Được biết, sau khi xảy ra vụ chìm tàu chở hàng từ đất liền ra đảo Lý Sơn vào cuối tháng 3, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cấp ngành chức năng tỉnh kiểm tra toàn bộ phương tiện vận tải hàng hóa trên tuyến này. Qua đó phát hiện toàn bộ 3 tàu chở xăng của huyện Lý Sơn không đảm bảo quy định hiện hành nên cho tạm dừng. Lệnh cấm đột ngột này đã gây tình trạng thiếu xăng trên đảo.
Không đảm bảo tiêu chuẩn quy định, nhưng tàu Tiên Tri 07 của doanh nghiệp Tư nhân Nhiên Phường là phương tiện duy nhất được huyện Lý Sơn đề nghị và tỉnh cho phép vận chuyển xăng từ đất liền ra đảo để độc quyền tiêu thụ.
Để "chữa cháy" sau khi họp bàn, chính quyền Lý Sơn chỉ đề nghị và tỉnh Quảng Ngãi cho phép duy nhất tàu sắt hậu cần Tiên Tri 07 được vận chuyển xăng ra đảo. Theo đó, doanh nghiệp Tư nhân Nhiên Phường trở thành độc quyền tiêu thụ loại nhiên liệu này tại đây.
Nhưng điều đáng nói là tàu Tiên Tri 07 cũng không đảm bảo các quy định để được phép tham gia vận chuyển xăng, dẫn đến sự bất bình cho các doanh nghiệp khác, tạo nghi ngờ trong dư luận ở địa phương.
Ông Nguyễn Xiêm (58 tuổi), một trong số 2 doanh nghiệp tư nhân vận chuyển và cung cấp xăng chính ở Lý Sơn, cho biết: "Đã cấm vì phương tiện không đảm bảo quy định, nhưng lại cho duy nhất Doanh nghiệp Nhiên Phường sử dụng tàu cũng không đủ tiêu chuẩn được phép chở xăng ra đảo bán là chưa công bằng".
Người dân Lý Sơn chen nhau mua xăng tại cửa nhà của doanh nghiệp Nhiên Phường, hiện là đơn vị độc quyền bán xăng tại đảo.
Dư luận ở đảo Lý Sơn đặt câu hỏi: "Vì sao huyện Lý Sơn có sự ưu ái này? Ai, cơ quan nào đảm nhận kiểm tra việc doanh nghiệp Nhiên Phường đưa xăng ra đảo?".
Trong khi đó, một số chủ điểm bán xăng lẻ tại đảo Lý Sơn xác nhận: "Nếu muốn mua số lượng vài chục lít/lần về bán lẻ, phải chấp nhận giá mua cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/lít so với giá tại cửa hàng".
Trưa 28.4, trả lời PV Dân Việt về những nghi vấn, bức xúc trên, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận: "Tàu Tiên Tri 07 của doanh nghiệp Nhiên Phường cũng không đủ tiêu chuẩn để tham gia vận chuyển xăng từ đất liền ra đảo. Nhưng huyện chọn và đề nghị tỉnh cho phép tàu này vận chuyển vì đây là tàu sắt, nên đảm bảo hơn so với tàu vận chuyển bằng gỗ".
Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, việc đề nghị tỉnh cho phép duy nhất tàu Tiên Tri 07 vận chuyển xăng là tình thế cấp bách, tránh tình trạng thiếu xăng trên đảo sau lệnh cấm của tỉnh. Nếu các doanh nghiệp vận tải và kinh doanh xăng trên đảo không đưa được phương tiện đủ chuẩn thay thế, chính quyền Lý Sơn sẽ tìm một tàu chuyên dụng đảm bảo quy định để vận chuyển. Dĩ nhiên, nếu là tàu do huyện hợp đồng, xăng đưa ra sẽ cung cấp cho tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này của đảo, chứ không cung cấp cho riêng một doanh nghiệp nào.
Cũng theo ông Việt, để tránh tình trạng Doanh nghiệp Nhiên Phường lợi dụng độc quyền tuồn xăng ra ngoài bán nhằm thu lợi cao hơn (so với bán tại cửa hàng), chính quyền đã giao trách nhiệm cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện giám sát, kiểm tra.
Được biết, lâu nay, hoạt động vận chuyển xăng từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn có tất cả 3 phương tiện tàu gỗ của Doanh nghiệp Tư nhân Nhiên Phường (2 chiếc, khối lượng chở 16m3/chiếc/lần) và Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Xiêm (1 chiếc, khối lượng chở 7 tấn/lần). Tuy nhiên, hiện 3 tàu vận tải này đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho dừng hoạt động vì không đảm bảo các quy định hiện hành. |