Dân Việt

Nguyễn Quốc Thước - vị tướng hết lòng vì xã tắc

Thiên Việt 03/05/2019 07:00 GMT+7
Trên nghị trường, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng là người vì dân nói thẳng. Ông luôn bảo vệ quyền lợi của những người nông dân – tầng lớp đã có những hi sinh, đóng góp lớn lao trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Vị tướng trên chiến trường

Tướng Nguyễn Quốc Thước (sinh năm 1926 tại Nghi Lộc, Nghệ An) trong một gia đình thuần nông. Từ bé gia đình cố gắng cho ông đi học. Năm 1944, ông là một trong ít người ở Nghi Lộc có bằng tốt nghiệp lớp 7. Cách mạng thành công, ông tham gia và được kết nạp Đảng vào năm 1947. Như các bạn bè cùng lứa, ông Thước gia nhập quân đội năm 1949 và được phân về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 hoạt động tại Trị Thiên.

img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại 1 buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: I.T

Năm 1952, ông được điều sang Lào, cùng giúp nước bạn chống lại thực dân Pháp trong cuộc chiến đấu giành độc lập. Nhớ lại một trận đánh tại Lào, ông kể với phóng viên: “Đơn vị tôi bí mật tập kích 1 đại đội lính Pháp. Trong đêm tối, dưới làn đạn của ta quân địch bỏ chạy tứ tung. Có nhiều tên sợ quá chui vào bụi cây nằm im thin thít. Sáng hôm sau, vì là người biết tiếng Pháp nên cấp trên giao cho tôi gọi hàng. Tôi kiếm một loa bằng mo cau rồi hướng về phía các bụi cây rậm rạp, gọi bằng tiếng Pháp: “Đầu hàng thì sống. Yêu cầu tất cả ra hàng”. Nghe tiếng loa, một lúc sau hàng chục lính Pháp lốc nhốc chui khỏi bụi rậm”- người lính già khà khà kể.

Có thể nói nơi nào gian khổ là ông có mặt. Năm 1979, Tướng Thước và Quân đoàn 3 tham chiến tại chiến trường K (Campuchia), rồi sau đó được Bộ điều động gấp lên biên giới phía Bắc. Hết chiến tranh biên giới phía Bắc, tới tận năm 1996 ông được đưa về làm Tư lệnh Quân khu 4.

Ông kể, khi về nhận nhiệm vụ Tư lệnh, rất nhiều người quen, anh em gửi con em làm trong văn phòng để nhờ vả. “Mình kiểm tra, ai là con em họ hàng người quen thì yêu cầu chuyển sang đơn vị khác, tránh trước mọi dị nghị”- Tướng Thước nói. Ông cũng nhắc lại quan niệm của ông: “Có ba thứ đồng: Đồng chí, đồng hương, đồng đội, trong đó đồng chí nhiều khi là chưa chắc là “đồng chí” vì nhiều người nói một đằng làm một nẻo. Còn đồng hương thì không quên. Đồng đội thì phải giúp đỡ.

Vì thế vào ngày 27.7 hàng năm, ông lại tới nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho các liệt sĩ Quân đoàn 3. Ông bảo: “Ở đó có 8.000 người lính của tôi yên nghỉ”.

Ông cũng thường xuyên tìm cách giúp đỡ các bạn bè đồng đội là thương binh nay nay có cuộc sống khó khăn. Năm 2017, khi tuổi đã hơn 90, ông ra thăm an hem chiến sĩ đang bảo vệ quần đảo Trường Sa. Anh em chiến sĩ nhìn ông cảm động rưng rưng, nói: “Thưa bác, bác cứ yên tâm. Nếu còn người, sẽ còn biển”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trả lời, chắc như một lời khẳng định: “Không có chữ Nếu, phải còn người còn biển các cháu ạ”. Rồi ông ôm hôn, động viên từng chiến sĩ trên đảo.

Và “người lính” trên nghị trường

Bản lĩnh của người lính ngoài chiến trường đã được ông phát huy mạnh mẽ trên nghị trường Quốc hội. Vẫn là lối nói thẳng thắn, sự cương nghị và đầy tinh thần trách nhiệm. Một đại biểu Quốc hội như Tướng Thước luôn là người châm ngòi cho những phiên chất vấn quyết liệt nhưng chân thành, thẳng thắn. Với ông, ăn cơm của dân, mặc áo của dân mà không làm hết trách nhiệm với dân tức là… ăn gian, ăn quỵt.

img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đọc sách khi nghỉ trưa. Về hưu, Tướng Thước vẫn là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ với những phát biểu gây nóng nghị trường về những vấn đề bức xúc xã hội Việt Nam.

Chẳng thế mà dân gian có câu để nói về 4 vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được dân yêu mến “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (Nguyễn Quốc Thước - ĐBQH tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X; Nguyễn Ngọc Trân - ĐBQH tỉnh An Giang khóa X; ĐB Nguyễn Lân Dũng - ĐBQH các khóa X, XI, XII và ĐB Dương Trung Quốc - ĐBQH tỉnh Đồng Nai các khóa XI, XII, XIII).

Sau này, khi ông Thước không làm ĐBQH thì có “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (ĐB Đỗ Trọng Ngoạn - ĐBQH tỉnh Bắc Giang - khóa XI)

Ông Thước bảo: Có những vấn đề một số người can ngăn nhưng tôi nói thẳng, tôi là đại biểu của dân nhưng không cho tôi nói thì tôi không phải là đại biểu của dân nữa. Tôi nói theo cái dân cần.

Thế mới thấy, trong con người của vị tướng già này không hề có sự cả nể, mà ông luôn phát huy phẩm chất người lính. Thấy cái sai, cái trì trệ là chỉ có tiến công.

Ông là người thẳng thắn nên ông cũng sẵn sàng ủng hộ những người dám nghĩ dám làm nhưng làm sai thì phải sẵn sàng chịu trách nhiệm. Với ông, Quốc hội là nơi để thể hiện quan điểm, ý kiến của nhân dân, vì vậy rất cần những đóng góp để tạo ra cái chuyển biến, còn chuyện nói để khen, tung hô thì không để làm gì.

Từ những trăn trở, đó, ông bộc bạch, nên chăng Quốc hội cần có sự thay đổi không chỉ về lượng mà cần nâng cao chất lượng và hiệu quả họat động. Chẳng hạn như việc nên chọn những đại biểu chuyên trách, thực chất gắn bó với hoạt động thực tiễn, đại diện chung cho cả nước, hạn chế thành phần đại biểu đang nắm các chực vụ tại địa phương. Có như thế mới thực sự tạo ra diễn đàn để người dân và đại biểu đóng góp ý kiến có chất lượng.

Là ĐBQH, ông không chỉ hoạt động trong nghị trường. Hoạt động của ông bắt đầu từ việc đi tìm hiểu tình hình, nắm tình hình, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Trên cơ sở đó chọn lọc các vấn đề lớn hơn thì trình ra nghị trường Quốc hội cùng giải quyết.

"Có những vấn đề một số người can ngăn nhưng tôi nói thẳng, tôi là đại biểu của dân, nhưng không cho tôi nói thì tôi không phải là đại biểu của dân nữa. Tôi nói theo cái dân cần”.

Trung tướng 
Nguyễn Quốc Thước

Ông nói: “Tôi là một người lính. Rất nhiều đồng đội tôi đã hi sinh xương máu, và những người lính của tôi cũng đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong thời bình còn sức lực tôi còn cống hiến và bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Đặc biệt ông luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nông dân. Ông xem xét kỹ từng chi tiết các điều luật, cái nào bất lợi cho nhà nông thì yêu cầu Quốc hội xem lại và lưu ý sao cho có lợi đối với người nông dân.

Thậm chí, có những lúc ông phát biểu thẳng thắn quá, động chạm quá, có người còn bấm nháy ông, nói nhỏ: “Bác ơi, bác chết chắc rồi”. Nhưng ông vẫn khẳng định “chết làm sao được”.

“Tôi vẫn nói với mọi người theo cách nói của các cụ, rằng “Thương anh em để trong lòng/Việc dân em cứ phép công em làm”. Tôi sống thẳng thắn thế và có lẽ cũng vì thẳng thắn mà cử tri, người dân ưu ái và nhớ tới tôi”- vị tướng già vui vẻ chốt lại câu chuyện.