Dân Việt

Giành giật mạng sống lúc giao thừa

30/01/2012 09:14 GMT+7
(Dân Việt) - Những “tí nhau” không đợi giờ để chào đón cuộc đời, những ca cấp cứu không thể chọn giờ vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và giao thừa, không ít bác sĩ đã phải đón cái tết bên bàn mổ...

Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt- Đức là những nơi như thế - không được… lên lịch đón bệnh nhân…

img
Một ca đỡ đẻ tại khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Nhân lên mầm sống trong thời khắc giao thừa

Những đêm đông cuối năm- theo nhận định của các bác sĩ- chả hiểu sao lại là thời khắc mà các tí nhau ra đời nhiều nhất. 30 năm trong nghề, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Hà - Phó Trưởng khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), bác sĩ Hà đã nhiều lần trực đêm cuối năm.

Tuy nhiên, cũng như nhiều bác sĩ (BS) khác, với BS Hà trực tết đem lại nhiều niềm vui và may mắn nhiều hơn là nỗi buồn đầu xuân. Đơn giản vì anh nghĩ mình là những người đầu tiên được nâng niu quà tặng của tạo hóa ban tặng cho con người.

“Nhất là khi được chứng kiến giờ khắc chuyển giao giữa thiên nhiên, đất trời và con người, đón một em bé chào đời là đã nhân lên được một sự sống mới cho con người”- anh nói.

Đêm cuối năm nào anh Hà cũng đỡ cho khoảng 4-5 ca sinh. Khoa Đẻ của Bệnh viện Phụ sản T.Ư thường là nơi tập trung những ca đẻ khó, trong đó có nhiều ca cấp cứu tuyến cuối, và càng giao thừa thì dường như mọi thứ càng gấp gáp hơn. Không gấp rút và gay cấn như mổ cấp cứu ngoại khoa, nhưng cấp cứu sản khoa lại nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Nếu không cẩn trọng, việc cấp cứu thất bại, không chỉ có tính mạng đứa trẻ bị đe dọa, mà ngay cả người mẹ cũng có thể bị tử vong.

Có lẽ suốt cuộc đời BS Hà và các đồng nghiệp trong êkíp trực sẽ không bao giờ quên được ca cấp cứu vào giao thừa cách đây đúng 3 năm về trước.

Ngày thường, bác sĩ đều bận túi bụi, ngoài thăm khám sức khoẻ, chẳng mấy khi có cơ hội chuyện trò, hỏi han tình hình người bệnh. Những ngày tết tại bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân mới có cơ hội gần nhau hơn.

“Hôm đó, trời lạnh căm căm. Nhiệt độ ngoài trời chắc chỉ được 10oC. Lúc cả đoàn bác sĩ trực đã hoàn tất công việc, chuẩn bị đón giao thừa trong viện thì có một sản phụ được chuyển tuyến lên viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân đuối sức, vật vã với cơn đau, sức khỏe ngày càng suy kiệt.

Chẩn đoán và xét nghiệm cho thấy thai nhi to, khó rặn đẻ. Ngay lập tức các bác sĩ phải hội chẩn thành lập êkíp nhằm sử dụng mọi biện pháp trợ sinh cho sản phụ. Khi đầu đứa trẻ đã ra và ngỡ rằng ca đẻ thế là đã thành công thì tự nhiên sản phụ ngất lịm đi. Đứa trẻ bị kẹt ngang người, vô cùng nguy hiểm”.

Bằng thủ thuật trợ sinh, suốt 1 tiếng sau đó, các bác sĩ đã "làm thay" nốt việc của sản phụ là đưa cháu bé ra ngoài. Lúc sản phụ và gia đình vui “mẹ tròn con vuông” cũng là lúc thời khắc giao thừa đã qua. Hình ảnh bé trai vừa chào đời, nặng gần 4kg khiến cả êkíp làm việc hôm đó thở phào nhẹ nhõm.

“Hôm đó, mấy anh em trong kíp trực còn trêu nhau. Đầu xuân mà các bác sĩ đã cứu sống được một sản phụ, một bé trai thế này thì chắc trong năm còn gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa. Có khi cả năm lại toàn chào đón các bé trai cũng nên”.

Ngay sau khi kết thúc ca mổ, chúng tôi nâng chén rượu mừng năm mới, và gọi điện cho người thân. Suốt đêm đó, tôi gần như không ngủ, liên tục đi kiểm tra các phòng bệnh rồi chúc tết các bệnh nhân- bác sĩ Hà nhớ lại.

Giao thừa Nhâm Thìn này, êkíp khoa Đẻ cũng vẫn bận rộn nhưng không đứng trước cửa sinh tử như vậy. “Chào năm mới vừa sang, đón những sinh linh an lành, đó là hạnh phúc nhất trong năm, niềm vui sướng nhất đầu năm của chúng tôi”- anh Hà nói.

Giao thừa bên bàn mổ

Nhiều năm nay, cứ đến Tết là BV Việt - Đức trở thành “trọng điểm” đón các ca cấp cứu do tai nạn giao thông, đánh nhau hoặc chơi pháo lậu… với vài trăm ca phẫu thuật, trong đó có nhiều ca rơi vào giao thừa.

Thạc sĩ, BS Dương Trọng Hiền (khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Việt - Đức) đã có 16 năm đón giao thừa trong bệnh viện. Anh cho biết, mọi người trong khoa cứ thay nhau trực, nếu năm nay được đón giao thừa cùng với gia đình thì năm sau lại phải trực để đồng nghiệp khác được về nhà. Nhưng cũng chỉ mùng 1, mùng 2 Tết là đã phải túc trực trong bệnh viện.

Bác sĩ Hiền cho biết, sở dĩ BV Việt - Đức cứ dịp năm mới đến là lại “ùn tắc” là vì tai nạn giao thông tăng mạnh, các BV tuyến tỉnh cũng nghỉ tết, giảm tải xử lý trong tết nên bệnh nhân cứ bị tai nạn, chấn thương là chuyển thẳng lên Việt- Đức. Có tết, bệnh nhân nằm la liệt trong phòng cấp cứu, ngoài sân thì người nhà cũng ngổn ngang. Không kể là giao thừa, phòng mổ hoạt động 24/24 giờ. Các bác sĩ thường nói vui với nhau là “2 năm mới xong một ca mổ”.

Ngay cả những người bệnh được cấp cứu lúc giao thừa cũng đều cảm thấy đáng tiếc cho mình khi không được chia sẻ khoảnh khắc đầu năm thiêng liêng và trong trẻo với người thân yêu của mình. Tôi nghĩ, cảm xúc ấy sẽ theo đuổi họ suốt phần đời còn lại, khiến họ thận trọng hơn với hành động của chính mình để không xảy ra những điều đáng tiếc như vậy nữa.

Vì thế, đã đi trực thì bác sĩ, y tá đều không có lúc nào ngơi tay, hết việc. Có khi còn chẳng biết giao thừa qua từ lúc nào. Những lúc có thể ngẩng đầu lên, anh em cũng tranh thủ chia sẻ với nhau miếng bánh chưng, miếng giò đã được chuẩn bị trước, còn rượu cũng chỉ dám nhấp môi. Sau đó lại đến từng phòng bệnh chúc mừng năm mới, tặng quà và động viên các bệnh nhân nặng phải đón tết trong bệnh viện.

Bác sĩ Hiền vẫn còn ấn tượng về một ca cấp cứu giao thừa. Ca trực của anh tiếp nhận một bé gái bị tai nạn giao thông, khi đưa vào viện, em bị thương tổn ngực, bụng, nát chân. Tuy nhiên, sọ não của em không hề bị thương tổn nên em hoàn toàn tỉnh táo. Chắc chắn em đau lắm nhưng không hề kêu khóc, chỉ mở to mắt nhìn và mặt co rúm lại. BS Hiền đã cùng kíp mổ thực hiện ca mổ trong vòng 4 tiếng. Tuy nhiên, sau hậu phẫu, sức khỏe của em kém dần và không qua được vào mùng 3 Tết. Đó là lần đầu tiên anh chứng kiến bệnh nhân ra đi mà không biết làm gì.

“Đó là một em gái rất ngoan và kiên cường. Tôi đã bị sốc mất mấy ngày. Lúc nào cũng như nhìn thấy đôi mắt đen láy của em nhìn xoáy vào mình” – anh tâm sự.

Hiếm hoi có năm được đón giao thừa cùng gia đình, bác sĩ Hiền thường cho vợ con lượn vài vòng quanh phố, ngắm phố phường đêm 30, đến lúc giao thừa thì nắm tay vợ và con lớn, kiệu con nhỏ vào thắp nén hương tại ngôi chùa gần nhà. “Một cái tết rất bình dị như nhiều gia đình khác, nhưng tôi thấy thật ấm áp, quý giá”. Nhưng năm Nhâm Thìn này, lại một năm nữa anh đón giao thừa trong bệnh viện, và niềm mong mỏi lớn nhất của anh là bà con vui xuân an toàn, không phải đón giao thừa trên bàn mổ.