Giá cả trên trời
Bất chấp nhiệt độ miền Bắc những ngày đầu xuân xuống thấp cộng với mưa phùn vẫn không thể cản bước du khách thập phương nô nức đi trẩy hội đầu xuân với mong ước cầu chúc một năm bình an và gặp nhiều điều may mắn... Tuy nhiên, với những người đi hội “chuyên nghiệp”, năm nay những câu chuyện, những việc làm chướng tai, gai mắt vẫn tái hiện.
Du khách trẩy hội chùa Hương (Hà Nội). |
Anh Lưu Văn Thế (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều năm nay, cứ vào mùng 6 Tết, cả gia đình tôi lại tổ chức đi chùa Hương. Dù đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với việc “chặt chém” nhưng cứ mỗi năm, bảng giá các dịch vụ ở đây lại càng leo thang với mức ai nấy cũng giật mình, choáng váng”.
Năm nay, mặc dù Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã chủ động tăng giá vé đò “cho hợp tình hình lạm phát” lên 35.000 đồng/vé với đò thường và 40.000 đồng/vé với đò cao cấp, vé thắng cảnh 50.000 đồng/người, nhưng với một lượng lớn khách đổ về trong ngày khai hội chùa Hương, nhiều chủ đò vẫn ngang nhiên đòi tăng giá gấp đôi mới chịu phục vụ.
Bên cạnh những mức giá đã được quy định sẵn nhưng người dân bản địa vẫn ngang nhiên tăng giá thì các dịch vụ như hàng ăn lại càng lộng hành với những mức giá mà thực khách “ăn xong lại thấy đói lòng”.
Một bát phở hay bát mì lèo tèo vài miếng thịt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) được các chủ hàng “hét” với giá từ 50.000 - 70.000 đồng, nếu khách không hỏi giá tiền trước chắc khi ăn xong sẽ không khỏi... ngã ngửa. Một chiếc xúc xích bé xíu nhúng qua chảo dầu nóng tại đền Cửa Ông (Quảng Ninh) được “chém đẹp” với giá 15.000 đồng.
Các dịch vụ trông giữ xe máy luôn dao động giá từ 10.000-20.000 đồng/xe và với ô tô giá từ 50.000- 100.000 đồng/xe. Khi khách cự nự sao giá cao trên trời thế, thì hầu hết các chủ hàng đều hồn nhiên trả lời: “Cả năm có mấy ngày Tết...”.
Tại anh, tại ả
Bên cạnh những câu chuyện du khách trẩy hội bị “chặt chém” đầu năm, thì điều làm nhiều người phiền lòng là các trò chơi dân gian. Nếu xưa, chọi gà, cờ tướng, đấu vật... vốn là những trò chơi mang tính chất giao lưu, mang đặc thù văn hóa truyền thống thì giờ đây các trò chơi đã bị những người cơ hội biến thành những tệ nạn, vấn nạn của xã hội.
Không khó để tìm ra ở các vùng lễ hội là vô vàn các chiếu bạc lộ thiên mức độ ăn thua lên đến hàng chục triệu đồng, mà thường những chủ nhà “cái” luôn là người thắng cuộc với vô vàn mánh khóe bịp bợm. Những trò chơi ăn tiền bầu cua, ném phi tiêu, ném lon, chiếc nón kỳ diệu... cũng nhan nhản ở các lễ hội và sự hỗn loạn đã át cả các hoạt động của lễ hội.
Cũng buồn lòng không kém là tình trạng mất vệ sinh, sự bùng nổ các hoạt động mê tín dị đoan, bói toán biến tướng, lừa đảo, móc túi và vô vàn những dịch vụ trời ơi, đất hỡi được nghĩ ra để “móc túi” du khách thập phương.
Có thể nói, lộn xộn tại lễ hội là câu chuyện “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” bởi ý thức của nhiều du khách tham gia lễ hội quá kém. Ví như tại chùa Hương, mặc dù Ban tổ chức đã nghiêm cấm hoá vàng tại những nơi không đúng quy định nhưng khách vẫn tiện đâu đốt đấy gây nên cảnh khói bụi mù mịt. Cảnh nhảy qua tường, giẫm nát cây trong vườn chùa, chen lấn xô đẩy để mạnh ai nấy lễ... tạo nên một đám đông hỗn loạn.
Hoàng Minh