Từ thuở ban đầu lưu luyến ấy...
Cuối năm 1982, tôi sang nhà số 8 Chu Văn An thăm các ông Nguyễn Thành Thơ và Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) ra công tác ở Hà Nội và “tá túc” ở đây. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi làm thư ký riêng cho ông Nguyễn Thành Thơ - nguyên Phó bí thư thường trực Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn (I.4), tôi rất quý và tâm phục tài năng của ông Tư Ánh. Trong lúc ba chúng tôi đang hàn huyên ôn lại những kỷ niệm ở chiến trường I.4, ông Tư Ánh bột phát nói: “Mười Thơ sắp về làm Hội nông dân (HND), thế nào HND cũng phải có tờ báo, mày về lại Sài Gòn sống, phụ Mười Thơ ra tờ báo của Hội!”.
Nhà báo Khuynh Diệp (trái) trong một chuyến công tác ở ĐBSCL. T.L
Sự động viên của ông Tư Ánh đã giúp tôi biết giai cấp nông dân Việt Nam có tổ chức chính trị là HND. Lúc này, tôi đang công tác tại Viện Văn hoá dân gian (do GS Đinh Gia Khánh làm Viện trưởng), cùng TS Phan Đăng Nhật và anh chị em trong Viện dồn sức xuất bản số đầu tiên Tạp chí Văn hoá dân gian. Đợi số đầu tiên Tạp chí Văn hoá dân gian ra đời, tôi mạnh dạn gặp Viện trưởng Đinh Gia Khánh xin chuyển vào TP.HCM, công tác ở Ban trù bị Đại hội HND Việt Nam (văn phòng T.88 tại TPHCM). Mặc dù không vui với nguyện vọng của tôi, cuối cùng GS Khánh cũng tạo điều kiện để tôi được trở lại TP.HCM sau sáu năm ra làm việc tại Hà Nội.
Đầu năm 1983 về Ban trù bị Đại hội HND Việt Nam thì tháng 5.1984 lãnh đạo Ban gọi tôi ra Hà Nội tham gia xuất bản tờ Tin Nông dân Việt Nam (tiền thân của Báo NTNN). Đối với tôi đây là niềm vui rất lớn. Được tiếp tục làm báo luôn là niềm ao ước của tôi.
Sau nhiều nỗ lực phấn đấu của Thường trực Ban trù bị Đại hội HND Việt Nam, cùng với sự kiện Đại hội lần thứ nhất của HND Việt Nam (1988), tờ Tin Nông dân Việt Nam chuyển thành tờ báo mang tên Nông dân Việt Nam rồi NTNN như hôm nay. Những cán bộ, phóng viên Báo NTNN phải trải qua bao vui - buồn để có đứa con tinh thần mạnh khoẻ và trở thành mái nhà chung cho các thế hệ cán bộ, phóng viên qua các thời kỳ.
Trở thành nhà văntừ Báo NTNN
Gần 1/3 thế kỷ bám trụ với Báo NTNN - kể từ ngày báo phát hành dưới dạng bản tin cho tới khi được nghỉ hưu (2008) và 4 năm ký hợp đồng cộng tác với báo, tôi luôn coi NTNN như ngôi nhà của mình. Trong ngôi nhà ấy, tôi đã trưởng thành không chỉ nghề báo mà còn trở thành nhà văn chuyên viết về đề tài nông dân.
Bởi, khi làm ở Báo Văn nghệ Giải phóng rồi Báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam), công việc chính của tôi là phụ trách phòng trị sự. Lâu lâu có dịp đi công tác tôi mới “võ vẽ” viết một vài bài bút ký, truyện ngắn, chưa định hình nghề văn như các anh các chị ở toà soạn. Đến khi chuyển sang Ban trù bị Đại hội HND Việt Nam, được trực tiếp tham gia xuất bản và phát hành tờ báo của Hội, tôi hăm hở cùng các đồng chí cán bộ HND ở khu vực phía Nam đến với nông dân khắp mọi vùng đất nước, miệt mài ghi chép tâm tư, đời sống và những khó khăn của người nông dân. Những nguồn “nguyên liệu” từ các chuyến đi thực tế như vậy đã thôi thúc tôi cầm bút và viết về họ. Chất liệu ngồn ngộn của đề tài nông dân – nông nghiệp – nông thôn thập niên 80, 90 (thế kỷ 20) thôi thúc tôi sử dụng nhiều thể loại văn học khác nhau để thể hiện: phóng sự, ghi chép; bút ký hoặc tuỳ bút. Để xây dựng hình ảnh, tính cách nhân vật người nông dân thì sử dụng thể loại truyện ngắn...
Nhờ lăn lộn với nông dân với tư cách nhà báo của Báo NTNN, cộng với kiến thức nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng – Nhà nước đối với nông dân – nông nghiệp – nông thôn, ngoài bài báo và sáng tác văn học, tôi còn dành thời gian, tâm sức hoàn thành công trình nghiên cứu về “Nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long sau năm 1975” (xuất bản năm 2016). Công trình nghiên cứu này được giới chuyên môn và cán bộ hoạt động phong trào nông dân ở ĐBSCL đánh giá cao (hiện lượng xuất bản đã tiêu thụ hết). 7 đầu sách của tôi do các Nhà xuất bản Hội nhà văn, Tổng hợp TP.HCM xuất bản trong thời gian 10 năm tôi nghỉ hưu vừa qua đều được viết và chuẩn bị tư liệu trong gần 30 năm công tác tại Báo NTNN. Ấy là chưa kể thời kỳ này tôi được trao nhiều giải thưởng báo chí và văn học của Trung ương và TP.HCM.