Bamboo Airways tố lên Bộ Giao thông vì nghi ngờ bị "chơi xấu"
Tuần qua, các tờ báo trong nước đồng loạt đưa tin, Công ty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải thông tin việc, ngày 23/4 tại văn phòng Bamboo Airways, hãng này có "nhặt" được văn bản dưới dạng photo.
Văn bản đóng dấu “mật”, cuối văn bản này có chữ ký của ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines và đóng dấu của Vietnam Airlines.
Bamboo Airways bất ngờ "nhặt" được văn bản dưới dạng photo nêu việc Bamboo Airways giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines.
Nội dung văn bản có nêu việc Bamboo Airways giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Vietnam Airlines. Văn bản cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng xem xét việc cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với loại tàu bay B787 của Bamboo Airways.
Hai trường hợp được Bamboo Airways đặt ra: Khả năng thứ nhất, đây là là báo cáo giả mạo. Hai là báo cáo này của Vietnam Airlines.
Phía Bamboo Airways đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xác minh có hay không văn bản như trên. Đồng thời thực hiện các hoạt động cần thiết trong thẩm quyền của mình để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của "báo cáo".
Rộ tin LG sắp chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam?
Tuần qua, nhiều tờ báo tại Việt Nam dẫn thông tin của Hãng thông tấn Yonhap cho biết, LG sẽ đóng cửa nhà máy Pyeongtaek ở phía nam Seoul, Hàn Quốc vào cuối năm 2019 để chuyển dây chuyền sản xuất sang Hải Phòng, Việt Nam.
LG kỳ vọng việc này sẽ làm giảm chi phí sản xuất điện thoại thông minh của hãng, giúp chi nhánh LG Mobile phục hồi sau nhiều khó khăn.
Trước đó, mảng kinh doanh thiết bị di động của LG liên tục báo lỗ từ quý II/2017. Gần đây nhất, quý 4/2018, chi nhánh di động của LG lỗ khoảng 72 triệu USD.
Ngoài Hàn Quốc và Việt Nam, LG còn có nhà máy điện thoại ở Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Nhà máy LG sắp bị đóng cửa ở Hàn Quốc chủ yếu sản xuất các thiết bị flagship, ví dụ như chiếc G8 ThinQ hay V50 ThinQ, và khoảng 10-20% tổng số smartphone của hãng.
Nữ tướng 8X Lê Diệp Kiều Trang đầu quân cho Go-Viet
Go-Viet vừa chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí tân tổng giám đốc. Bà Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts và đầu quân cho công ty tư vấn chiến lược McKinsey.
Go-Viet vừa chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí tân tổng giám đốc.
Bà Trang sau đó đã giữ nhiều chức vụ khác như Tổng giám đốc Fossil Việt Nam rồi Giám đốc Facebook Việt Nam. Hồi đầu năm 2019, bà Lê Diệp Kiều Trang bất ngờ thông báo chia tay Facebook sau 9 tháng đảm nhận vị trí giám đốc tại đây.
Bà Trang từng cùng chồng ông Sonny Vũ sáng lập nên Misfit Wearables. Cuối năm 2015, Misfit Wearables được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD.
Go-Viet hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao nhận tại Việt Nam với công ty mẹ là GoJek (Indonesia). Go-Viet đã triển khai các dịch vụ Go-Bike, Go-send hay Go-Food.
Đến cuối năm 2018, Go-Viet đã có 1,5 triệu người dùng và đã đạt gần 4 triệu lượt tải ứng dụng.
Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định xe công nghệ gắn "mào"
Bộ Tư pháp đã gửi Bộ Giao thông Vận tải văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đề nghị, bỏ quy định xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (như Grab) phải có hộp đèn "Xe hợp đồng". Điều này theo Bộ Tư Pháp là không cần thiết vì dự thảo đã quy định tất cả loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "Xe hợp đồng".
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ sau đó, ông Lim Yen Hock – Giám đốc Grab Việt Nam đề xuất, taxi công nghệ không cần có đồng hồ tính tiền, niêm yết bảng giá và không cần sơn logo và hộp đèn (mào) taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, taxi công nghệ như Grab có thể lắp đặt bảng LED gắn trong xe hoặc sau kính chắn gió.
Bộ Tư pháp đề nghị, bỏ quy định xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn "Xe hợp đồng".
Trong khi ấy, với đề xuất của Grab bỏ các điều kiện như quy định về hộp đèn trên nóc xe, Hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng điều này trái pháp luật, muốn hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải.
Đề xuất đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan về dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương.
Trong số này, đáng chú ý trong các danh mục trên có báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố.
Trước đó, góp ý cho vấn đề này, riêng về giá điện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính. Trong khi ấy, mặt hàng điện thì khó xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng trước.
Việt Nam là thị trường đầu tiên trên toàn thế giới mà Coca-Cola và Fonterra giới thiệu sản phẩm sữa mới cho trẻ em.