Vai ông Sơn do Trung Anh đảm nhiệm khác hẳn Lương Bổng 'Người phán xử'.
- Vai ông Sơn trong "Về nhà đi con" đánh dấu sự trở lại của anh với phim truyền hình kể từ thành công của Lương Bổng "Người phán xử" 2 năm trước. Một lần nữa khán giả thấy anh trở lại với vai diễn khắc khổ quen thuộc. Trong cuộc họp báo anh từng nói đây là vai diễn thách thức vì nếu diễn đúng sở trường thì quá dễ. Thách thức của một vai diễn tưởng dễ mà lại khó này là gì?
"Về nhà đi con" cũng là một trong những kịch bản tôi thấy hay và rất thích. Ông Sơn là nhân vật kết nối các tuyến nhân vật trong phim, nghĩ là dễ diễn nhưng thực ra lại khó vì vai diễn một màu, dễ tạo cảm giác nhàm chán.
Trước khi quay tôi đã hẹn gặp đạo diễn Danh Dũng để trao đổi về kịch bản. Tôi nhận thấy các nhân vật đều khóc quá nhiều, cả vai của tôi, Thu Quỳnh và Bảo Thanh đều vậy. Những cảnh ủy mị tôi đã đề nghị cắt bớt.
- Vào vai một ông bố thương con nhưng cũng không ít lần xuống tay tát con gái, trong đó có Ánh Dương và Anh Thư, điều này có làm khó anh?
Đó hoàn toàn là tát thật vì những cảnh quay này lên hình rất rõ. Nhất là cảnh tát Bảo Hân ở bệnh viện, tôi phải quay đến 5 lần vì không nỡ tát vào mặt con bé. Lúc tát mình thấy rát tay kinh khủng. Chính vì cảm thấy run tay nên lại càng phải quay đi quay lại nhiều lần. Cảnh phải tát con rể (Trọng Hùng) tôi còn run tay chứ đừng nói tát 3 cô con gái. Có thể mình không giang tay tát quá mạnh nhưng cảnh quay đó phải rất thật để đạt hiệu quả.
Khi diễn xong cảnh tát Bảo Hân, tôi ôm con bé nói: "Ôi bố xin lỗi, có đau không?" Bảo Hân cười nhe răng bảo: "Không sao đâu bố ạ", còn mình thì cứ áy náy mãi. Tát phụ nữ nhiều khi khó lắm.
Cảnh Trung Anh tát Bảo Thanh trong phim.
- Không chỉ có cảnh tát các con, trong "Về nhà đi con" anh còn phải diễn cảnh khóc lóc vật vã khi vợ mất. Cũng đã có nhiều phim Trung Anh diễn cảnh khóc nhưng đã có phim nào khiến anh phải khóc như "Về nhà đi con"?
Các phim trước đây tôi đều phải diễn theo kiểu ghìm lại chứ không bục ra như vài đoạn trong phim này. Trong "Về nhà đi con" ở những tập chưa phát sóng còn có những cảnh kinh khủng nữa. Các phim trước đây tôi phải điều tiết cảm xúc nhân vật theo kiểu ghìm lại còn trong "Về nhà đi con" tôi chọn 2 đoạn mấu chốt của nhân vật ông Sơn trong phim này để thể hiện cảm xúc đau khổ ra ngoài.
Cảnh nhân vật của mình vì mải chơi không đưa vợ đi đẻ kịp thời khiến cô ấy mất là cảnh quay hồi tưởng và lặp đi lặp lại trong phim và tôi để nhân vật mình khóc như chưa bao giờ được khóc. Thậm chí trong cảnh này ông Sơn còn bị bố vợ tát nhưng ông ấy vẫn coi đó là chuyện bình thường và đứng lại nhận cái tát ấy.
Trung Anh phải tát Bảo Hân tới 5 lần mới đạt.
- Trong phim anh phải tát nhiều người, và trong cảnh diễn với bố vợ, anh có bị ăn tát thật không?
Bạn không nghe thấy tiếng ông ấy tát sao? Mọi người còn nghe tiếng tôi đập đầu mạnh vào thành giường rõ mồn một, rất thật.
- Từng đóng cùng Bảo Thanh trong 'Người phán xử', làm chồng Thu Quỳnh trên màn ảnh trước đây nay lại đóng bố con và đặc biệt là nữ diễn viên mới toanh Bảo Hân, anh ấn tượng với cô con gái nào nhất?
Khi đóng phim tôi luôn muốn tạo không khí gia đình đầm ấm, vui tươi trên trường quay. Diễn với cả 3 con gái tôi đều vui, chúng tôi quý nhau thực sự. Riêng Hân lúc đầu gặp trục trặc về phát âm, con bé hay nói nhịu rất buồn cười nên phải quay đi quay lại nhưng khiến không khí vui kinh khủng. Nó tạo nên sự thư giãn khiến mọi người đang quay lại lăn ra cười bò.
Trong kịch bản tôi đặc biệt ấn tượng với nhân vật Anh Thư của Bảo Thanh. Nhưng khi phát sóng tôi thực sự bất ngờ với vai Ánh Dương của Bảo Hân, thực sự là quá hay. Trong kịch bản Ánh Dương cũng đã là nhân vật rất cá tính nhưng Bảo Hân đóng nổi bật và quá tốt bởi nó có một phần của cô bé trong đó. Bên sản xuất chọn Bảo Hân vào vai tôi thấy rất tuyệt.
Trung Anh và ba nữ cô con gái trên màn ảnh thân thiết như một gia đình phía sau máy quay.
- 2 năm vắng bóng màn ảnh kể từ "Người phán xử", nhân vật Lương Bổng đã để lại dấu ấn mạnh với anh thế nào? Nhiều diễn viên đã tận dụng sức nóng của 'Người phán xử để đóng quảng cáo, đi event kiềm tiền, anh thì sao?
Ai tôi không biết nhưng cuộc sống của tôi rất bình thường, không thay đổi gì cả. Gương mặt tôi không phải là gương mặt quảng cáo.
Thời gian sau "Người phán xử" tôi không đóng phim gì cho tới khi "Về nhà đi con". Thực ra khán giả cũng chỉ nhắc đến tôi với vai Lương Bổng. Khán giả của hai dòng phim này khác nhau. Đa phần khán giả xem "Người phán xử" là nam nhưng có tới 90% khán giả nữ xem "Về nhà đi con", nhìn lượng comment là có thể thấy điều đó. Đặc biệt tôi thấy lượng comment dành cho nhân vật Ánh Dương của Bảo Hân, thậm chí người đồng giới tỏ tình với Bảo Hân rất nhiều.