Những “hạt ngọc” bị bỏ quên
Tất cả đã không phải nuối tiếc đến vậy nếu 5-6 năm trước, bóng đá VN quan tâm đúng mức tới những cầu thủ trẻ Việt kiều đang sinh sống trên khắp thế giới, đặc biệt là Đức, Czech, Slovakia, Mỹ...
Patrik Lê Giang. |
Cùng sinh năm 1986 như Yohan Cabaye, Lee Nguyễn cũng tài năng không kém khi nổi lên với giải thưởng “Cầu thủ trung học hay nhất nước Mỹ 2004”. Đến khi Lee Nguyễn khoác áo U20 Mỹ dự Giải vô địch trẻ thế giới 2005, ĐTQG Mỹ dự Copa America 2007, được PSV Eindhoven (Hà Lan), Randers (Đan Mạch) trải thảm đỏ mời thì các CĐV VN không khỏi ngỡ ngàng: Hóa ra có một cầu thủ Việt kiều tài năng thế thật, chứ chẳng đùa! Tới V.League 2009, khi Lee Nguyễn nhận lời mời của bầu Đức về HAGL với mức lương khủng 10.000USD/tháng thì mới thấy rõ sự khác biệt về đẳng cấp của anh so với phần còn lại ở V.League.
Không nổi tiếng bằng Lee Nguyễn, nhưng sự tiếc nuối dành cho Patrik Lê Giang (sinh năm 1992) cũng rất nhiều. Đầu năm 2009, thủ môn đội U17 QG Slovakia này từng về nước thử việc bằng kinh phí do cộng đồng người Việt ở nước ngoài quyên góp. Nhưng đáp lại thiện chí ấy, Giang chỉ được thể hiện mình trong trận đấu với đội… lão tướng Đường sắt và đội CLB Doanh nghiệp Hà Nội (?!). Để rồi sau khi trở về Slovakia, Patrik Lê Giang không còn mặn mà quay lại nữa. Và giờ nếu đội bóng V.League nào muốn có Patrik Lê Giang (U21 Slovakia) cũng rất khó bởi anh đang khoác áo CLB Michalovce.
Được đánh giá tài năng hơn em của mình, Emil Lê Giang (đội trưởng đội tuyển U15, U16, U17 QG Slovakia) còn không có cơ hội về nước thử việc cách đây 3 năm vì bận việc gia đình, mà quan trọng là… không có tiền mua vé máy bay. Và chẳng biết thời gian tới, có CLB V.League nào còn nhớ đến Emil Lê Giang?
Xây dựng hình ảnh
Ngay ở thời điểm này, vẫn còn rất nhiều cầu thủ Việt kiều tài năng muốn về nước đóng góp cho quê hương. Trong số đó, mới chỉ có thủ môn Đặng Văn Lâm (sinh năm 1993, đội trẻ Spartak Moskva, Dynamo Kiev-Nga) trở về nước thử việc ở HAGL và đã được gọi vào đội U19 Việt Nam. Gần đây nhất, CLB Bóng đá Hà Nội của bầu Kiên đã ký hợp đồng với tiền đạo Johnny Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1986, từng chơi cho đội trẻ Lens, Sedan, State de Reims-Pháp).
Vậy đâu là rào cản khiến những cái tên sáng giá khác chưa (thậm chí là không nghĩ) về nước chơi bóng? Có không ít nguyên nhân đã được kể đến: Kinh phí, thời gian, sự cầu thị từ phía VFF và các đội bóng VN… Nhưng có một chi tiết tưởng như “phù phiếm” lại rất quan trọng đó là xây dựng thần tượng trong nước để thu hút tài năng trẻ Việt kiều: “Khi còn nhỏ mình rất thích anh Hồng Sơn, và coi đó như thần tượng, giúp mình luôn cố gắng chơi bóng thật giỏi. Chỉ tiếc là lúc này anh Sơn “công chúa” không còn thi đấu nữa” - Mạc Hồng Quân tâm sự trên trang web cá nhân.
Việc được chơi bóng trong cùng một “bầu không khí” với thần tượng của mình luôn là ước mơ của mọi cầu thủ. Và bóng đá VN hiện tại vẫn có thể thu hút được những cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp về thi đấu, cống hiến cho quê hương nếu từ BTC giải đến mỗi CLB, cầu thủ nội luôn có ý thức xây dựng hình ảnh đẹp về mình. Đương nhiên, những lần đến rồi đi như cách chia tay của Lee Nguyễn gắn với nỗi ám ảnh “V.League có nhiều cầu thủ đá bậy quá!” sẽ ảnh hưởng lớn tới nỗ lực thu hút cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng.
Lê Đức