Dân Việt

Lăng kính: Hãy gọi Guardiola là... Gia Cát La

Ngọc Trung 29/04/2019 18:10 GMT+7
Điều gì gây ấn tượng nhất từ khuôn mặt của Pep Guardiola? Vâng, vầng trán với rất nhiều nếp nhăn!

img

1. Những nếp nhăn giăng ngang trên vầng trán cao vợi ấy phản ánh phần nào con người của Pep Guardiola. Đầu tiên, Pep là con người tiểu tiết. Tiếp đến, để tiểu tiết, ông phải kiểm soát. Và để kiểm soát, ông cần suy nghĩ không ngừng.

Sự chi li của Pep rất dễ nhận ra, bởi nó xảy ra hàng ngày trên sân cỏ, nơi vị chiến lược gia người Tây Ban Nha thể hiện khao khát kiểm soát từng chuyển động nhỏ nhất của trận đấu đến độ cuồng tín. Tiêu biểu là trường hợp Raheem Sterling.

Tiền đạo này từng chịu cơn thịnh nộ của ông thầy người Tây Ban Nha chỉ vì vài pha đảo chân ở những phút bù giờ trận derby thành Manchester. Đối với Sterling và nhiều người, những pha đảo chân ấy mang tính biểu diễn và giải trí vì thời điểm đó Manchester City đã dẫn Manchester United 2 bàn (thắng 3-1) và thời gian trận đấu tính bằng giây.

Đối với M.U thì những pha xử lý như vậy là thiếu tôn trọng đối thủ. Thực tế tiền vệ Juan Mata đã lên tiếng chỉ trích Sterling sau trận đấu. Và Mata cũng như các thành viên M.U hẳn rất cảm động với phản ứng của Guardiola ngay trên sân.

Nhưng kỳ thực, Pep Guardiola nổi cáu là vì: "Cách tốt nhất để phòng ngự là giữ bóng. Sane và Foden đã làm điều đó. Khi chỉ còn 2 hay 3 phút là hết trận, họ đã kiểm soát hoàn toàn bóng. Thế nhưng, Sterling đã làm một số động tác chân với bóng. Chúng ta có thể tránh điều đó", ông nói.

2. Sự kiểm soát của Pep biểu hiện ngay trên sân, yêu ghét tùy quan điểm nhưng nhìn chung chưa phản ánh hết giá trị của vị chiến lược gia này. Nó chỉ là bề nổi của tảng băng. Phần chìm là sự suy nghĩ và không nhiều người nhận ra được khối lượng nơ-ron thần kinh khổng lồ ấy.

img

Guardiola muốn kiểm soát mọi chi tiết nhỏ nhất

Ngược dòng thời gian trở về 10 năm trước, khi Pep Guardiola xuất hiện tại Barca và trình làng thứ bóng đá tạm gọi là tiqui-taca khiến cả thế giới phủ phục. Một cuộc cách mạng thực sự về chiến thuật được vị chiến lược gia này tạo ra chứ không đơn giản chỉ là chuyền đi chuyền lại tí tách.

Từ Pep, giới mộ điệu quen dần với việc thủ môn tham gia vào kiểm soát bóng và tổ chức tấn công thay vì gói gọn nhiệm vụ trong khâu phòng ngự, đồng nghĩa biết thêm về cách triển khai bóng từ phần sân nhà. Từ Pep, pressing trở thành yếu tố cốt tử với quy tắc 3 giây (pressing quyết liệt trong vòng 3 giây từ khi mất bóng, nếu không thành công mới lùi về tổ chức thế trận phòng ngự).

Và cũng từ Pep, lối chơi Định hướng vị trí, nôm na là dồn quân tấn công vào một vị trí khiến hàng thủ đối phương xô lệch rồi bất ngờ chuyển hướng tấn công vào vị trí bị xô lệch, được nâng tầm trở thành triết lý.

Chuyển sang Bayern Munich, Guardiola cho thấy khả năng lao động và sức sáng tạo không giới hạn của bản thân khi lột xác Bayern từ đội bóng có lối chơi mạnh mẽ trực diện trở thành đoàn quân uyển chuyển, biến hóa với việc sử dụng thành thúc 12 sơ đồ chiến thuật và vẫn áp đảo về khả năng cầm bóng. Dĩ nhiên, yêu hay ghét cách Pep thổi hồn vào Bayern cũng tùy quan điểm.

Hiện tại, ở Man City, Guardiola đánh bật quan điểm chỉ có tốc độ, thể lực và sự va đập mới có thể thành công tại Anh. Đồng thời, Pep khiến công chúng ngày càng hiểu hơn về bóng đá, về tầm quan trọng của pressing, của Zone 14 (khu vực trước vòng cấm địa), của Half Space (hành lang trong).

img

Những giá trị Pep mang lại bị che mờ bởi phú quý ông mang theo

3. Những giá trị Pep mang đến ấy không nhiều người để ý, hoặc đúng hơn là bị che mờ bởi những phú quý mà Pep được hưởng lẫn những thất bại ê chề mà Pep phải nhận. Tại Barca, ông tận hưởng một thế hệ tinh túy trăm năm có một từ chính lò La Masia. Và đó là nơi duy nhất ông thành công trong việc chinh phục Champions League.

Tại Bayern, ông thừa kế một tập thể xuất sắc vừa "ăn ba". Và tại Man City, ông được hậu thuẫn với cái đòn bẩy tài chính mạnh mẽ bậc nhất thế giới túc cầu. Thế nhưng Pep chưa từng giành danh hiệu danh giá nhất châu Âu thêm lần nào nữa và thường xuyên bị loại một cách ê chề.

Dĩ nhiên, đã thất bại là phải có lý do. Đối với Pep, vấn đề của ông là suy nghĩ quá nhiều. Trong cuốn Pep Confidential: The Inside Story of Pep Guardiola’s First Season at Bayern Munich, cây bút Marti Perarnau đã đặc tả về sự suy nghĩ nhiều của Pep một cách không thể sinh động hơn.

Đó là sau khi thất bại 0-1 trước Real Madrid tại lượt đi bán kết, Guardiola và các cộng sự bỏ ăn tối và ngồi đến 3 giờ để họp bàn chiến thuật cho lượt về. Cuối cùng, BHL Bayern mà đứng đầu là Pep đi đến thống nhất 3-4-3 là sơ đồ khả dĩ nhất để đánh bại Real ở lượt về.

Lập luận về quyết sách này cũng rất quang minh, cụ thể Real sẽ chơi phòng ngự phản công ở lượt về và 3-4-3 giúp áp đảo ở trung tuyến nhưng không ùn ứ ở trước vòng cấm địa. Thậm chí sau buổi họp, Pep còn căn dặn trợ lý Domènec Torrent rằng: “Dome, đừng để tôi thay đổi ý định. Đây là cách duy nhất rồi”. Nhưng đêm ấy, trên chuyến bay về lại Munich, Pep đã đổi ý.

img

Suy nghĩ quá nhiều lại trở thành vấn đề của Pep

Những sai lầm tương tự lặp lại khi Man City đụng độ Liverpool ở mùa trước mà Pep lại sử dụng tới 4 tiền vệ trung tâm để rồi bị đối phương đánh bại ở hai hành lang. Hoặc như lượt đi trận tứ kết với Tottenham mùa này với một loạt lựa chọn nhân sự sai lầm, như việc cất De Bruyne, Sane và sử dụng Mahrez.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào Pep cũng sai. Lần sai của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số thất bại khác lại đến từ sự thiếu may mắn, điều Pep không thể kiểm soát. Chẳng hạn trận lượt về giàu cảm xúc tại Etihad, bằng cách nào đó Tottenham đã ghi 3 bàn thắng chỉ với tổng xG (Bàn thắng kỳ vọng) suốt 90 phút là 0,67.

Cách nào đó ở đây là những sai lầm tai hại của Laporte. Nó cũng như cơn mưa tại Thượng Phương cốc mà Gia Cát Lượng đành bất lực đứng nhìn Tư Mã Ý chạy thoát. Thất bại cuối cùng trong lục xuất Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng. Pep hoàn toàn có thể là một phiên bản của Gia Cát Lượng đời nay, khi đã 9 mùa liên tiếp không đăng quang Champions League.

Thế nhưng, cũng như Khổng Minh trong Tam Quốc diễn nghĩa, tài năng và giá trị của Pep là không thể đong đếm và phủ nhận.