8.000 doanh nghiệp “mất tích”
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt cho biết, thời gian qua, ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc, trở ngại, trong đó có tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT; gia tăng xu hướng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT tại nhiều địa phương.
“Tính đến cuối năm 2017, các doanh nghiệp (DN) trong cả nước nợ BHXH, BHYT lên tới trên 12.000 tỷ đồng; 100 chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI bỏ trốn và khoảng 8.000 DN “mất tích”. Tính đến tháng 2.2019, tổng số nợ BHXH của các DN cũng lên tới 6.654 tỷ đồng” – bà Minh chia sẻ.
Cần ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để hướng dẫn áp dụng các điều luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Mai
Theo bà Minh, tuy Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung 3 điều luật để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, rất cần phải có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, qua đó có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao cũng nhấn mạnh, BHXH, BHYT là những chính sách có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, từ DN đến người lao động cũng như các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, ngành tòa án đang rất nỗ lực để sớm đưa các quy định này áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều thẩm phán chưa chuyên sâu về BHXH, BHYT, nên rất cần ngành BHXH tham vấn, góp ý để sớm hoàn chỉnh Nghị quyết...
300.000 doanh nghiệp chưa đóng BHXH?
Chia sẻ về tình hình trốn đóng BHXH, ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết, theo dữ liệu ngành thuế, cả nước hiện đang có 600.000 DN hoạt động đóng thuế, nhưng BHXH chỉ đang quản lý thu đối với khoảng 300.000 DN. Đối với 300.000 DN còn “nằm ngoài” quản lý BHXH, cơ quan BHXH đã phát hiện các DN này có sử dụng lao động nhưng không tham gia BHXH cho người lao động hoặc trốn đóng.
Trong quý III năm nay sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các điều của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến BHXH, BHYT để trình lên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao”. Ông Nguyễn Trí Tuệ- Phó Chánh án TAND Tối cao |
Lại có trường hợp DN sử dụng 1.000 lao động nhưng khi Thanh tra BHXH tiến hành thanh tra, đối chiếu hồ sơ và hợp đồng lao động thì chỉ có 600 người lao động được tham gia BHXH, BHYT. Vậy, còn 400 người lao động khác không được tham gia, nhưng vẫn làm việc bình thường, thì đó là trốn đóng BHXH…
Về xử lý các vi phạm trốn đóng, nợ đóng BHXH, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP.HCM cũng chia sẻ, TP.HCM đang quản lý 187.000 DN tham gia BHXH, cùng với đó là công tác thu chi, quản lý đối tượng rất lớn. Trong khi đó, hiện nay, hàng ngàn hồ sơ khởi kiện của Công đoàn không được xử, gây thiệt hại cho người lao động… Vì thế, theo ông Mến, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT là vô cùng quan trọng, cần phải có các chế tài đủ mạnh để xử lý những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bản thân ông và BHXH tỉnh Đồng Nai rất mong mỏi 3 điều luật được áp dụng sớm, bởi hiệu quả của luật là rất rõ rệt dù chưa áp dụng.
Ví dụ, tại Đồng Nai, có Công ty 45.1, ngay khi BHXH tỉnh đưa Bộ luật Hình sự ra phân tích, phía DN đã lập tức truy đóng hơn 9 tỷ đồng nợ BHXH, nhưng sau đó chờ mãi không thấy hướng dẫn, đến nay doanh nghiệp này lại tiếp tục nợ BHXH trở lại...
“Việc ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để hướng dẫn áp dụng các điều luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT là rất cần thiết và phù hợp, để thống nhất cách hiểu và thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng” – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh.