Dân Việt

Huyện phớt lờ chỉ đạo cho chỉ định thầu thu gom rác, chăm sóc cây xanh

Công Xuân 30/04/2019 12:28 GMT+7
Bất chấp chỉ đạo của tỉnh phải tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị cung ứng dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và cắt tỉa, duy trì, chăm sóc cây xanh trên địa bàn theo đúng quy định (Nghị định số 130/2013/NĐ-CP, ngày 16.10.2013), chính quyền huyện Đức Phổ đã chỉ định thầu cho công ty MD đảm nhận phần việc trên, với tổng số tiền đã thanh toán ước trên 5 tỷ đồng.

Được biết trên cơ sở đề nghị của chính quyền huyện Đức Phổ và tham mưu của các sở ngành Quảng Ngãi, ngày 21.8.2017, UBND tỉnh có văn bản (số 5074/UBND-KT), do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng ký, gửi cho huyện Đức Phổ, chỉ đạo việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn huyện này.

Tại điều 2 của văn bản trên, nêu rõ: "UBND huyện Đức Phổ chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn (đấu thầu) đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và cắt tỉa, duy trì, chăm sóc cây xanh trên địa bàn; đồng thời tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định (số 130/2013/NĐ-CP, ngày 16.10.2013) của Chính phủ về việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các quy định liên quan".

img

Văn bản (số 5074/UBND-KT), của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi gửi cho huyện Đức Phổ, chỉ đạo việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn huyện này.

Tuy nhiên phớt lờ sự chỉ đạo trên, ngày 23.8.2017, chính quyền huyện Đức Phổ đã ra quyết định (số 3456/QĐ-UBND), do ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện này (hiện Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi) ký, chỉ định luôn cho Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD (gọi tắt là Công ty MD) đảm nhận công việc trên.

Qua Thanh tra, tỉnh Quảng Ngãi kết luận (số 02/KL-UBND, ngày 18.1.2019): Cấp thẩm quyền quyết định phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích là UBND tỉnh. Chính quyền huyện Đức Phổ không thực hiện đấu thầu mà ra quyết định chỉ định thầu (cung ứng dịch vụ công ích thu gom, vậm chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và cắt tỉa, duy trì, chăm sóc cây xanh) trên địa bàn cho Công ty MD là sai quy định, trái thẩm quyền. Yêu cầu xuất toán giá trị phần công việc duy trì, chăm sóc cây xanh số tiền gần 750 triệu đồng...

img

Phớt lờ sự chỉ đạo của tỉnh, ngày 23.8.2017, chính quyền huyện Đức Phổ đã ra quyết định (số 3456/QĐ-UBND), chỉ định thầu cho Công ty MD, với tổng số tiền đã thanh toán ước trên 5 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, một trong những cơ sở để ông Trần Em - Chủ tịch huyện Đức Phổ (tại thời điểm trên) căn cứ để ra quyết định chỉ định thầu trái thẩm quyền đó là Biên bản cuộc họp ma, do Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện này lập ra vào ngày 22.8.2017, với sự đồng tình ký tên của các ông Nguyễn Ất Tỵ - Trưởng phòng Tài chính & Kế hoạch (nay là Giám đốc BQL các dự án và phát triển quỹ đất); ông Võ Thanh Hùng - Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện (ứng cử viên duy nhất được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, dự kiến diễn ra vào ngày 3.5 tới). Và trong biên bản cuộc họp ma này, không ghi bất kỳ đơn vị nào đứng ra chủ trì.

img

Hoạt động chăm sóc cây xanh và thu gom rác ở huyện Đức Phổ.

Trả lời PV Dân Việt, ông Võ Thanh Hùng - Chánh văn phòng HĐND & UBND huyện, cho biết: "Trách nhiệm xét chọn thầu thì Phòng kinh tế - Hạ tầng có thể đơn phương làm một mình (tự làm). Tuy nhiên để cho khách quan nên họ (Phòng Kinh tế - Hạ tầng) mời và lập biên bản này (?)".

Còn ông Trần Ngọc Sang - Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Đức Phổ, cơ quan chủ trì và là người ký tên vào biên bản cuộc họp ma nói ngắn gọn: "Hiện tôi đã có văn bản giải trình gửi các cấp ngành chức năng của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi rồi. Khi nào có kết luận tôi sẽ trả lời sau".

img

Ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ (hiện là Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi), người ký quyết định chỉ định thầu trái thẩm quyền cho Công ty MD.

Sáng 30.4, để làm rõ tổng kinh phí gói thầu trên là bao nhiêu, PV đã gọi điện thoại tới Công ty MD và được đại diện công ty này cho biết: Tiền trả cho gói thầu dựa trên thực tế khối lượng công việc (số lượng rác thu gom, thời gian và nhân công chăm sóc cây xanh...) mà doanh nghiệp đã thực hiện mà không có con số ấn định trước. Số tiền đã được huyện thanh toán ước khoảng 5-6 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra: "Cấp trực thuộc thì tổ chức họp ma để lập biên bản hợp thức hóa; lãnh đạo huyện phớt lờ chỉ đạo của tỉnh để ra quyết định chỉ định thầu trái thẩm quyền nhằm mục đích gì?".