Không còn độc quyền
Năm ngoái, với tầm ảnh hưởng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên, V.League được đánh bóng bằng ý tưởng đặt tên giải thành Super League. Tuy nhiên, dưới áp lực của Tổng cục TDTT và VFF, VPF buộc phải điều chỉnh, trở về với tên gọi nguyên bản là V.League. Cần nhớ rằng, việc VPF đặt tên giải thành Super League đã làm dư luận và các nhà quản lý tốn nhiều giấy mực tranh cãi.
V.League mùa này được VPF định danh là V.League 1. |
Ở mùa này, theo Điều lệ các giải đấu mà VPF vừa công bố, cái tên V.League không trở thành món hàng độc quyền, chỉ dành riêng cho sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Bởi lẽ, giải VĐQG 2013 được VPF định danh (theo tiếng Anh) là V.League 1, trong khi giải hạng Nhất quốc giai 2013 được “nhái” với cái tên V.League 2. Riêng Cup Quốc gia được gọi hoành tráng là “National Cup” (viết tắt là NC).
Việc VPF đặt tên cho các giải đấu như vậy thực chất đã được nung nấu từ mùa bóng 2012. Phương án Super League bị phá sản, nhưng chính trong thời điểm dư luận tranh cãi tưng bừng vì cái tên độc và lạ ấy, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn đã bật mí về ý tưởng gọi giải VĐQG và hạng Nhất quốc gia là V-League 1 và V-League 2.
Tuy nhiên, kế hoạch dùng những tên gọi trên cũng đã bị Tổng cục TDTT và VFF bóp nghẹt từ trong trứng nước, và chỉ thập thò triển khai vào đầu mùa bóng 2013 này khi sức ép có vẻ đã lắng dịu.
Bóng bảy nước sơn
Sau khi nhận quyền tổ chức, điều hành các giải đấu, VPF đặt tên giải đấu thế nào là… quyền của VPF. Chỉ có điều, tên giải dường như chẳng tương thích với hoàn cảnh éo le và đầy khó khăn của bóng đá Việt Nam lúc này.
Trong bối cảnh chật vật mới “cấy” được 12 đội dự V.League, thậm chí giải hạng Nhất chỉ còn vỏn vẹn 8 đội bóng tranh tài, việc VPF “lên đời” cho 2 giải đấu bằng những cái tên mỹ miều, thật sự khiến cho nhiều người nghi ngờ về khả năng đảm bảo cho chất lượng giải đấu tương xứng như những tên gọi hoành tráng.
Hãy đặt ra vấn đề: V.League 2 chỉ quy tụ được 8 đội bóng, trong khi có đến 3 suất thăng hạng V.League, 1 suất rớt hạng và mùa tới, có đến 5 đội hạng Nhì được… nhấc lên cho đủ 10 đội.
Vóc dáng và chất lượng của giải đấu này đã bị chính VPF nghi ngờ, khó đảm bảo. Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn từng thừa nhận, Ban chấp hành VFF quyết định thế nào, VPF làm vậy khi đề cập đến sự “hỗn loạn” về suất lên- xuống hạng ở giải hạng Nhất, cũng như chất lượng của sân chơi. Nhưng…
Đến giờ, việc định danh các giải đấu đã được VPF hoạch định đến 99,99%. Cụ thể nhất, công bố của VPF trên website chính thức của họ, điều lệ các giải đấu đã được xác định, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn ký tên, đóng dấu ban hành.
Tuy vậy, điều hài hước ở chỗ, dù phần D- Điều lệ giải về quy định áp dụng, sửa đổi điều lệ, VPF khẳng định chắc nịch: “Điều lệ này có hiệu lực ban hành từ ngày ký quyết định ban hành”, nhưng trong cả 3 bản Điều lệ giải mà VPF công bố trên website chính thức của họ, thời hạn có hiệu lực vẫn chưa được công bố.
Hay là VPF đang làm một phép thử?