Tác phẩm sanh Nam Điền độc đáo dáng “hồn quê đất Việt” thuộc sở hữu của ông Đô Khắc Nô (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ông Nô cho biết, ông mua lại cây sanh này của một người ở Hà Tây cũ. Thời điểm đó cây có dáng trực.
Ông Nô cho biết, năm 2010, cây sanh của ông được lọt danh sách 100 tác phẩm tiêu biểu, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Tác phẩm cao khoảng 2,2m, chu vi bộ rễ trên 3m. Ông Nô chia sẻ, sau 10 năm tạo tác, đã có người trả 6 tỷ nhưng ông chưa bán.
Theo ông Nô, sở dĩ tác phẩm “hồn quê đất Việt” hiện có giá cao như vậy bởi 2 năm gần đây, mọi người lại ưa chuộng chơi dòng sanh Nam Điền. Những cây càng già càng có giá trị.
Tác phẩm này được ông Nô phối cảnh cây xanh ôm trọn cổng làng, cùng với giếng nước tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ mang đậm hồn quê Việt Nam.
Đây có thể được coi là một biến thể của cây dáng trực.
Tác phẩm mô phỏng bóng dáng của cây đa đầu làng (hình ảnh quen thuộc ở các làng quê phía Bắc), thường là già cỗi, trải qua bao nhiêu gió mưa vẫn trụ vững và xanh tốt, thể hiện sự gân guốc bền bỉ.
Cây có một thân chính duy nhất, có sự tách biệt giữa rễ và tay tán. Thân cây không cố định vào cổng làng, dùng rễ để ôm trọn thành vách.
Theo chủ nhân của tác phẩm, cây càng có vẻ đẹp tự nhiên càng quý. “Nếu để cây phát triển tự nhiên thì rất to, mình phải kìm hãm sự phát triển, cắt, giật thân cho lùn đi. Sau đó làm tay cành phù hợp với thân cây để tạo nên một tác phẩm hài hòa”, ông Nô nói.
Dáng vẻ tự nhiên của cây gợi sự yên bình cho người xem.
Hình ảnh làng quê xưa với dấu mòn thời gian được gói lại thành niềm cảm xúc mỗi khi ngắm nhìn tác phẩm cây sanh hồn quê Đất Việt này
Cây sanh to bao trùm hết một góc cổng làng quê yên ả, bên cạnh lại là giếng nước hiền hòa, thơ mộng tạo nét đẹp tao nhã của hình ảnh làng quê cũ với “cây đa, giếng nước, sân đình”
Do cây được trồng trong một bể lớn nên ông Nô trồng thêm 2 cây sanh nhỏ bên dưới, trồng một ít tạo thành hàng rào để cho bể bớt trống.
Đứng trước tác phẩm, nhiều người hoài niệm, thổn thức nhớ về hình ảnh quê hương.