Dân Việt

Một thời gian khó và yêu thương

Năm 1996, khi tôi về Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) công tác, báo xuất bản 2 kỳ/tuần với số lượng vài nghìn tờ mỗi kỳ. Tòa soạn 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, khi ấy chỉ hơn 20 người một chút...

Những ngày gian khó

Ai cũng biết, nguồn thu chính của một tờ báo giấy là từ bán báo và quảng cáo. Thế mà, với số lượng phát hành chỉ dăm nghìn tờ/kỳ thì làm sao có thể đủ tiền công in. Cũng vì bạn đọc hạn chế nên số lượng quảng cáo càng ít. Ban Biên tập khi ấy gồm hai người - anh Nguyễn Thước là Tổng Biên tập và chị Mai Nhung - Phó Tổng Biên tập đã hết sức vất vả xoay xở để cho tờ báo tồn tại.

img

Tập thể cán bộ, nhân viên Báo NTNN  năm 1998. Ảnh: T.L

Lúc này, lương cán bộ, phóng viên (PV) thì trông chờ vào sự chu cấp của Nhà nước theo hệ số bậc ngạch như công chức, viên chức ở các ngành nghề khác, ngoài ra không có thêm khoản gì. Riêng PV thì được thêm nhuận bút, nhưng nhuận bút phải tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính, có nghĩa là rất “bèo” và theo kiểu “đo chữ tính tiền”. Đời sống của anh em trong cơ quan vô cùng khó khăn. Người giỏi không ai chịu về một tờ báo còn quá non trẻ, lại nghèo và chưa có tiếng tăm gì như NTNN.

Tôi là một giáo viên dạy văn, khả năng viết lách cũng không tồi, nhưng khi chuyển về Báo NTNN thì chẳng được làm PV, cũng chẳng làm biên tập viên mà chị Mai Nhung lại giao cho tôi làm nhân viên phát hành - một nhiệm vụ, nói thật là... cực khó và cực chán. Tuy nhiên, khi nghe chị Mai Nhung nói về tầm quan trọng của công tác phát hành- một trong các khâu then chốt để tờ báo phát triển, tôi đã vui vẻ nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ: Thôi thì cố gắng làm hết khả năng, còn được đến đâu không thể dám chắc.

img

Một lần, tôi lên công tác ở tỉnh Thái Nguyên (thực chất là đi bán báo), đến một cơ quan Nhà nước, liếc qua tờ giấy giới thiệu, ông giám đốc đã vội “phủ đầu”:

-Chị sang bên Sở Nông nghiệp mà làm việc chứ chúng tôi liên quan gì đến nông thôn?

Vừa buồn vừa ức, tôi liền “trả miếng”:

-Có đấy anh ạ! Cơm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc hàng ngày đều từ nông thôn, nông dân cả đấy!

Biết tôi “không phải dạng vừa”, ông giám đốc liền xoa dịu, mời tôi ngồi uống nước rồi trò truyện một cách cởi mở. Sau khi đã “hiểu nhau”, ông ta liền gọi phòng hành chính lên ký hợp đồng mua dài hạn cho mỗi phòng ban 1 tờ báo NTNN.

Phải nói rằng, đây là thời kỳ mà NTNN đang mò mẫm đi tìm lối ra. Nói về những khó khăn trong thời kỳ này thì kể cả ngày cũng không thể hết. Tôi nhớ nhất một lần, lúc ấy tôi đã được đề bạt Trưởng phòng Hành chính - Trị sự, Tết đến nơi rồi, nhà in thì giục trả tiền in, nhuận bút cũng đang nợ mấy số báo mà trong tài khoản của cơ quan thì chẳng còn đồng nào. Tôi vào báo cáo chị Mai Nhung, chị bảo ngay: “Em muốn làm thế nào thì làm nhưng dứt khoát không được nợ nhuận bút và anh em phải có chút quà tết”.

Tôi suy nghĩ lung lắm rồi quyết định về nhà rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình để cho cơ quan vay tạm. Và thế là, tết đó, gói quà tết của anh em trong cơ quan cũng có bánh chưng, rượu, mứt như ai.

Cởi trói

Nhiều lần họp cơ quan, chị Mai Nhung - khi đã được đề bạt Tổng Biên tập từng nói: Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào bao cấp của Nhà nước thì tờ báo không thể phát triển được. Chúng ta phải tìm cách “cởi trói”.

Chị Mai Nhung là người tích cực đi xin cho báo được “tự lo”. Tôi nhớ không nhầm thì cũng phải vài lần làm tờ trình... Và thật may, sau vài năm “kiên trì bám trụ”, NTNN cũng có được quyết định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho phép tự hạch toán từ năm 1998.

Có thể nói, chế độ bao cấp- cái thòng lọng trói buộc sự phát triển đã được cởi bỏ, thì NTNN như có một luồng gió mới. Một loạt các nhà báo có tên tuổi vì sức hút trẻ trung tươi mới của tờ báo mà đã về đầu quân cho NTNN. Nhà báo Lê Thọ Bình, Hoàng Hải Vân, Kim Trung, Lương Bích Ngọc... đã rời những tờ báo lớn nhất nhì cả nước, mức thu nhập khủng để về NTNN - một tờ báo mà họ tin là có ngày sẽ “nở mặt”.

  Chế độ nhuận bút đã được xây dựng lại một cách hợp lý. Chế độ cộng tác viên thân thiết cũng được thiết lập. Và nhất là, báo đã xây dựng được phong cách ứng xử thân thiện với cộng tác viên nên rất nhiều nhà văn, nhà báo có “số má” trong nghề viết đã coi NTNN như mái ấm của chính họ. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Trần Thị Trường, Vương Trí Nhàn, Ba Thợ Tiện... là những người như vậy.

Số lượng phát hành tăng, đương nhiên số lượng quảng cáo cũng tăng và do đó, lương thưởng, nhuận bút cũng khá dần. Thừa thắng xốc tới, từ chỗ xuất bản 2 kỳ/tuần, báo dần tăng lên 3,4,5,6 kỳ/tuần. Từ chỗ chỉ có duy nhất  tờ báo chính, NTNN đã có thêm các ấn phẩm Làng Cười, Nguyệt san, Dòng đời, Dân tộc và Miền núi... và Báo điện tử Dân Việt.