Dân Việt

Chiến thắng Điện Biên Phủ và câu nói bất hủ của vị tướng thua trận

Lương Kết 07/05/2019 06:39 GMT+7
Sau trận Điện Biên Phủ, tướng De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi về Pháp đã phải điều trần trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp. Vị tướng thua trận này có câu nói bất hủ, phản ánh đúng bản chất cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

img

Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến trận Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu).

Theo tài liệu từ các nhà nghiên cứu, tướng De Castries (Đờ -ca-xtơ-ri) sau khi bị bắt ở Điện Biên Phủ đã được phía ta trả tự do về Pháp. Khi về nước vị tướng bại trận này đã thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Trao đổi với PV Dân Việt, Đại tá –PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự nói, chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung là chiến thắng của cả một dân tộc trước một đội quân.

“Điều mà người Pháp đã nhầm khi đánh giá lực lượng họ chỉ đo đếm quân chủ lực giữa hai bên mà không biết rằng trong cuộc chiến đấu này chúng ta đã huy động sức mạnh của cả dân tộc. Sau này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara từng nói: Mỹ thua vì không hiểu được chiều sâu văn hóa giữ nước của người Việt”, Đại tá –PGS,TS Trần Ngọc Long cho biết.

img

Quân ta tấn công chiếm cao điểm trong trận Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu).

Trong cuốn tự truyện “Thời điểm của những sự thật” của tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương 1953 -1954 (xuất bản năm 1979) có nêu những nguyên nhân chủ yếu khiến quân đội Pháp bại trận tại Việt Nam. Vị tướng này đã thấy rõ cuộc chiến tranh của phía Việt Nam là cuộc chiến tranh tổng hợp và tổng lực, được người dân tham gia một cách toàn diện, trong khi đối với nước Pháp, chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh nửa vời, không được dư luận quan tâm và ủng hộ.

Tướng Nava cho rằng, quân đội của Tướng Giáp được xây dựng theo “một hình chóp nón” mà đáy của nó bám rễ sâu trong nhân dân. Tầng dưới của tháp là dân quân du kích, đối thủ vô hình chiến đấu tại chỗ, nơi nào cũng có. Tầng giữa là bộ đội địa phương, trình độ chiến đấu và trang bị ngày càng cải thiện. Đỉnh tháp là bộ đội chính quy không bị giam chân giữ đất nên rất cơ động, là chủ bài đích thực của Việt Minh.

img

Tướng  De Castries và Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt sống (ảnh tư liệu).

Nói về sức mạnh tổng hợp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Trần Ngọc Long cho biết, bên cạnh lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ gồm bộ đội, dân công hỏa tuyến, lực lượng thanh niên xung phong…, chúng ta đã phát động hoạt động quân sự khắp các chiến trường trong cả nước. Điều này buộc tướng Nava phải dàn mỏng lực lượng của Pháp ra toàn Đông Dương để chống đỡ. Và chúng ta cần đòn quyết định tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi có hơn 16 nghìn quân tinh nhuệ của Pháp.

Trong chiến dịch này lực lượng dân công đã có những đóng góp rất to lớn, với hơn 261 nghìn dân công chủ yếu được huy động từ nhiều xã, huyện khác nhau trong các tỉnh ở Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4; tính trung bình mỗi dân công đã phục vụ 100 ngày công; nhiều gia đình cả nhà cùng tham gia phục vụ chiến dịch. Tính đến tháng 2.1954, số lượng thanh niên xung phong của các tỉnh miền Bắc đã tham gia chiến dịch lên đến hơn 10 nghìn đội viên, được biên chế thành 50 đại đội.

img

Phương tiện chiến tranh hiện đại của quân Pháp bị quân ta bắn cháy (ảnh tư liệu của TTXVN).

Theo Đại tá–PGS, TS Trần Ngọc Long, trong quá trình nghiên cứu chiến dịch Điện Biên Phủ ông rất ấn tượng về hai điều. Thứ nhất quyết định của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. ”Quyết định này thể hiện tầm vóc của nhà cầm quân. Nhưng cũng phải nói thêm, trước đó tại Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 6.12.1953 đã xác định phương châm đánh chắc, tiến chắc. Khi thấy tình hình cụ thể ngoài chiến trường không đảm bảo cho đánh nhanh, thắng nhanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định trở lại phương châm đã đề ra trước đây. Điều này đi ngược lại đề xuất của cán bộ tham mưu Việt Nam và cố vấn Trung Quốc. Thời điểm đó toàn bộ lực lượng của ta đã vào vị trí chiến đấu chỉ chờ giờ nổ súng”, Đại tá Long cho biết.

Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông cho biết, quyết định chuyển phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc (ngày 26.1.1954) là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông.

Điều ấn tượng nữa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo Đại tá Trần Ngọc Long là chúng ta đã biến được nhân tố chính trị, nghĩa là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sức mạnh vật chất góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu…quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này. Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”- trích từ cuốn Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước.