Sáng 5.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ hơn 1.000 công nhân, trong đó có 90 công nhân trình độ kỹ thuật cao ở 7 tỉnh thành trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng triển lãm công nghệ cao tại buổi gặp gỡ. Ảnh: H.V
Nói về những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc ở lĩnh vực sản xuất các thiết bị âm thanh, ông Lê Văn Trực (Công ty Foster Đà Nẵng) cho biết, bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ.
Ông Trực nói: "Khi ra nước ngoài làm việc, những công nghệ trong lĩnh vực sản xuất rất nhiều nhưng Việt Nam còn hạn chế, nên tôi phải tự tìm hiểu để tiếp cận với những công nghệ cao trên thế giới".
Ông Trực bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các công ty công nghệ cao có thể đầu tư vào trong nước nhiều hơn nữa. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời các doanh nghiệp nên tổ chức các buổi hội thảo giao lưu về công nghệ để các doanh nghiệp cùng nhau tiếp xúc và trao đổi công nghệ, trao đổi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Xuân Quang (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) phát biểu. Ảnh: H.V
Còn ông Nguyễn Xuân Quang (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam) nêu, việc đào tạo sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại sau vài năm mới đáp ứng được. “Chính Phủ phải đổi mới đào tạo đảm bảo được nhu cầu thị trường lao động hiện đại, chứ như hiện nay, đào tạo vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”, ông Quang nói.
Ông Đinh Đăng Đoàn (Công ty Phong phú) cho biết có hiện tượng nhập thiết bị hiện đại về nhưng thời gian chờ đợi để giải trình rất lâu. "Nhập nguyên dàn máy về thì được, nhưng nhập chi tiết về rất khó. Việc này làm ngưng trệ hoạt động, không đạt thời gian giao hàng cho khách", ông nói.
Ông Đinh Đăng Đoàn (Công ty Phong phú) phát biểu. Ảnh: H.V
Ông Đoàn phản ánh thêm, đa số doanh nghiệp thiếu công nhân kỹ thuật cao, phải thuê người nước ngoài. Chính sách đãi ngộ, khen thưởng cũng chưa phù hợp, chưa kích thích tư duy sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong công nhân.
Trước những ý kiến của công nhân, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác đào tạo có vai trò quyết định để xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao, do vậy đề nghị các Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM... cùng các doanh nghiệp nói rõ hơn về vấn đề này.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, hiện nay, việc đào tạo vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Vì vậy, Bộ đã có đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề nghiệp, dự báo phát triển ngành nghề trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó, tập trung đào tạo những lĩnh vực mà doanh nghiệp cần, tăng cường kết nối nhà trường với doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng nhà trường. Trong đào tạo sẽ giảm lý thuyết, tăng thực hành. Đào tạo mới để chuyển nghề, sử dụng quỹ hướng nghiệp 67 ngàn tỷ phục vụ đề án này.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH phát biểu. Ảnh: H.V
“Sắp tới đây bắt buộc doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo theo Tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp. Bộ sẽ hỗ trợ tối đa các chính sách trong đào tạo”, ông Dung cho biết
Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GDĐT phát biểu. Ảnh: H.V
Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết Bộ đã chỉ đạo các trường đổi mới chương trình đào tạo theo dự báo và chuẩn của các nghề; Khuyến khích các trường tổ chức đào tạo trong và ngoài nhà trường; Xây dựng đội ngũ giảng viên không chỉ là thầy cô đứng lớp mà có cả những người có tay nghề cao. Đồng thời, nhà trường phải kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Riêng Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với bổi cảnh đất nước, khu vực, thế giới và phù hợp thời điểm hiện nay. Trong đào tạo cần gắn với thực tiễn, tăng thực hành.
Được biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tập hợp các kiến nghị của công nhân, doanh nghiệp... gửi đến Chính phủ. Đó là: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; Chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; Đề xuất của công nhân lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; Làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; Tâm tư nguyện vọng của chính những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin các nội dung làm việc của buổi họp này.