Dân Việt

Dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai: Ban hành 5 mức hỗ trợ thiệt hại

Nguyên Vỹ 07/05/2019 05:30 GMT+7
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp khiến giá lợn hơi bước vào kỳ suy giảm mới, tổng đàn hao hụt, tái đàn ngưng trệ. Việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại là rất cần thiết để hộ chăn nuôi khôi phục sản xuất. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định tạm thời chính sách hỗ trợ thiệt hại...

Ngăn ngừa mối nguy từ lợn rừng lai

Không chỉ lợn thường, đàn lợn rừng lai được nuôi rải rác trong dân cũng đang là đối tượng được chú ý trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Do được nuôi thả bán tự nhiên, nên đối tượng này rất dễ bị nhiễm bệnh. Thực tế cũng đã ghi nhận DTLCP trên đàn lợn rừng lai tại một số tỉnh.

img

Chính sách hỗ trợ tạm thời của Đồng Nai xác định 5 mức cụ thể cho từng loại lợn bị tiêu hủy do DTLCP. Chính sách này sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, không bán tháo lợn bệnh (ảnh minh họa). Ảnh: N.V 

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trảng Bom 

Ngày 4.5, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã ban hành quyết định công bố DTLCP trên địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Như vậy, DTLCP đã chính thức xuất hiện tại các tỉnh phía Nam. Được biết, ổ dịch này xuất phát từ đàn lợn của một hộ nông dân ở ấp Tân Đạt, xã Đồi 61.

Vào ngày 24.4, phát hiện lợn của hộ dân này mắc bệnh, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với virus DTLCP. Đàn lợn đã được tiêu hủy toàn bộ ngay sau đó.

Anh Thơ

Tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), ông Lê Công Thời cho biết đang nuôi gần 30 gần lợn rừng lai theo hình thức nuôi nhốt. Đặc điểm nổi trội của lợn rừng lai là có sức đề kháng cao, ít bệnh so với các loại lợn thông thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ trại chủ quan.

Gần đây nghe thông tin về DTLCP tái bùng phát ở một số nơi, ông Thời lại càng tập trung nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch xuất hiện và lây nhiễm, gây hại cho đàn lợn của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức phòng bệnh cao.

Bởi thực tế, phần lớn các đàn lợn rừng lai tại Vĩnh Cửu đều được chăn nuôi theo mô hình bán tự nhiên, thậm chí thả rông. Điều này khiến lợn rất dễ bị virus xâm nhiễm khi đàn tự đi kiếm các nguồn thức ăn trong tự nhiên, hoặc ăn thức ăn thừa quanh nhà.

Ông Nguyễn Trần Phước Lộc – Phó Ban chỉ đạo phòng chống DTLCP huyện Vĩnh Cửu cho biết, hiện nay đàn lợn trên địa bàn huyện khoảng 280.000 con. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng đàn lợn rừng lai cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu tổng đàn. Huyện đang tập trung nhiều giải pháp để có thể quản lý, theo dõi dịch tễ trên đàn lợn rừng lai để tránh các nguy cơ có thể xảy đến.

Không kể lợn thường hay lợn rừng lai, hộ chăn nuôi phải ký cam kết khi có dịch bệnh là báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời dập dịch tại chỗ.

“Huyện cũng thường xuyên thông báo các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi lợn phải tiêu hủy để người dân biết rằng chính quyền luôn đồng hành với người chăn nuôi” - ông Lộc khẳng định.

Chính sách hỗ trợ tạm thời

Theo ông Hoàng Khánh Hưng – Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Vĩnh Cửu, chính quyền vẫn đang vận động chủ trại tăng cường sát trùng. Ngoài chốt kiểm dịch của tỉnh tại cầu Thủ Biên, huyện cũng đã chủ động thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch tại các tỉnh lộ TL762, TL 768 và TL 767 để ngăn không cho con lợn bệnh nào có thể xâm nhập và lây bệnh trên địa bàn.

"Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất để hộ chăn nuôi khôi phục sản xuất. Hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và phải được tiến hành công khai, minh bạch, đúng đối tượng để không xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách”.

Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 

Đánh giá chung, ông Hưng cho rằng mắt xích nguồn bệnh hiện nay phát sinh một phần do người chăn nuôi bán tháo lợn bệnh cho thương lái giết mổ lậu hoặc vứt xác lợn bệnh ra môi trường bên ngoài. Một số ít người chăn nuôi vẫn thực hiện các hành vi trên do chưa biết rõ chính sách hỗ trợ tiêu hủy, và giá hỗ trợ hiện nay luôn thấp hơn giá thị trường.

Để cắt đứt mắt xích nguồn bệnh, phải làm sao cho người chăn nuôi nắm được chính sách hỗ trợ khi tiêu hủy, đồng thời xác định lại mức hỗ trợ hợp lý. Hiện thị trường chỉ tính theo các quy cách giá như: lợn giống/con; lợn nái hậu bị/con; lợn nọc hậu bị/con; lợn thịt/kg. Do vậy chính sách giá hỗ trợ cũng phải được tính như quy cách tính giá thị trường.

Ngoài ra, thực tế tiêu hủy còn có thêm loại lợn con theo mẹ. Loại lợn này không có giá nên cho giá bằng với lợn giống để khuyến khích người chăn nuôi khai báo dịch. Giá thị trường sẽ được xác định bằng cách lấy trung bình giá xuất chuồng của 6 trại nuôi ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định tạm thời cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do DTLCP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy sẽ được hỗ trợ với 5 mức cụ thể. Loại lợn con theo mẹ được hỗ trợ 300.000 đồng/con. Lợn cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi là 500.000 đồng/con. Lợn thịt từ 2 - 4 tháng tuổi: 2 triệu đồng/con. Lợn thịt, lợn giống hậu bị trên 4 tháng tuổi: 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con lợn nái, lợn đực giống đang khai thác sẽ nhận mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/con, đây là mức hỗ trợ cao nhất đối với mỗi con lợn bị tiêu hủy.