Dân Việt

Vào tù vì cưa 353 cây cao su... của mình

31/01/2012 12:50 GMT+7
(Dân Việt) - Chiều 24 tháng Chạp, trong khi mọi người đang hối hả về nhà để sum vầy đón Tết thì ông Trần Văn Dung phải vào đón Tết... trong tù. Mà lý do vào tù của ông cũng thật khôi hài: “Dám” cưa 353 cây cao su... của mình.

Cưa cao su của mình, bị… khởi tố(?)

Trước đây, vợ chồng nông dân Trần Văn Dung (44 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương) làm nghề “gõ đầu trẻ”. Cuộc sống khó khăn, họ phải bỏ nghề giáo, về trồng cao su kiếm sống trên khu đất rộng hơn 1,8ha do cha mẹ ông Dung cho.

img
Chị em ông Trần Văn Dung tại tòa.

Năm 2009, cha ông Dung mất, mẹ ông Dung lấy toàn bộ diện tích đất vườn cao su này chia cho 3 người chị gái ông Dung là bà Trần Thị Măng, Trần Lệ Thu và Trần Thị Sáu, chỉ cho ông Dung quyền canh tác, thu hoa lợi trên vườn cao su do ông trồng. Vườn cao su này rất đẹp, khoảng 7 năm tuổi, đang vào mùa khai thác.

Sau đó, UBND xã Tân Bình đã phân định phần tài sản trên đất (cao su), gia đình thống nhất giao cho vợ chồng ông Dung “được quyền hưởng”. Nhưng đến tháng 4.2010, ông Dung phải thanh lý cao su để trả lại đất cho 3 người chị.

Trước sức ép đòi đất, ngày 22.2.2010, qua môi giới của ông Võ Văn Ngẫu, ông Dung bán toàn bộ số cây cao su trên đất (967 cây) với giá bán là 120.000 đồng/cây cho ông Phạm Văn Hạnh với giá hơn 116 triệu đồng. Ông Hạnh cam kết trong 1 tháng sẽ cưa toàn bộ cao su.

Quá 1 tháng, ông Hạnh vẫn không đến cưa cao su như cam kết. Sốt ruột, ngày 24.3.2010, ông Dung thuê người cưa cao su, thì bất ngờ, 3 người chị... cản ngăn và tuyên bố: Họ đã là chủ sở hữu số cao su nói trên. Lý do vì ông Hạnh đã bán lại cao su cho họ. Ông Dung không thừa nhận việc mua bán này vì 3 người chị chỉ đưa ra giấy photo mua bán, và ông tuyên bố “chỉ bán cao su cho ông Hạnh, ông Hạnh không tới cưa, vi phạm hợp đồng, nên mất tiền, cao su vẫn thuộc sở hữu của ông Dung”.

Sau đó, ông Dung đến UBND xã Tân Bình thông báo, nếu trong 10 ngày tới, ông Hạnh vẫn không cưa cao su, ông Dung sẽ tiếp tục cưa để trả đất cho 3 người chị. Đến ngày 3.4.2010, ông Dung thuê người cưa cao su.

Khi ông Dung mới cưa được 353 cây, thì 3 người chị phát hiện, báo chính quyền tới ngăn chặn. Kế đó 3 người chị tố cáo hành vi “hủy hoại tài sản người khác” của ông Dung ra cơ quan luật pháp; dẫn tới Công an huyện Tân Uyên khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Dung.

Em thành bị cáo, chị là bị hại!

Theo cáo trạng, ông Dung đã bán cao su cho ông Hạnh với giá hơn 116 triệu đồng. Ông Hạnh bán lại cho 3 người chị ông Dung với giá 160 triệu đồng. Ông Dung biết số cao su trên đã bán cho 3 người chị, nhưng vẫn thuê người cưa cao su là phạm tội hủy hoại tài sản người khác (353 cây cao su trị giá 42,3 triệu đồng). Chứng cứ quan trọng nhất để Công an huyện Tân Uyên khởi tố ông Dung là 2 tài liệu: “Giấy chồng tiền đủ” (22.2.2010) và “Giấy bán thanh lý” (10.3.2010).

Tại phiên tòa hôm 24 Tết âm lịch (17.1), ông Dung cho rằng, hai tài liệu trên không có bản chính, chỉ là bản photo được cung cấp bởi ông Võ Văn Ngẫu và phía 3 người chị, là không hợp pháp, không thể dựa vào đó khởi tố ông. Chưa kể, “Giấy chồng tiền đủ” có dấu hiệu ngụy tạo...

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - vợ ông Dung cho biết: “Ngày ông Hạnh đặt cọc 30 triệu đồng, có mặt ông Hạnh và ông Ngẫu. Giấy đặt cọc do ông Ngẫu viết. Ngày 22.2.2010, ông Ngẫu và con trai tới nhà tôi chồng nốt số tiền còn lại (hơn 86 triệu đồng). Ngay tại nhà tôi, chính tay ông Ngẫu đã thay mặt ông Hạnh viết “Giấy mua bán” cao su. Do lúc đó, chồng tôi không có nhà, tôi đã thay mặt chồng ký tên “bên bán”, còn “bên mua” – phía ông Hạnh bỏ trống”.

Ông Dung đã làm đơn kháng cáo. Sắp tới, TAND tỉnh Bình Dương sẽ xử phúc thẩm “kỳ án” này. Hy vọng công lý sẽ đến với người nông dân chân chất Trần Văn Dung.

Tại “Giấy mua bán” này, ông Ngẫu ký tên là người làm chứng ở mặt sau; đồng thời, ông Ngẫu còn ghi “Hết 30 ngày, ông Hạnh phải cắt toàn bộ cây cao su và nếu không cắt sẽ bị mất tiền”. “Giấy mua bán” làm có một bản, ông Ngẫu mang về giao cho ông Hạnh. Vậy mà khi xảy ra vụ việc, lại xuất hiện thêm “Giấy chồng tiền đủ” (bản photo), không có nội dung ở mặt sau, không có chữ ký ông Ngẫu, không có dòng chữ “ông Hạnh sẽ bị mất tiền”, nội dung cam kết bị sửa đổi hoàn toàn, chữ viết trên giấy không còn là của ông Ngẫu...

Tại phiên tòa, ông Hạnh cũng xác nhận, không hề ký tên trên “Giấy chồng tiền đủ”. Việc lập hợp đồng mua bán, chồng tiền đủ, ông Hạnh giao hết cho ông Ngẫu. Sau đó, “Giấy đặt cọc” và “Giấy chồng tiền đủ”, ông Ngẫu đã đưa cho ông Hạnh, nhưng ông Hạnh đã làm ướt, rách và mất bản chính, còn bản... photo(?!).

Ông Hạnh thừa nhận có bán lại cao su cho 3 người chị ông Dung, với giá 160 triệu đồng, nhưng việc bán - mua, ông ủy quyền hoàn toàn cho ông Ngẫu. Ông Hạnh cũng không biết mặt 3 người chị ông Dung, ông Hạnh cũng không ký tên trên “giấy thanh lý” bán cao su cho 3 người chị. Chữ viết trên “giấy thanh lý” và chữ ký tên ông Hạnh do... cháu ông Ngẫu viết giùm và ký.

Rõ ràng, có quá nhiều khuất tất đằng sau việc lập giấy tờ mua bán 967 cây cao su của ông Dung, từ phía ông Ngẫu cho 3 người chị… nhưng tòa vẫn không làm rõ. Đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội, đề nghị tòa tuyên phạt ông Dung 18-24 tháng tù giam. Cuối cùng, tòa tuyên ông Dung 12 tháng tù giam.