“Hoan hô quân Giải phóng”
Tin Lái Thiêu được giải phóng (sáng 30.4.1975 - P.V) lan nhanh khắp quận lỵ. Nhân dân ùa ra đường, đổ về dinh quận trưởng, nơi có lá cờ giải phóng đang tung bay trên tháp cao. Bà con mang đến cho bộ đội hoa quả, bánh kẹo, chiến sĩ ta chưa kịp nhận thì được tin một đoàn xe địch từ Bình Dương rút chạy về Sài Gòn tiến lại phía sau đội hình quân ta.
Bộ đội hướng dẫn cho dân sơ tán và triển khai chiến đấu chặn địch. Tiểu đoàn 5 vừa triển khai xong thì đoàn xe địch lao tới. Chúng vẫn chưa hay biết gì về Lái Thiêu thất thủ. Toàn bộ tốp xe đi đầu lọt vào trận địa của Đại đội 5 do Đại đội trưởng Vinh chỉ huy.
Những người lính bộ binh Quân Giải phóng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập ngày 30.4.1975.
(Ảnh: Jacques Pavlovsky)
Tốp xe bị tiêu diệt gọn. Những chiếc xe phía sau lại xông lên. Đại đội trưởng Vinh vừa chỉ huy chiến đấu vừa dùng B40 bắn cháy một xe chở quân của địch, diệt hàng chục tên. Tổ ba người do Nguyễn Văn Bài phụ trách, bí mật vòng lại phía sau đội hình địch. Bài nhằm vào chiếc xe cuối cùng nổ súng. Quả đạn B40 của Bài lao vào chiếc xe. Chiếc xe chung chiêng rồi đâm xuống vệ đường bốc cháy.
Bài vác súng chạy theo đoàn xe địch đang giảm dần tốc độ, khi cách xe địch 30m anh nâng súng, siết cò. Hai quả đạn B40 liên tiếp bay đi. Chùm khói màu da cam phủ kín chiếc xe tăng và chiếc xe GMC của địch. Bọn địch sống sót nhảy xuống đường tháo chạy.
Một số xe tăng và xe GMC chở quân địch vượt qua được trận địa Đại đội 5 chạy về phía quận lỵ.
Tình huống diễn ra khẩn trương, bất ngờ. Nghĩ rằng một trong những chiếc xe tăng này mà nã pháo vào sau lưng mũi thọc sâu của sư đoàn thì sẽ vô cùng tai hại, tôi lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 dùng Đại đội 6 nhanh chóng thiết lập tuyến chốt giữa quận lỵ chặn bằng được những chiếc xe tăng địch. Đồng thời tôi ra lệnh Đại đội 16 giá súng 12 ly 7 ngay giữa đường phố đánh địch. Đại đội 15 cũng chia thành từng khẩu đội cối 82 ly cùng bộ binh chiến đấu. Chiến sĩ ta bám vào tường nhà nổ súng chặn địch.
Đường phố Lái Thiêu một lần nữa lại mịt mù khói đạn. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 và các đơn vị trực thuộc chiến đấu rất quả cảm, diệt hết chiếc xe này đến chiếc xe khác. Xe tăng, xe GMC chở quân của địch, chiếc bị bắn cháy, chiếc lao xuống vệ đường, chiếc đâm vào nhau đổ gục. Xác lính ngụy nằm rải rác trên mặt đường. Súng đạn, quần áo trang bị của địch vứt bừa bộn khắp nơi. Toàn bộ lực lượng địch tháo chạy qua Lái Thiêu bị tiêu diệt.
Tiểu đoàn 5 diệt 30 xe, thu 20 xe. Bọn tù binh, hàng binh dồn về chật một bãi cỏ rộng ở trung tâm quận lỵ. Tôi nói với Chính trị viên Tiểu đoàn 5 Hoàng Ngọc Sinh giải thích 10 chính sách của Mặt trận, rồi phóng thích họ. Anh Sinh tuyên bố. "Cho phép các anh trở về làm ăn, sinh sống với gia đình". Khi anh Sinh vừa dứt lời, đám lính ngụy nhảy lên reo hò: "Hoan hô Quân giải phóng! Hoan hô Quân giải phóng!".
Nữ chiến sĩ biệt đồng Hai Mỹ dẫn đường cho xe của Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (trái) dẫn đầu tiến vào cầu Vĩnh Bình, Sài Gòn ngày 30.4.1975. (Ảnh: NVCC)
Việc làm này được nhân dân quận lỵ Lái Thiêu rất hoan nghênh. Những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc "Quân giải phóng trả thù, sẽ có những cuộc tắm máu đã sớm tan biến trước chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta. Các gia đình đón chồng, con, em trở về với niềm vui đoàn tụ và lòng biết ơn cách. mạng sâu sắc.
Cùng thời gian trên, mũi tiến công binh chủng hợp thành của Tiểu đoàn 6 thọc vào phía bắc cầu Vĩnh Bình. Gần 30 chiếc xe tăng, thiết giáp từ bộ chỉ huy thiết giáp xông ra phản kích. Đạn pháo từ xe tăng và đạn chống tăng từ các lô cốt địch bắn ra đan dày trước đội hình tiến công của ta. Chiếc xe tăng đi đầu của ta trúng đạn bốc cháy. Mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 6 bị chững lại.
Trước tình huống đó, tôi trao đổi với Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc động viên anh em giữ vững quyết tâm chiến đấu. Đồng thời tôi điều Đại đội 10 lên cùng phối hợp, kiên quyết đánh chiếm bằng được cầu Vĩnh Bình. Chúng tôi tổ chức thành hai mũi tiến công vào đội hình xe tăng địch. Mạc ngồi một xe, tôi ngồi một xe tiến theo đường 13. Xe tăng ta vừa tiến, vừa bắn. Xe của Mạc và xe của tôi bắn cháy 3 xe tăng M.48.
Các chiến sĩ bộ binh Đại đội 10 cũng chia thành hai mũi đánh vào sườn địch. Chiến sĩ B40, B41 của Đại đội 10 đánh rất giỏi, bắn trúng 10 xe tăng địch.
Cánh quân phản kích bằng xe tăng của địch đã bị Trung đoàn 27 cùng Đại đội 3 xe tăng đánh thiệt hại nặng.
Gần như cùng một lúc, các đơn vị báo cáo với tôi: “Đạn B40, B41 đã hết, chỉ còn lựu đạn, thủ pháo và đạn AK, đề nghị bổ sung gấp”. Tôi thoáng lo lắng: "Không có đạn hỏa lực, bộ binh không thể vượt qua trận địa xe tăng địch được".
Tôi lệnh cho các đơn vị phía trước dùng lựu đạn, thủ pháo, AK giữ vững trận địa và chỉ thị cho anh An - Chủ nhiệm Hậu cần chuyển hết số đạn B40, B41 dự trữ của trung đoàn lên bổ sung kịp thời. Bộ binh dừng lại cho công binh khắc phục mìn. Khi các chiến sĩ công binh giơ tay ra hiệu đường thông, thì lúc đó các đơn vị đã được bổ sung đạn hỏa lực.
Sự hi sinh trên cầu Vĩnh Bình
Cầu Vĩnh Bình đã hiện ra trước mắt các chiến sĩ, nhưng đội hình của ta vẫn chỉ nhích lên được từng mét. Địch tổ chức phòng thủ ngay sát đầu cầu và nống ra phản kích lần thứ hai. Lúc này chúng tôi không lo những chiếc xe tăng địch lao về phía mình mà lo chúng phá cầu. Tôi và Hoàng Thọ Mạc cho xe tách khỏi đội hình, vượt lên, chỉ thị mục tiêu cho xe tăng và bộ binh ta đánh địch...
Cùng lúc đó, một pháo tự hành 175 của địch từ nhánh đường rẽ lao ra phía cầu Vĩnh Bình. Hoàng Thọ Mạc hô:
- Xe 956! Đạn xuyên một phát, bắn! Tiếng hô của Đại đội trưởng Mạc vừa dứt, một quả đạn đã lao vút vào khẩu pháo "vua chiến trường" làm nó đâm đầu vào bức tường bên đường bốc cháy dữ dội. Còn một khẩu pháo 175, lính chạy bỏ lại. Tôi bảo anh em lấy sơn viết vào khẩu pháo: BK19.
Thấy "vua chiến trường" bị diệt, bọn địch ở phía sau hốt hoảng dừng lại. Chớp thời cơ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 chia thành nhiều mũi, từ các hướng đánh vào trận địa địch. Xe tăng của chúng chiếc bị bắn cháy, chiếc bị ta bắt sống. Những chiếc còn lại vội vàng cụm lại, chốt giữ đầu cầu. Địch vẫn ngoan cố chống cự và tìm cách ngăn chặn mũi tiến công của ta. Đoạn đường đầu cầu, chúng dựng thùng phuy chứa đầy cát và những tấm bê tông trên mặt đường, tạo thành một lối đi chật hẹp, ngoắt ngoéo. Hoàng Thọ Mạc nói với tôi:
- Ta không thể cho xe tăng lao lên húc đổ các vật cản trên đường. Địch sẽ lợi dụng lúc xe tăng ta khắc phục vật cản mà diệt. Phải đánh bằng bộ binh thôi anh Hiệu ạ!
Nói rồi, Mạc tháo mũ công tác, xách khẩu B40, bật nắp xe nhảy xuống đường. Một số chiến sĩ cũng rời xe, xách súng AK chạy theo đại đội trưởng. Thấy vậy Mạc ra lệnh:
- Các đồng chí về ngay vị trí. Chuẩn bị cho xe vượt cầu!
Tiếng Đại đội trưởng Mạc lẫn trong tiếng nổ ầm ầm của đạn pháo địch. Anh lao đi phối hợp chiến đấu với một mũi tiến công của Đại đội 10 Tiểu đoàn 6.
Bỗng có tiếng súng rộ lên ở phía sau. Đó là tiếng súng của Tiểu đoàn 5 đang chặn địch tháo chạy từ Bình Dương về Sài Gòn. Phía trước, phía sau đều có địch. Phải nhanh chóng chiếm cầu bằng được. Mạc bàn với Nguyễn Tiến Hoạt - Đại đội trưởng Đại đội 10, rồi vượt sang bên kia đường.
Một tiếng nổ choáng óc ở mép đường Mạc vừa tới. Quân địch ở lô cốt gần đó nhìn thấy anh, chúng nổ súng. Mảnh đạn M.79 xuyên vào ngực làm anh lảo đảo khuỵu xuống. Một chiến sĩ lao đến. Mạc khoát tay ra hiệu cho người chiến sĩ im lặng rồi anh chỉ tay về phía cầu.
Quân địch từ trên cầu càng bắn mạnh. Chúng đang đổ đạn xuống mặt đường trước đội hình tiến công của ta. Nhưng khoảng cách giữa ta và địch ngày càng gần lại. Những vật cản của địch trên đường để ngăn chặn ta tiến công giờ đây trở thành ụ chiến đấu của các chiến sĩ phát triển lên đánh chiếm cầu.
Lúc này, Hoàng Thọ Mạc tay trái bóp chặt vết thương đang rỉ máu, tay phải cầm khẩu B40 vẫn lao lên. Máu chảy ướt đẫm một khoảng áo trước ngực. Anh hất đầu về dãy thùng phuy. Hiểu ý đại đội trưởng, một chiến sĩ vọt tiến theo anh. Một tiếng "xoẹt xoẹt" lao đến trước mặt anh và người chiến sĩ. Đại đội trưởng Mạc tung người xô ngã người chiến sĩ, rồi nằm úp lên trên. Khói quả đạn phủ kín cả hai người.
Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh. Máu của anh chảy thắm đỏ một khoảng đất đầu cầu Vĩnh Bình. Các chiến sĩ Đại đội 3 xe tăng và Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 vô cùng thương tiếc người đại đội trưởng dũng cảm. Lòng căm thù như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ, thôi thúc họ tiến lên diệt địch, trả thù cho đại đội trưởng thân yêu. Tôi điều hai khẩu 37 ly hạ nòng bắn vào các cụm quân địch đang chiếm giữ cầu. Các mũi tiến công của Đại đội 10 chiếm được lô cốt đầu cầu, đẩy địch ra khỏi công sự.
Mất chỗ dựa, toàn bộ quân địch chốt giữ trên cầu Vĩnh Bình buộc phải bỏ súng, đầu hàng.
Tôi nói anh em đưa thi hài Hoàng Thọ Mạc lên xe cùng tiến vào hang ổ cuối cùng của địch. Xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải chở Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 27 ào qua cầu Vĩnh Bình. Tấm biển chỉ đường ở đầu cầu ghi dòng chữ màu trắng: "Sài Gòn 10 ki-lô-mét". Vượt qua cầu Vĩnh Bình, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Trung đoàn 27 rẽ về hướng tây, theo một con đường vào quận ly Gò Vấp. Mũi thọc sâu tiến sát khu bộ tư lệnh các binh chủng quân ngụy ở quận Gò Vấp.
“Anh không phải đồng chí của chúng tôi”
Trời Sài Gòn như vỡ ra bởi tiếng nổ rung chuyển của các loại đạn các cỡ. Tiếng rít xé gió của đạn pháo. Tiếng đạn nhỏ xiết vào không gian chiu chíu. Tiếng động cơ máy nổ, tiếng bánh xích nghiến rung mặt đường.
Lúc này tôi nhận được điện của Bộ Tư lệnh Quân đoàn truyền đạt tinh thần bức điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ với quyết tâm lớn nhất hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất của quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sự đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định...
9 giờ 30 phút, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đánh vào Bộ Tư lệnh thiết giáp - lực lượng mạnh nhất của địch trong khu bộ tư lệnh các binh chủng ngụy. Trước cổng Bộ tư lệnh thiết giáp, địch đã tổ chức một trận địa phòng ngự bằng tất cả các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại nhất của chúng. Xe tăng xe thiết giáp được bố trí nhiều tầng, bắn như đổ đạn về phía trước ngăn chặn mũi tiến công của ta.
Quan sát trận địa địch tôi thấy chúng phòng thủ chủ yếu bằng xe tăng, thiết giáp, rất ít bộ binh. Do vậy chúng không dám ra phản kích. Biết rõ chỗ yếu của địch, tôi ra lệnh cho xe tăng ta nã pháo chế áp trận địa địch, đồng thời cho bộ binh chia thành nhiều mũi, dùng B40, B41 áp sát chia cắt, tiêu diệt xe tăng địch.
Nhận được lệnh, Đại đội 3 xe tăng của ta tập trung nã pháo tới tấp vào trận địa địch. Các xạ thủ B40, B41 rời khỏi xe ôtô vượt qua làn đạn đan chéo trên đầu, xông thẳng vào đội hình xe tăng địch. Mười chiếc xe tăng địch bị bắn cháy. Địch bị bất ngờ trước lối đánh của quân ta, chúng quay đầu tháo chạy. Nhưng, những con đường trước mặt chúng đều là những con đường cụt, buộc chúng phải co về cố thủ trong khu Bộ tư lệnh thiết giáp.
Chớp thời cơ, tôi lệnh cho xe tăng và bộ binh vừa đánh vừa tiến vào. Không chịu nổi sức tiến công của ta, viên Đại tá Chiêu buộc phải dẫn sĩ quan, binh sĩ trong bộ tư lệnh thiết giáp ra hàng. Lá cờ ba que bị hạ xuống, chiến sĩ ta kéo lá cờ giải phóng lên nóc cột cờ Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy.
Làm chủ Bộ tư lệnh thiết giáp, ta bắt tù binh dẫn đường đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo. Lục quân công xưởng (trại Đoàn Dư Khương) là căn cứ sửa chữa lớn, tập trung nhiều vật tư kỹ thuật, có khoảng 2 nghìn sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên với nhiều xưởng cơ khí, đúc, quân xa, xe hơi, trọng pháo, vũ khí... Ở đây sửa chữa theo dây chuyền rất hiện đại, có khả năng đại tu tất cả các loại vũ khí, trọng pháo, xe tăng, xe thiết giáp, xe hơi lục quân.
Tại căn cứ 60 tiếp vận truyền tin (trại Nguyễn Thái Học là căn cứ sửa chữa lớn các máy thông tin, Trại Phạm Tất Được là nơi dự trữ nhiên liệu đặc biệt), khi Trung đoàn 27 chiếm giữ, căn cứ còn 12 triệu lít xăng. Ta còn chiếm giữ các căn cứ: Căn cứ tồn trữ quân nhu 331 (trại Nguyễn Công Trứ), bao gồm quân trang, các xưởng may mặc của quân đội ngụy. Căn cứ này có khoảng trên 1 nghìn sĩ quan, binh sĩ và nhân viên. Tiểu đoàn 61 pháo binh (trại Phan Sào Nam). Trường quân cụ và trường đào tạo kỹ thuật...
Tôi nhớ nhất là khi đánh vào Tổng y viện Cộng Hòa, bệnh viện lớn và hiện đại nhất của quân ngụy. Tên lính ngụy dẫn đường đưa chúng tôi vào thẳng phòng làm việc của viên Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh. Thấy chúng tôi vào, Thanh lắp bắp:
- Xin chào các đồng chí!
Tôi nói ngay:
- Anh không phải là đồng chí của chúng tôi.
Thanh liếc nhìn tôi. Nhận ra giọng nói Nam Định của tôi, Thanh bắt chuyện:
- Tôi quê Nam Định, là bạn học cùng bác sĩ Phạm Gia Triệu, quê ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Chúng tôi cùng học với nhau ở Pháp.
Tôi cắt ngang:
- Tôi là Phong, chỉ huy cánh quân này. Anh cho biết bệnh viện của anh có bao nhiêu bác sĩ và nhân viên?
- Dạ thưa, khoảng 400 bác sĩ và nhân viên.
- Bao nhiêu thương binh?
- Có 200 thương binh từ thiếu tá trở xuống.
Dừng lại một lúc, tôi nói như ra lệnh:
- Anh cho đăng ký số thương binh là cấp tá, còn tất cả thương binh khác cho gia đình đưa về điều trị và chuyển sang các viện dân sự. Anh cùng bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục ở lại phục vụ thương binh Quân giải phóng, ngay từ bây giờ...
Thương binh của Trung đoàn 27 và thương binh các hướng của chiến dịch bắt đầu được đưa về Tổng y viện Cộng Hoà (ngày nay, nơi đây là Viện 175) điều trị.
Thi hài Hoàng Thọ Mạc vẫn trên xe, tôi bảo anh em đến nơi bán quan tài chọn chiếc đẹp nhất để khâm liệm và an táng cho anh. Đây cũng là một trong những cán bộ hy sinh ngay trước giờ thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Tang lễ Hoàng Thọ Mạc được tổ chức trọng thể với chiếc quan tài đẹp nhất.
Cũng vào thời điểm 11 giờ 30 phút lá cờ chiến thắng của quân đội ta được kéo lên ở Dinh Độc Lập, bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác trong thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã đại thắng. Nhân dân Sài Gòn xuống đường hò reo đón chào bộ đội cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng bay rợp các đường phố... Giữa giờ phút thiêng liêng này, tôi nghẹn ngào nhớ tới hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 và các đơn vị bạn đã anh dũng ngã xuống từ Mặt trận bắc Quảng Trị mùa Xuân năm 1968, trên suốt chặng đường chiến đấu, đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng hôm nay.