Dân Việt

Đại tướng Lê Đức Anh và bức thư gỡ "nút thắt" cho du học sinh

Công Quang- Nguyễn Quang 01/05/2019 16:28 GMT+7
Đại tướng từng nói mình là "người bảo thủ" nhưng trên phương diện giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Trong công cuộc đổi mới, Đại tướng khẳng định người Việt Nam ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng đang có sứ mệnh bảo vệ, xây dựng tổ quốc từ xa.

Đại tá Khuất Biên Hoà, trợ lý nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng và có niềm tin vào thế hệ trí thức trẻ của đất nước.

img

Đại tá Khuất Biên Hòa, Trợ lý của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Trợ lý Khuất Biên Hoà đã dẫn ra ví dụ như là hai dấu ấn cho thấy sự quan tâm và niềm tin của Đại tướng với thế hệ trẻ nước nhà.

Đại tá Khuất Biên Hoà kể, ông không bao giờ quên Tết đầu năm 2006, khi anh Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt Nam ở Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sỹ) về thăm. Ông Xuân bày tỏ sự khen ngợi khi du học sinh Việt Nam tại Mỹ và các nước Tây Âu giỏi, thông minh. Tuy nhiên, du học sinh đang đối mặt với việc "ở lại - về nước".

Những ngành Việt Nam có thì du học sinh trở về phục vụ tổ quốc nhưng lúc đó, kinh tế, khoa học mình chưa phát triển. Có những ngành, nhất là khoa học kỹ thuật thì về nước sẽ không có đất dụng võ. Nhưng đi du học rồi ở lại bị quy như phản quốc khiến nhiều du học sinh mặc cảm.

Nghe được phản ánh đó, bác Lê Đức Anh nói trợ lý Khuất Biên Hoà thảo một lá thư gửi cho du học sinh.

"Nội dung thư tôi có một câu cốt tử là Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: các cháu hãy ý thức rằng hiện nay các cháu đang học tập, lao động, làm việc ở các nước và Việt Nam bây giờ đổi mới. Việt Nam là đối tác tin cậy, là bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc nên các cháu đang là những người bảo vệ, xây dựng đất nước từ xa", Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại.

Khi báo đăng bức thư đặc biệt đó, hàng nghìn Việt kiều phấn khởi. Chưa bao giờ có bức thư ngắn vừa phát đi đã có nhiều Việt kiều ủng hộ, hoan nghênh. Bức thư như gỡ "nút thắt".

img

Tinh thần của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là dù ở đâu trên thế giới này, hãy làm trọn nhiệm vụ của mình. Hãy tranh thủ tiếp thu kiến thức của nước sở tại để sau này nếu có điều kiện thì về phục vụ tổ quốc, chưa có điều kiện thì cứ phục vụ từ xa.

Một dấu ấn khác của đại tướng Lê Đức Anh cũng khó quên trong lòng những trí thức trẻ đất Việt.

Trước Đại hội Đảng lần thứ 12 (2.2016), ông Phạm Đức Trung Kiên trước đây là Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) gặp thư ký của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại một quán cà phê ngay trung tâm Quận 1, TPHCM.

Trong lúc đàm đạo, ông Kiên không quên nhắc lại sự kiện ông Bill Clinton - Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiều nội dung quan trọng được hai bên đưa ra bàn thảo. Điều ông Kiên không quên chính là việc Tổng thống Bill Clinton đề xuất:

Theo thông lệ quốc tế, các ngài đã giải phóng miền Nam, thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà của ông Nguyễn Văn Thiệu thì các ngài phải trả khoản nợ của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đối với Chính phủ Hoa Kỳ. Khoản nợ ấy rất lớn.

Khi kết thúc chiến tranh, các ngài không đặt vấn đề bồi thường. Vì vậy, chúng tôi cũng thiện chí trở lại là tiền đó các ngài không phải trả thay ông Chính quyền Việt Nam Cộng hoà của Nguyễn Văn Thiệu nữa.

Chính phủ Mỹ dành nguyên khoản tiền đó thành một quỹ để đầu tư, phát triển giáo dục cho Việt Nam. Từ đó, Quỹ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) ra đời. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Quỹ VEF, ông Bill Clinton hết nhiệm kỳ và bàn giao cho đời Tổng thống kế nhiệm là George W.Bush triển khai.

Ông Phạm Đức Trung Kiên là người đầu tiên được tín nhiệm làm Giám đốc điều hành Quỹ.

Trong cuộc trò chuyện với Đại tá Khuất Biên Hoà, trợ lý nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông Kiên không giấu được niềm vui khi VEF đã đào tạo hơn 600 tiến sĩ của các ngành cho Việt Nam. Trong số đó, có hơn 200 du học sinh về nước làm việc.  

Nhớ lại cách nay đúng tròn 10 năm ngày nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lá thư xuân đặc biệt đến du học sinh, Đại tá Khuất Biên Hoà đề nghị ông Kiên tập hợp 10 người đại diện 3 miền trong số hơn 200 em đã về nước làm việc ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng.

Đúng lúc đại hội Đảng lần thứ 12 khai mạc thì đoàn tiến sĩ đã được đào tạo bằng Quỹ VEF đến chào, chúc thọ và báo cáo thành tích với bác Lê Đức Anh.

Đại tướng không giấu được niềm vui và tự hào khi nghe những con người từng thụ hưởng chương trình giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ báo cáo thành tích đạt được.

Trong số đó, có người bây giờ làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Đó là người góp phần làm thay đổi quan điểm đầu tư ngành không chỉ có trang thiết bị, bác sĩ mà cần đặc biệt ưu tiên con người, thiết bị cho bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh để giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Sau thời gian ngắn sự thay đổi này, ngành y tế có những chuyển biến rất cơ bản khắp cả nước.  

Một tiến sĩ ngành hoá học về nước, lập phòng thí nghiệm và thành công trong việc xử lý bùn đỏ của bô-xít Tây Nguyên. Công trình nghiên cứu này có thể chiết từ bùn đỏ ra được axit, bazo, sắt và còn lại thì làm thành gạch không nung.

"Nghe em đó báo cáo mà bác Lê Đức Anh rất phấn khởi. Nếu sắp tới đây, nhà nước đầu tư xây nhà máy thì ta sẽ giải quyết rất cơ bản về bùn đỏ", Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại.

img

Đại tướng Lê Đức Anh chụp chung với các cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ năm 2006. Ảnh: Vietnamnet

Một báo cáo khác cũng gây ấn tượng trong buổi gặp chúc thọ Đại tướng là của một nữ bác sĩ đang công tác tại trường Đại học Y Hà Nội.

Từ trước đến nay, những người thay giác mạc phải chờ người hiến giác mạc, tuy nhiên, chờ người sắp chết thì mới hiến nên rất hiếm. Bao nhiêu người chết có mấy người đồng ý cho khoét mắt mình để hiến giác mạc. Vì thế, vấn đề thay giác mạc rất nan giải thì nữ bác sĩ này đã tìm ra phương pháp mới từ khi học ở Mỹ về là lấy tế bào gốc cấy là ra giác mạc mới.

"Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cho đến khi về hưu, ngoài vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm, tin tưởng ở lớp trẻ...", trợ lý Khuất Biên Hoà nhấn mạnh.