Dân Việt

Chờ tin vui cho đờn ca tài tử

30/01/2012 09:16 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2011 đã khép lại với tin vui dành cho hát xoan và mở ra cuộc đua mới cho hồ sơ di sản của đờn ca tài tử. Những người yêu mến di sản độc đáo của vùng văn hóa Nam Bộ rất hy vọng môn nghệ thuật này sẽ “vượt vũ môn” trong năm nay.

Vườn hoa muôn sắc

Đờn ca tài tử (ĐCTT) hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ. Các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế. Trên đường đi, các nhạc sĩ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng, nhưng khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi rất nhiều, thậm chí một số bài bản tuy mang cùng tên mà nét nhạc đã khác xa.

img
Giáo sư Trần Văn Khê với đờn ca tài tử.

Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không còn y khuôn bản gốc ngày xưa. Người đờn, người ca không muốn giữ nguyên như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác, do lòng luôn luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu, các hơi của ĐCTT đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.

Khi bắt đầu tiến hành dự án lập hồ sơ di sản cho ĐCTT, giới chuyên môn đã vấp phải một cuộc tranh luận khá sôi nổi, đó là đặt vấn đề về việc bảo vệ ĐCTT theo hướng giữ nguyên hay thống nhất sự đa dạng của di sản đặc biệt này.

GS-TS Tô Ngọc Thanh cho biết: “Hiện nay có hai ý kiến khác nhau. Theo tôi, bảo vệ ĐCTT phải là bảo vệ sự đa dạng trong vườn hoa muôn sắc. Nhạc của miền Đông khuôn phép hơn, còn miền Tây hào hoa hơn. ĐCTT của Bạc Liêu và Cà Mau không thống nhất, thậm chí trong một tỉnh, giữa huyện này và huyện kia cũng có sự khác nhau”.

GS Trần Văn Khê nhận định: “Trải qua nhiều biến chuyển nhưng cho đến nay, ĐCTT vẫn giữ được phần nào bản sắc dân tộc, không bị bên ngoài tác động làm mất đi cái hay của nó. Do rất “nặng tình” với ĐCTT nên – như nhiều người yêu âm nhạc khác tại miền Nam – từ lâu tôi đã ước mong bộ môn này được đứng vào hàng ngũ các di sản phi vật thể của nhân loại”.

GS Trần Văn Khê cũng đề xuất, để tăng khả năng thắng lợi của bộ hồ sơ đề nghị xét tặng nên xếp bộ môn ĐCTT vào trong một “Không gian văn hóa Nam Bộ” bao gồm cả nhạc lễ (xuất xứ từ nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm), hát ru, các điệu hò, điệu lý, rối bóng và cả những trò chơi dân gian phong phú, tất cả được xem như một di sản đáng quý của người Việt từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam, thì hồ sơ này sẽ có thêm bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật. Điều đó có nghĩa, GS Trần Văn Khê cũng ủng hộ việc bảo tồn ĐCTT trong sự đa sắc, đa dạng của nó.

Sống trong lòng dân

Một thế mạnh của ĐCTT chính là sự tồn tại khá vững chắc trong cộng đồng dân cư của bộ môn nghệ thuật này. Từ TP.HCM xuống Cần Thơ, Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cà Mau… đâu đâu cũng thấy các câu lạc bộ ĐCTT sinh hoạt đều đặn và được người dân vô cùng yêu chuộng.

Bà Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: “Từ hai năm trở lại đây, khi UNESCO áp dụng một số điều chỉnh cho Công ước Di sản phi vật thể thì sự tôn vinh ít khó khăn hơn trước. UNESCO cũng đã bỏ cụm từ “kiệt tác” mà chỉ để “Di sản văn hoá phi vật thể”, không phải “của nhân loại” mà là “đại diện nhân loại”.

Bộ VHTTDL đã chính thức giao trách nhiệm cho Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL 21 tỉnh, thành có nghệ thuật ĐCTT và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” trình UNESCO xét duyệt ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể.

Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin khi xây dựng một hồ sơ về ĐCTT bởi cơ bản ĐCTT đã đạt hết mọi tiêu chí mà UNESCO đưa ra: Có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, có giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng là nghệ thuật tài tử có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang "sống" và "sống rất khỏe" tại một số địa phương”.

Nghệ nhân Trần Khánh- thành viên Câu lạc bộ ĐCTT TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu) chia sẻ: “Nhiều người cứ tưởng chữ “tài tử” là chỉ những người ĐCTT có trình độ nghệ thuật thấp. Ngược lại họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, phải “rao” sao cho mùi. Vì vậy, muốn trở thành một người ĐCTT đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.

Về bài bản thì ĐCTT có rất nhiều, nhưng đại đa số các “thầy đờn” đều cho rằng có 20 bài tổ. Tôi rất hy vọng trong năm nay, UNESCO sẽ vinh danh ĐCTT để mảnh đất phương Nam có được niềm tự hào chung với miền Bắc, miền Trung”.