Dân Việt

“Con tàu”nông thôn mới đã vào đường ray!

30/01/2012 15:28 GMT+7
(Dân Việt) - Theo ông Khoa, chúng ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị để “đưa được con tàu NTM vào đường ray” và những năm tới đây, chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất lớn để thúc đẩy “đoàn tàu” về đích sớm.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã dùng hình ảnh ví von như vậy trong buổi trò chuyện đầu năm 2012 này với phóng viên Báo NTNN về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2011 và những kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn tới.

img
Đường làng được bê tông hóa ở vùng nông thôn mới Nam Định.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng

Thưa ông, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 800 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (ngày 4.6.2010), cả nước đã bắt tay vào xây dựng NTM. Đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả gì?

- Năm 2011, thực chất mới là năm khởi động, chuẩn bị các điều kiện cho triển khai chương trình. Tính tới nay, chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đó là, hình thành bộ máy quản lý, chỉ đạo, hệ thống cơ chế chính sách; hoàn thành việc đánh giá thực trạng các xã toàn quốc theo 19 tiêu chí để làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, các địa phương triển khai sâu rộng việc tuyên truyền vận động tới cơ sở, từ đó tình làng, nghĩa xóm đã được củng cố.

Về kết quả cụ thể, chúng ta đã triển khai và hoàn thành xây dựng quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM cho khoảng 50% số xã. Mặc dù mới là năm đầu tiên triển khai, nhưng tổng vốn thực hiện cho Chương trình xây dựng NTM năm 2011 đã đạt tới 7.200 tỷ đồng (trong đó T.Ư hỗ trợ cho 50 tỉnh là 1.600 tỷ đồng, 13 địa phương tự cân đối bố trí là 5.600 tỷ đồng). Có thể nói một cách khái quát và hình tượng là năm 2011 chúng ta đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để “đưa được con tàu nông thôn mới vào đường ray”. Những năm tới đây, chúng ta phải nỗ lực hết sức để thúc đẩy đoàn tàu về đích sớm.

Khi thảo luận về Chương trình NTM vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

-Trước hết, chúng ta cần thấy xây dựng NTM là một cuộc vận động lớn, một phong trào để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng, chung sức phấn đấu đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Đặt ra việc triển khai xây dựng NTM cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trên cơ sở huy động tổng lực các nguồn lực, vì vậy xây dựng NTM là một quá trình dài lâu.

Đối với một số tiêu chí, để đạt chuẩn phải cần có thời gian, ví dụ như tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập… Do vậy, Bộ NNPTNT thấy rằng, trên cơ sở mục tiêu mà Quyết định 800 đặt ra theo giai đoạn, thì việc triển khai và đánh giá kết quả không theo từng năm được, mà phải theo giai đoạn 5 năm, 10 năm, như Nghị quyết số 26 đã đưa ra.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII năm 2011, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị cần tập trung đầu tư kinh phí nhiều hơn cho NTM. Theo ông, kinh phí cho xây dựng chương trình này cần được đầu tư như thế nào, nhất là việc kêu gọi các nguồn vốn từ xã hội?

- Vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như trên là đúng. Bởi trong triển khai Chương trình xây dựng NTM, người dân giữ vai trò chủ thể, nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Do chương trình được triển khai ở 9.121 xã trong cả nước, trọng tâm từ nay tới năm 2015 sẽ có khoảng 2.000 xã trong diện phấn đấu hoàn thành, nên nhu cầu vốn hỗ trợ của Nhà nước theo quy định rất lớn (tương đương 17% tổng vốn theo đề án được duyệt).

Song trên thực tế, do khó khăn chung nên nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Chương trình NTM rất thấp. Với số vốn hạn hẹp như thế, sẽ ưu tiên hỗ trợ các công trình hạ tầng thiết yếu tại thôn, bản, ấp và hỗ trợ phát triển sản xuất trước. Ngoài việc quan tâm huy động vốn từ cộng đồng dân cư, như đóng góp trực tiếp đất đai, ngày công, vật liệu và tiền, có 2 nguồn vốn hết sức quan trọng là nguồn vốn tín dụng và từ doanh nghiệp. Cả 2 nguồn này còn rất lớn, nên trong chỉ đạo chúng ta cần có chính sách để khơi thông và khai thác tối đa 2 nguồn này.

Khó dàn hàng ngang về đích

Xây dựng NTM là một quá trình, chứ không phải một chương trình, nhiều ý kiến đã nhận xét như vậy về Chương trình NTM ở Việt Nam. Vậy trong quá trình thực hiện, Việt Nam đã gặp phải những thách thức, khó khăn gì cần giải quyết, thưa ông?

- Theo tôi, chỉ đạo xây dựng NTM đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể tới 4 khó khăn, thách thức lớn: Thứ nhất, là làm cho cán bộ xã, thôn và cộng đồng dân cư nhận thức đúng về xây dựng NTM, nhất là về vai trò chủ thể và huy động nội lực của cộng đồng là vấn đề cốt yếu trong xây dựng NTM.

Thứ 2, cần giải bài toán về nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước và người dân hạn hẹp.

Thứ 3, là phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cả trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm tăng thu nhập cho đa số người dân trong thôn, ấp xã. Đây là công việc rất khó, kể cả khi có tiền.

Thứ 4, là mời gọi doanh nghiệp về xã đầu tư kinh doanh, hướng dẫn nông dân ra thị trường, thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, chia xẻ lợi nhuận để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện đã xuất hiện tình trạng các địa phương chạy đua theo kiểu thành tích để đạt được NTM. Vậy theo ông, chúng ta cần có lộ trình xây dựng NTM như thế nào cho phù hợp, để vừa không gây áp lực về thời gian cho các địa phương, vừa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra?

- Vì đây mới là năm đầu tiên triển khai Chương trình xây dựng NTM, nên tôi nghĩ chưa có chuyện các địa phương chạy đua thành tích mà đó chỉ là biểu hiện của tinh thần thi đua. Theo Quyết định số 800, đến năm 2015 mới có 20% tổng số xã của cả nước và đến năm 2020 có 50% tổng số xã của cả nước đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đây là mục tiêu chung của cả nước, các địa phương khó có thể dàn hàng ngang cùng về đích.

“Thực tế đã chứng minh không thể phát triển sản xuất hàng hoá nếu không có đầu tư tín dụng. Không thể chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp”.

Trên thực tế, căn cứ đánh giá vào thực trạng nông thôn- điểm xuất phát của mỗi địa phương có sự khác nhau, khả năng nguồn lực và các yếu tố khác cũng khác nhau. Do vậy, mỗi địa phương cần xác định lộ trình cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình.

Ví dụ, TP.Hồ Chí Minh xác định đến năm 2015 hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn, Đà Nẵng cũng xác định hoàn thành trong năm 2015, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Một số địa phương cũng đặt mục tiêu cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước như An Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Nam Định…

Như vậy, mỗi địa phương, mỗi vùng cần chủ động tìm ra bước đi, cách làm phù hợp. Đây cũng chính là những trăn trở mà Ban Chỉ đạo T.Ư đang và sẽ cùng với các tỉnh khó khăn bàn tính để xác định lộ trình và cách làm phù hợp với đặc thù của vùng nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!