tư kỹ nên có giá trị nghệ thuật nhất định, nhưng khi đem chiếu thương mại đều rất ít người xem. Trong khi đó, các hãng phim tư nhân, để có tiền làm phim, có người phải thế chấp nhà cửa, đất đai, nên họ dĩ nhiên phải tính toán kỹ lưỡng, không cho phép mình mạo hiểm. Vì thế, dù có đủ năng lực về tài chính cũng không ai dại gì làm phim chiến tranh hay lịch sử - những đề tài khó nhằn và kén khách.
Còn núi việc phải làm
Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã có những tín hiệu đáng mừng khi một số hãng phim tư nhân đã đầu tư nhiều
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên (7.5.1954 - 7.5.2019), Cục Điện ảnh buộc phải đưa bộ phim "Sống cùng lịch sử" vào chiếu trong Tuần phim kỷ niệm sự kiện này vì không còn lựa chọn nào khác. |
tiền bạc và tâm huyết để cho ra đời những bộ phim có chiều sâu nhất định về nội dung nghệ thuật. Phim công chiếu không chỉ ăn khách mà còn thu hút được sự chú ý tại các liên hoan phim quốc tế và được phát hành tại nước ngoài. Một số phim được đánh giá tốt về chất lượng, được người làm phim dành nhiều tâm huyết như "Đảo của dân ngụ cư", "Cha cõng con" (phim truyện), "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", "Đi tìm Phong" (phim tài liệu)…
Bằng tất cả nỗ lực và đam mê nghề nghiệp, các nhà sản xuất đã “bập” vào các đề tài không mang tính thị trường nhưng vẫn tìm được đường đến với khán giả. Có thể nói, họ là những người dám đi đến tận cùng của niềm đam mê nhưng vẫn đủ tỉnh táo, khôn khéo để hiểu và nắm rõ mục đích của điện ảnh là gì. Từ đó họ khiến cho bản thân và tác phẩm vượt lên mặt bằng chung của nghịch lý hoạt động xã hội hóa: Phim thị trường ăn khách nhiều nhưng không có chất lượng, còn phim chính thống, đề tài gai góc thì lại kén khách. Mặc dù các bộ phim của họ chưa có sự bứt phá ngoạn mục về tay nghề, nhưng chỉ riêng việc các nhà sản xuất, người làm phim dám làm cái gì đó mang dấu ấn riêng, cho phép mình được sáng tạo và sau đó không chấp nhận thụ động mà tìm đường đưa đứa con tinh thần của mình đến với khán giả, cũng đã là việc vô cùng đáng ngưỡng mộ.
Điều này càng cho thấy con đường xã hội hóa là đúng, nhưng để điện ảnh Việt Nam có thể sánh vai với các nền điện ảnh trong khu vực cùng lúc trở thành một ngành công nghiệp, thực sự vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều đó không chỉ tùy thuộc vào chiến lược, sách lược về điện ảnh của Nhà nước, mà còn phải dựa vào đội ngũ người làm phim hiện nay có đủ sức, đủ lực, đủ tâm, đủ tầm hay không, khi hiện không ít nhà sản xuất, người làm phim, ngay cả khi công bố doanh thu phim đã cán mốc trăm tỷ, cũng đang rất chơi vơi trên con đường tìm kiếm hướng đi.