Dân Việt

Mường Cơi khơi sức dân làm đường giao thông nông thôn

Văn Chiến - Tuệ Linh 06/05/2019 19:28 GMT+7
Nhờ biết cách khơi gợi sức dân trong làm đường giao thông nông thôn, đến nay xã Mường Cơi (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã hoàn thành tiêu chí số 2 (tiêu chí giao thông) trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Hầu hết các tuyến đường nội bản, liên bản trên địa bàn xã đã được bê tông hóa, cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBD xã Mường Cơi, phấn khởi báo tin vui: “Sau nhiều năm phấn đấu, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự chung tay góp sức của người dân, đến thời điểm này, xã Mường Cơi đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã đang dồn sức thực hiện nốt 4 tiêu chí còn lại để cán đích NTM vào cuối năm nay. Khó thực hiện như tiêu chí giao thông thì đến nay, xã cũng đã hoàn thành”.

img

Bằng nhiều cách làm hay, đến nay Mường Cơi đã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn.

Theo anh Hải, phong trào xây dựng NTM ở xã Mường Cơi đã và đang phát triển rộng khắp các bản, được người dân nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia, chứ không còn èo uột, rời rạc như những năm đầu triển khai. Cũng nhờ đó, diện mạo của xã đã có sự thay đổi nhanh chóng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Sự thay đổi rõ nét nhất phải kể đến đó là mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn xã.

“Năm 2013, tức là sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Mường Cơi vẫn chưa đạt được chỉ tiêu nào trong tiêu chí giao thông. Trong tổng số hơn 20km đường trục bản mới chỉ có hơn 0,5km được cứng hóa” – Chủ tịch UBND xã Mường Cơi nhớ lại.

img

Đường giao thông được đầu tư khang trang giúp người dân Mường Cơi giao thương thuận lợi.

Nói vậy để thấy được rằng, việc thực hiện tiêu chí giao thông đối với xã Mường Cơi không dễ dàng chút nào. Khó khăn là vậy, nhưng trong “cái khó ló cái khôn” cấp ủy, chính quyền xã Mường Cơi đã đưa ra cách làm độc đáo và hiệu quả cao, đó là làm theo kiểu “nhỏ giọt”, tức là làm trước một đoạn đường ngắn.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, cán bộ, đảng viên trong xã chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bà con lối xóm nơi mình sinh sống, đóng góp cát, sỏi, công sức làm trước một đoạn đường nội bản.

“Làm theo cách này đã khơi gợi được sức dân cũng như ý thức tự giác của người dân trong làm đường dân sinh. Đang đi trên đoạn đường đẹp lại đến đoạn đường xấu, tâm lý ai cũng cảm thấy khó chịu. Chính điều đó đã thôi thúc, tạo động lực để người dân góp tiền của, công sức hoàn thiện cả tuyến đường” – ông Hà Văn Phương – Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi cho hay.

img

Theo ông Hà Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi, với cách làm đường giao thông nông thôn theo kiểu "nhỏ giọt" đã khơi được nguồn lực trong dân.

Cứ vào thời điểm cuối năm trước, xã Mường Cơi lại chỉ đạo các bản đăng ký thực hiện các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM nói chung, tiêu chí giao thông nói riêng trong năm sau.

Theo ông Phương, cũng chính từ cách làm đó đã tạo nên sự ganh đua, học hỏi giữa bản nọ với bản kia, thúc đẩy phong trào làm đường nội bản phát triển sôi nổi, rộng khắp. Có nhiều đoạn đường nội bản, vì chưa đăng ký thực hiện nên không được hỗ trợ xi măng, người dân trong bản đã tự bảo nhau góp tiền mua xi măng, cát, sỏi để làm đường.

img

Đường giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

Không chỉ làm đường nội bản mà người dân các bản còn tích cực tham gia đổ bê tông đường liên bản.

Điển hình như tuyến đường liên bản từ Quốc lộ 37 vào bản 3 bản: Văn Tân, Tân Cơi và bản Kiềng. Người dân 3 bản đã góp tiền của, công sức để làm đoạn đường chung từ Quốc lộ 37 vào tới ngã ba của 3 bản. Tiếp theo, đoạn đường từ ngã 3 rẽ vào bản nào thì bản đấy làm. Điều này cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân trong xã.

Nhờ cách làm hay, đến nay hầu hết các tuyến đường trục bản của xã Mường Cơi đã được bê tông hóa; tỷ lệ đường ngõ xóm đã cứng hóa đạt hơn 84%. Nhiều tuyến đường nội đồng cũng được cứng hóa trước sự tham gia tích cực của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển.