Dân Việt

Đại tướng Lê Đức Anh không cho Liên Xô đưa vũ khí hạt nhân vào Cam Ranh

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh từng kiên quyết không cho Liên Xô đưa vũ khí hạt nhân vào vịnh Cam Ranh, để tránh tình hình thêm căng thẳng, phức tạp.

img

Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm và đọc lời thề tại Trường Sa (ảnh báo Khánh Hòa).

Hai ngày sau khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của ta, ngày 16.3.1988, Bộ Chính trị đã họp và có kết luận về nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Đại tướng Lê Đức Anh, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp ra thị sát tình hình bộ đội chốt giữ các quần đảo Trường Sa. Tại đây, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của Quân chủng, Đại tướng Lê Đức Anh tham dự và đọc lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

“Sau đó, tôi đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng các nhà giàn và bố trí lực lượng trên tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa. Anh em rất tích cực vận chuyển và xây dựng các công trình phòng thủ đảo. Các quân chủng, binh chủng: hải quân, không quân, phòng không, đặc công, thông tin đã tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ”, Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký.

Về vùng vịnh Cam Ranh và quân cảng Cam Ranh, theo Đại tướng Lê Đức Anh, ông đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vị trí này ngay từ khi làm Tổng Tham mưu trưởng. Đây là một trong ba vịnh tốt nhất thế giới cùng với San Francisco (Xan Phranxixcô) của Mỹ và Rio de Janeiro (Riô đơ Giannêrô) của Braxin. Cam Ranh có vị trí chiến lược, một khu vực phòng thủ then chốt của miền Trung và của cả nước, là căn cứ bảo vệ cả vùng biển rộng lớn và quần đảo Trường Sa.

img

Đại tướng Lê Đức Anh (người đeo kính) và cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa (ảnh Nguyễn Viết Thái).

Theo Đại tướng Lê Đức Anh, ở biên giới phía Bắc nóng bỏng (thời gian đó căng thẳng với Trung Quốc) kể cả những trọng điểm như Chi Lăng (Lạng Sơn), Vị Xuyên (Hà Giang) và Trà Lĩnh (Cao Bằng), ông cũng chỉ cố gắng đến được hai lần. Nhưng với quân cảng Cam Ranh, ông đã đến làm việc bốn lần. 

Năm 1975, nước ta thống nhất. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ nên Việt Nam tạm cho phép Liên Xô lập căn cứ Hải quân cho Hạm đội Thái Bình Dương của họ. Năm 1978, Chính phủ Liên Xô chính thức ký một thỏa thuận với Việt Nam thuê cảng Cam Ranh với thời gian 25 năm.  

“Vậy bây giờ xu hướng giải quyết với Liên Xô về Cam Ranh như thế nào, về lực lượng cố vấn như thế nào, tôi nghĩ giải quyết phải có tình có lý, có pháp lý. Trước đây (1978), hai nhà nước Liên Xô và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện, những gì đã ký kết thì phải tôn trọng. Những gì bổ sung ngoài nội dung ký kết thì phải trao đổi, hai bên đồng thuận thì mới được thực hiện. Chẳng hạn, họ yêu cầu cho gia đình của họ vào ở bãi Cam Ranh cho thuận tiện đối với sĩ quan của họ, đây là điểm "bổ sung", ta đồng ý. Nhưng nếu Liên Xô đưa tàu ngầm và các chiến hạm mang đầu đạn hạt nhân vào quân cảng Cam Ranh thì ta từ chối, vì sẽ làm phức tạp thêm, hơn nữa trong hiệp định ký kết giữa hai nước không ghi”, Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký. Quân cảng Cam Ranh trở thành nơi tiếp nhận tàu chiến, tàu ngầm, tàu hộ tống cùng nhiều máy bay trinh sát, vận tải và máy bay mang tên lửa của Hải đoàn tác chiến cơ động số 17 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô.

Khi Đại tướng Lê Đức Anh vào Cam Ranh, được Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đưa đi thị sát toàn bộ khu vực. Khi thấy người Liên Xô tại đây khai thác đá và cát trong vịnh để xây dựng kho và hầm ngầm, Đại tướng đã nói: "Không được! Bởi nếu cho họ khai thác thế này thì vịnh Cam Ranh sẽ bị sa mạc hóa". Ở đây mỗi cục đá là một cục vàng, cát cũng là vàng, một nhành cây cũng không được chặt mà chỉ có trồng thêm. Sẽ giải quyết đá và cát cho họ, nhưng không phải lấy ở vịnh mà lấy trong đất liền mang ra.

img

Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa - ảnh Mai Khuê).

“Trở về Hà Nội, tôi báo cáo các anh trong Bộ Chính trị. Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đề nghị kiên quyết: Một là, không đưa vũ khí hạt nhân vào Cam Ranh. Hai là, không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Các anh đồng ý. Lúc đó, tôi đã nghiên cứu kỹ văn bản hiệp định để có thể "gỡ" vấn đề. Trong hiệp định không có chỗ nào nói đến "hạt nhân và nguyên tử", nên với danh nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nói với Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô: "... Trong văn bản hiệp ước không nói, nên các đồng chí không được lấy đá ở trong vịnh để xây dựng công trình, mà phải lấy ở ngoài. Hơn nữa, văn bản hiệp định cũng không hề nói đến vũ khí hạt nhân, nên mọi vũ khí hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân không được có ở đây", hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh viết.

Vẫn theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, sau khi Đại sứ Liên Xô điện về nước, họ xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) của ta. “Ông Phạm Hùng gặp Đại sứ Liên Xô (theo yêu cầu của Đại sứ), đồng thời gọi tôi lên. Tôi bảo trong hiệp ước không có chuyện hạt nhân, tên lửa và không khai thác đá và cát trong vịnh Cam Ranh. Chúng tôi sẽ có đá và cát cho các đồng chí. Đại sứ Liên Xô điện về nước. Sự việc êm! Tôi chỉ đạo bộ đội ở vịnh Cam Ranh làm một con đường chừng 30km vào khai thác đá núi trong đất liền chở ra vịnh”, Đại tướng Lê Đức Anh thuật lại trong hồi ký.