Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và khá phù hợp với tình hình thu nhập bình quân của người dân.
Việc này cũng nhằm bù đắp vốn đầu tư xe mới, giảm chi ngân sách bù lỗ. Dự kiến sau khi điều chỉnh giá vé, doanh thu sẽ tăng 92,5 tỷ đồng mỗi năm.
Khách hàng sử dụng xe buýt đòi hỏi thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ hành khách của nhân viên xe buýt tốt hơn.
Theo đó, nhóm tuyến có cự ly 15 - 25km có giá vé 6.000 đồng mỗi lượt, từ 25km trở lên giá 7.000 đồng/lượt. Các tuyến có cự ly dưới 15km giá vé giữ nguyên 5.000 đồng.
Đối với học sinh, sinh viên, giá vé mỗi lượt đồng hạng 3.000 đồng, nhưng khi lên xe phải xuất trình thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy xác nhận có dán hình, đóng dấu giáp lai.
Bà Nguyễn Ngọc Nga (Q.5) cho biết, bà là khách hàng thường xuyên của các tuyến xe buýt. “Để đi lại trong nội ô TP, tôi chủ yếu sử dụng xe buýt. Tăng thêm 1.000 đồng không có gì đáng nói. Nhưng tôi thắc mắc, việc tăng giá vé có giúp thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn hay không?”, bà Nga bộc bạch.
Khách hàng sử dụng thẻ thanh toán điện tử trên tuyến xe buýt 86 ở TP.HCM.
Em Trần Kim Ngân - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng đồng quan diểm này: “Em thuê nhà trọ ở quận 6. Mỗi ngày đến trường em đều dùng 2 lượt xe buýt đi và 2 lượt về, mua vé tháng để tiết kiệm. Thực tế, nhiều cô chú nhân viên xe buýt khá nhã nhặn, lịch sự nhưng một số khác lại rất khó chịu với sinh viên chúng em, nhất là vào giờ cao điểm. Có thể, mỗi tháng em lại phải tốn thêm vài chục ngàn cho phí đi xe buýt, nhưng vì thế các cô chú nhân viên sẽ vui vẻ, lịch sự hơn chăng”, Ngân chia sẻ.
Trong một cuộc họp gần đây bàn về giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, một lãnh đạo HTX xe buýt cũng thừa nhận, xe buýt hiện nay còn chưa thực sự đúng giờ, trễ chuyến thường xuyên, một số tuyến có tình trạng bỏ chuyến...
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện TP.HCM có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến (110 tuyến có trợ giá). Tuy nhiên, xe buýt chỉ mới đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại của người dân trong năm 2018. Năm 2019, dự kiến chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 11,2% và đến năm 2020 đáp ứng từ 15% nhu cầu giao thông đô thị.
Ngân sách TP tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhằm trợ giá cho hệ thống xe buýt, có năm số tiền trợ giá này lên tới 1.300 tỷ đồng.