Dân Việt

Top 3 câu chuyện sinh con "khó tin nhất" thời hiện đại

Vô Kỵ 02/05/2019 21:30 GMT+7
Có những gia đình chọn cách sinh con tại nhà riêng nhưng đa số sẽ tới bệnh viện sản hoặc trung tâm y tế, nơi có đội ngũ y bác sĩ và điều kiện kĩ thuật tốt nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đơn giản là người mẹ không-còn-sự-lựa-chọn nào khác khi đứa trẻ… đòi ra. Dưới đây là những câu chuyện kì lạ nhất về địa điểm chào đời của đứa trẻ sơ sinh, trong thời hiện đại.

Sinh con tại… CLB thoát y

Tháng 3 năm 2011, Nate Jones bị cảnh sát giao thông bắt dừng xe vì phóng quá tốc độ. Trên xe là vợ anh, cô Amenze, đang mang bầu 9 tháng. Hai vợ chồng nhà Jones đang trên đường tới bệnh viện để sinh con. Sau khi nghe Nate trình bày hoàn cảnh, cảnh sát quyết định không “tặng” nhà Jones vé phạt.

Vợ chồng Amenze – Nate tiếp tục hành trình nhưng đúng là “họa vô đơn chí”, đi được vài trăm mét thì xe của Nate dính phải “đinh tặc”. Quá nhiều sự cố xảy ra cùng lúc khiến hành trình tới bệnh viện của họ bị gián đoạn.

img

Những câu chuyện sinh đẻ khó tin nhất.

Cảm nhận được tình trạng của mình, Amenze nói với chồng, giờ có đến bệnh viện cũng không kịp nữa và cách tốt nhất là tìm một bãi đậu xe gần nhất để gọi 911. Bãi đậu xe gần nhất với vị trí của nhà Jones, đáng nói, lại thuộc khuôn viên của một CLB thoát y nổi tiếng thành phố Arlington, bang Texas.

Nate, một phóng viên của tờ báo địa phương không lạ gì nơi này bởi anh từng có nhiều bài viết về CLB thoát y của Arlington. Khi các nhân viên y tế khẩn cấp 911 xuất hiện, tất cả cùng nhau tiến thẳng vào CLB thoát y, mượn một phòng trống và thực hiện công việc đỡ đẻ cho Amenze.

Đây chắc chắn là một trải nghiệm dị thường nhất trong đời của Amenze, nhưng cô – một bà mẹ đã 2 lần sinh nở trước đó – có đủ bình tĩnh và kinh nghiệm để cùng các nhân viên y tế cứu hộ vượt qua nghịch cảnh. Bé gái, đứa trẻ thứ ba nhà Jones, chào đời an toàn, nặng tới 3,8 kg.

img

Đứa trẻ được sinh ra tại CLB thoát y Arlington, bang Texas.

“Cuộc chiến” trong thang máy

Đến bệnh viện kịp thời có thể là một trong những trải nghiệm khó khăn nhất đối với các bà mẹ khi đứa trẻ của họ, vì một lý do nào đó, muốn chào đời sớm hơn dự kiến. Nhưng trường hợp của bà bầu Katie Thacker, vào tháng 1.2012, thì… hoàn toàn ngược lại.

An toàn đến Trung tâm y tế St. Joseph ở Tacoma (Washington), cùng với chồng, mẹ, chị gái và nữ hộ sinh của mình, Katie được chuyển lên tầng 14 cùng 3 nữ y tá để sinh con. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi cho đến khi thang máy dừng lại ở tầng 12 và… nhất quyết không chịu lên tiếp.

Katie, nữ hộ sinh của cô cùng 3 y tá quyết định chọn giải pháp đi cầu thang bộ. Thế nhưng sau đó họ phát hiện là tầng 12 không có cửa thông với các tầng trên và dưới nó. Cực chẳng đã, họ quay trở lại thang máy và nhấn “số 14”. Thang máy không chuyển động và lần này mọi chuyện còn tệ hơn khi cửa thang máy hoàn toàn đóng chặt.

img

Mắc kẹt trong thang máy bệnh viện và sinh con.

Hệ thống điều khiển thang máy bị trục trặc và họ, cùng đứa trẻ trong bụng Katie đích xác là bị mắc kẹt trong thang máy. Và trong khi chờ đợi các nhân viên kĩ thuật xử lí sự cố thang máy và đội cứu hộ xuất hiện, thì đứa trẻ của Katie nhất quyết đòi ra.

Không còn lựa chọn nào khác, Katie, hộ sinh của cô và 3 nữ y tá quyết định thực hiện việc đỡ đẻ ngay trong không gian chật hẹp của thang máy. Những thông tin về tình trạng của Katie, các chỉ dẫn và giải pháp xử lý, được cung cấp và trao đổi thông qua bộ đàm.

Katie sinh hạ một bé trai kháu khỉnh nhưng vấn đề là các nữ y tá không có dụng cụ chuyên dụng để cắt dây rốn. Phải gần 2 tiếng sau khi đứa trẻ chào đời, nhờ sự hỗ trợ của các nhân viên kĩ thuật, cửa thang máy được mở ra vừa đủ giúp các nữ y tá có thể nhận được dụng cụ để thực hiện công đoạn cắt dây rốn.

img

Katie và đứa trẻ “mẹ tròn con vuông” sau khi được giải cứu khỏi thang máy.

Thêm nửa giờ chờ đợi nữa, cửa thang máy được mở rộng hơn đủ để đưa cậu bé ra ngoài, nơi các y tá và khác và chồng Katie – anh Luke đang chờ sẵn. Đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và Katie cũng không gặp bất kì biến chứng nào trong quá trình sinh đẻ đầy “nghịch cảnh” này.

Một ngày sau, vợ chồng Katie và Luke quyết định đặt tên cho con trai mới chào đời của họ là Otis – chính là tên của… công ty cung cấp và lắp đặt thang máy cho bệnh viện St. Joseph.

Đứa trẻ chào đời trên máy bay

Slogan nhận diện thương hiệu của hãng hàng không JetBlue là “Born to be Blue” và như một sự sắp đặt khó tin của Số Phận, trên một chuyến bay của hãng này, một đứa trẻ THỰC SỰ đã chào đời.

Tháng 2.2019, hành khách của JetBlue nhận được một bản đặc biệt về sự ra đời của một đứa trẻ trên một chuyến bay của hãng hàng hàng không này. Thoạt nghe, đó có vẻ như một lời quảng cáo, nhưng đó là SỰ THẬT 100%.

img

Bé trai chào đời trên chuyến bay Jetblue.

Chuyến bay từ San Juan (Puerto Rico) đến Lauderdale, Florida (Mỹ) có sự hiện diện của một bà bầu. Giữa hành trình, người mẹ bắt đầu chuyển dạ. Nhưng bất chấp không có những dụng cụ chuyên dụng và chỉ có các nhân viên y tến trên máy bay hỗ trợ, một bé trai đã chào đời trong tình trạng hoàn hảo. Người mẹ cũng không gặp bất kì biến chứng nào, sau khi được các bác sỹ kiểm tra ở sân bay Florida sau đó.

Mặc dù xảy ra “sự cố” nằm ngoài trí tưởng tượng của toàn bộ phi hành đoàn, chuyến bay thậm chí còn tới đích sớm hơn dự kiến 10 phút. Chú nhóc được sinh hạ trên chuyến bay đặc biệt này đi vào lịch sử JetBlue với tư các là… khách hàng trẻ nhất của hãng.

Tuyệt vời hơn, chú nhóc được tặng một món quà vô cùng giá trị: suất bay miễn phí trọn đời của JetBlue. Thực ra, JetBlue cũng hưởng lợi lớn từ “sự cố” kì lạ này. Họ có được một sự quảng bá tuyệt vời. Và mã cổ phiếu JetBlue cũng tăng phi mã trong vòng 1 tuần sau sự kiện này.