Dân Việt

John Paul Getty - Vị tỷ phú keo kiệt nhất nước Mỹ

PV 07/05/2019 18:32 GMT+7
Tuy là một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới nhưng ông trùm dầu mỏ John Paul Getty lại nổi tiếng là một trong những đại gia keo kiệt với người thân.

John Paul Getty từng thẳng thừng từ chối trả tiền chuộc để cứu mạng cháu trai mình sau vụ bắt cóc năm 1973. Để đáp trả, những kẻ tống tiền đã cắt một bên tai của nạn nhân và gửi cho người ông nội keo kiệt của cậu.

img

Chân dung tỷ phú dầu mỏ John Paul Getty.

Sự kiện này sau đó đã được dựng thành phim và series chiếu trên truyền hình. Mặc dù vậy, sự bủn xỉn của vị tỷ phú đã được biết đến rộng rãi từ trước khi xảy ra vụ bắt cóc. Getty yêu tiền hơn cả những người ruột thịt trong gia đình và điều đó đã dẫn đến tình trạng bệnh tật nghiêm trọng của con trai ông.

Câu chuyện về Timmy có lẽ là sự phản ánh chân thực nhất về lối sống không thể keo kiệt hơn của Getty. Timmy là con trai của Getty với người vợ thứ năm Teddy Getty Gaston (và cũng là người vợ cuối cùng) của Getty.

Trong hồi ký của mình, nữ ca sĩ người Mỹ đã tiết lộ về việc Getty từng phàn nàn khi phải thanh toán hóa đơn y tế của con trai. Ở thời điểm đó, Timmy bị mù do biến chứng của bệnh u não. Getty đã không đến thăm con trai trong suốt bốn năm trời cậu bé bị bệnh. Thậm chí, trong ngày Timmy được sinh ra và khi cậu bé qua đời năm 12 tuổi, người cha vô tâm này đều không có mặt. Điều duy nhất mà ông làm chỉ là gửi lời xin lỗi đến Teddy vì lý do bận bịu.

Teddy cho biết tuy bị cha đối xử tệ bạc nhưng Timmy rất yêu thương và thần tượng Getty. Cậu bé không coi Getty là một trong những người giàu nhất thế giới mà luôn coi ông là một người cha yêu dấu.

img

Bà Teddy và cậu con trai Timmy đáng thương.

Teddy từng viết thư năn nỉ chồng trở về thăm Timmy nhưng ông đã không đếm xỉa dù chỉ một lần. Vì không thể tha thứ cho chồng khi bỏ mặc con trai vật lộn với trọng bệnh, bà quyết định chia tay với Getty năm 1958.

Lúc đó, Getty đang thực hiện thỏa thuận quan trọng để bảo đảm quyền lợi về dầu mỏ ở Ả Rập Saudi và Kuwait và nếu thành công, ông sẽ trở thành tỷ phú đầu tiên của Mỹ.

img

Getty trong một bữa tiệc sang trọng.

Không chỉ không về nhà thăm con, Getty còn gợi lên hy vọng trong tâm trí của cậu bé đáng thương. Ông thường xuyên hứa đến thăm Timmy ở bệnh viện tại New York sau các cuộc phẫu thuật nhưng chưa bao giờ thực hiện lời hứa đó. Không những vậy, ông trùm dầu mỏ này còn nhẫn tâm đến nỗi phàn nàn về hóa đơn chữa bệnh với Teddy qua điện thoại trong khi Timmy đang phải chịu rất nhiều đau đớn ở phòng bên cạnh.

Cuối năm đó, Getty viết một bức thư gây phẫn nộ với nội dung: "Tôi hy vọng Timmy tránh xa các bác sĩ, ngoại trừ buổi đi khám 10 USD. Tôi không nghĩ bác sĩ có thể giúp ích cho tình trạng của thằng bé, trừ kiểm tra tổng quát và việc đó không nên vượt quá 25 USD".

Sau này, đến khi cháu trai 16 tuổi John Paul Getty III của ông trùm dầu mỏ bị bắt cóc, thế giới lại được dịp "trầm trồ" trước sự keo kiệt và vô tâm của ông. Thời điểm đó, cậu bé đang sống cùng cha mình, J. Paul Getty II ở Rome.

Cậu thanh niên biến mất ngày 10.7.1973 khi đang mua truyện tranh tại một quầy báo. Ba người đàn ông đánh ngất Getty III và bắt cóc cậu để tống tiền. Tuy nhiên, điều khiến tất cả đều sốc chính là ông nội của nạn nhân thẳng thừng từ chối khoản tiền 17 triệu USD mà những tên bắt cóc yêu cầu.

Getty cho biết: "Tôi có 14 đứa cháu khác và nếu bây giờ tôi trả một xu thì tôi sẽ có 14 đứa cháu bị bắt cóc". Theo ông, việc trả tiền chỉ càng khuyến khích hành vi bất hợp pháp này mà thôi. Quan điểm của tỷ phú đã dẫn đến hậu quả nặng nề cho Getty III.

img

John Paul Getty III.

Chàng trai trẻ đã phải chịu nhiều tháng tra tấn đau đớn và thậm chí là bị cắt một bên tai. Sau đó, những kẻ bắt cóc đã gửi lọn tóc đỏ và một bên tai của nạn nhân đến tờ báo địa phương kèm ghi chú: "Nếu trong 10 ngày, gia đình vẫn tin rằng đây là trò đùa thì bên tai kia sẽ tiếp tục được gửi đến. Hay nói cách khác, thằng bé sẽ được gửi từng phần đến cho các vị".

Thời điểm bấy giờ, tài sản của Getty ước tính khoảng 7,8 tỷ USD và ông chỉ đồng ý trả 3 triệu USD để chuộc cháu trai đích tôn. Thế nhưng, ông chỉ đưa 2,2 triệu USD vì đó là số tiền tối đa được khấu trừ thuế. 800.000 USD còn lại sẽ được xếp vào một khoản vay cho con trai ông với mức lãi suất 4% trong 5 năm.

Cuối cùng sau 5 tháng bị bắt cóc, Getty III đã được thả. Tuy nhiên, cuộc sống của anh rơi vào bi kịch khi anh mắc chứng thần kinh do lạm dụng rượu vào ma túy. Năm 2011, Getty III qua đời ở tuổi 54.

img

Getty III bị liệt tứ chi sau vụ bắt cóc.

Giờ đây, khi nhắc đến câu chuyện về vụ bắt cóc cháu trai của tài phiệt dầu mỏ gây chấn động năm nào, nhiều người vẫn bị ám ảnh về thái độ sắt đá đến nhẫn tâm của Getty.