Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, bà con nông dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đang bước vào mùa thu hoạch ngô. Ngô năm nay được mùa, đem về cho nhiều hộ nông dân nguồn thu đáng kể.
Trên tuyến đường về xã Hữu Lập, tấp nập những chiếc xe tải hạng nhẹ đổ về các rẫy ngô và các điểm tập kết ngô sau thu hoạch của bà con các bản Xốp Nhị, Xốp Thặng, Xốp Thặp và bản Na để thu mua.
Ông Vi Văn Xuân ở bản Xốp Nhị cho biết: “Năm nay gia đình ông gieo trồng 15kg ngô lai giống. Dự kiến vụ này sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng từ cây ngô”. Rẫy ngô này trước đây năm nào ông cũng trồng lúa nhưng năng suất thấp, sản phẩm thu về không đủ đáp ứng nhu cầu của gia đình. Từ vài năm nay, nhờ sự vận động của huyện và xã, ông và nhiều bà con trong bản đã chuyển đổi sang trồng cây ngô lai, hiệu quả kinh tế mỗi vụ được nâng lên rõ rệt.
Theo ông Xuân, cây ngô lai khá dễ tính, từ khâu gieo hạt đến chăm bón, thu hoạch đều khá dễ dàng. Bên cạnh đó, sản phẩm thu hoạch cũng dễ tiêu thụ, thương lái đưa xe vào tận bản, tận rẫy thu mua. Năm nay, toàn xã Hữu Lập trồng khoảng 400ha ngô lai, đem về một nguồn thu đáng kể cho bà con.
Nằm bên cạnh xã Hữu Lập là Hữu Kiệm, một trong những xã đang dẫn đầu toàn huyện về diện tích trồng ngô lai. Ông Hà Minh Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Diện tích trồng ngô toàn xã hiện lên tới gần 500ha. Đa số đều được chuyển từ diện tích trồng rẫy lúa sang. Đây là hướng chuyển đổi cây trồng hợp lý, đem lại hiệu quả rõ rệt trong đời sống sản xuất của bà con trong xã”.
Ngược tuyến đường chạy dọc tả ngạn sông Nậm Mộ, chúng tôi ghé vào rẫy ngô khá lớn của gia đình bà Lô Thị Hương. Bà Hương cho biết: Ngô gia đình bà thu hoạch về ngoài việc làm thức ăn cho gia súc, còn lại bán cho thương lái, dự kiến thu về trên 25 triệu đồng.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, năm 2013, toàn huyện trồng được khoảng 2.500ha ngô lai. Diện tích ngô chủ yếu được quy hoạch tập trung ở các xã nằm dọc Quốc lộ 7A gồm: Chiêu Lưu, Hữu Lập, Hữu Kiệm, Tà Cạ, Phà Đánh và Nậm Cắn. Hầu hết số diện tích này được chuyển đổi từ rẫy lúa và bước đầu đã chứng minh hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, bà con ở đây thường bán ngô luôn ngay sau khi thu hoạch tại ruộng. Trong khi, nếu ngô được phơi khô giá bán chắc chắn sẽ cao hơn, tăng được nguồn thu cho bà con.