Dân Việt

Làm thế nào để không bị ung thư gan, kể cả khi đã bị viêm gan B?

Diệu Thu 03/05/2019 15:55 GMT+7
GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi khuyên tất cả mọi người cần nhớ những nguyên tắc sau để không bị ung thư gan, xơ gan.

Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, trong số 15 triệu người nhiễm virus viêm gan B, có đến 90% bệnh nhân không biết tình trạng bệnh của mình. Đấy cũng là nguyên nhân khiến con số tử vong do biến chứng từ viêm gan B tăng lên 30.000 người mỗi năm.

Do đó, dù đã bị nhiễm virus viêm gan B hay chưa bị nhiễm, GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi - Chủ tịch hội đồng viết phác đồ điều trị viêm gan B áp dụng toàn quốc - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 103 khuyên mọi người cần nhớ những nguyên tắc sau:

img

Người đã bị nhiễm virus viêm gan nên hạn chế mỡ động vật.

Đối với người đã bị nhiễm virus viêm gan:

Kiêng rượu bia, thuốc lá

Nếu không may bị virus viêm gan B cần giữ sức khỏe tốt, tăng cường sức đề kháng, không để virus có cơ hội nhân lên bằng cách tuyệt đối kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn. Không hút thuốc lá.

Hạn chế mỡ động vật, chơi thể thao

Người bị nhiễm virus viêm gan B nên hạn chế mỡ động vật và chơi các môn thể thao như: thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông.

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Để tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng bằng cách: sinh hoạt tình dục cần sử dụng bao cao su, không hiến máu, không sử dụng chung các dụng cụ như dao cạo râu, bơm kim tiêm…

Xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần

Cần kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg, HBVDNA và xét nghiệm men gan để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng HBV tái hoạt động.

img

GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi khuyến cáo phòng bệnh viêm gan B.

Đối với người chưa bị viêm gan B cần nhớ:

Khám sàng lọc viêm gan B

Tầm soát viêm gan B là cách “miễn nhiễm” cũng như điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Tiêm vắc-xin

Tiêm vắc- xin là cách tốt nhất để gia đình và những người thân xung quanh không mắc viêm gan B. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh viêm gan B trong vòng 12 giờ sau sinh. Mỗi cá nhân cần xác định có mang trong mình virus viêm gan B hay không và nếu chưa từng mắc, cần tiêm đủ liệu trình 4 mũi vắc-xin cho đủ lượng kháng thể để đảm bảo không bị lây nhiễm từ người mang bệnh.

Cũng như vậy, nhiều trường hợp đã tiêm phòng vắc-xin viêm gan B nhưng sau 10-15 năm cần kiểm tra lại còn kháng virus không bằng cách xét nghiệm anti-HbsAg. Nếu đã hết cần tiêm lại. Việc xét nghiệm này diễn ra rất đơn giản và nhanh chóng tại các cơ sở y tế.

Cần nhận biết rõ hệ lụy của viêm gan B:

Mọi người luôn luôn nhận biết rõ những hệ luỵ do viêm gan B gây ra để đề phòng đúng cách.

Viêm gan B sẽ không quá nguy hiểm nếu như chúng ta có hiểu biết đúng đắn về bệnh và biết cách chăm sóc, sinh hoạt lành mạnh, kiên trì điều trị.

Người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hoà bình với bệnh trong nhiều năm, thậm chí vẫn có thể tham gia lao động bình thường và sống thọ.

Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể nhanh giảm sút sức đề kháng, hệ miễm dịch suy kiệt, là nguyên nhân hàng đầu gây men gan cao, xơ gan và ung thư gan.

Và ảnh hưởng lớn hơn hết, xuyên suốt là vấn đề về tinh thần. Khi mắc viêm gan B, người bệnh sẽ bị hạn chế nhiều cơ hội trong cuộc sống…

Nếu có 3 dấu hiệu bất thường này ngay khi thức dậy, dè chừng bệnh ung thư gan

Nếu những biểu hiện bất thường này lặp lại trong một thời gian dài, chắc chắn bạn cần phải đi gặp bác sĩ.