Dân Việt

Liệu có thể luật hóa quy định "công chức không được nịnh bợ sếp"?

Thành An 10/05/2019 08:36 GMT+7
Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ cho hay: "Quy định công chức không được nịnh bợ sếp, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng có trong Đề án văn hóa công vụ không dễ gì luật hóa được, vì nội dung này mang tính chất hành vi.... Vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng".

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 9.5, báo chí quan tâm về đề án công vụ và hành vi thế nào là “nịnh bợ” cấp trên vì mục đích không trong sáng? Việc luật hóa quy định này được thực hiện ra sao?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ được giao làm đề án và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời nắm bắt tinh thần văn hóa công vụ một số nước.

Trong đề án đã đưa ra kế hoạch rất chặt chẽ, từ mục đích, yêu cầu, đến phân công nội dung cho các bộ, ngành. Qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, xem việc áp dụng văn hóa công vụ ở phạm vi nào, nội dung ra sao.

“Lúc đầu ý tưởng chỉ nằm trong khối nhà nước, nhưng bên Đảng nói cần nhân rộng ra, vì đạo đức công vụ là yêu cầu quyết định. Chúng ta đã có đề án văn hóa công sở, giờ có thêm văn hóa công vụ. Như vậy sẽ đánh giá hết sức toàn diện cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Sau khi thống nhất đã đề nghị áp dụng toàn diện trong hệ thống chính trị hiện nay”, ông Thừa nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định Bộ đang cân nhắc có nên "luật hóa" một số nội dung của Đề án Văn hóa Công vụ vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi. "Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến, thống nhất, sau đó trình các cấp có thẩm quyền xem xét"- ông Thừa nói. 

img

Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ cho hay: "Quy định công chức không được nịnh bợ sếp, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng có trong Đề án văn hóa công vụ không dễ gì luật hóa được, vì nội dung này mang tính chất hành vi. Thể chế hóa quy định về một hành vi để áp dụng thành luật thì khó có thể thực hiện được. Vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng".

Theo Bộ Nội vụ, vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về đề án Văn hóa công vụ.

Việc này nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ thời gian qua ở các bộ ngành, địa phương, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Quyết định nêu rõ: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện văn hóa công vụ, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm. Các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Việc thực hiện văn hóa công vụ sẽ được kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết theo quy định.

Bộ nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức và hoàn thành vào tháng 12.2019.

Hiện dự thảo sửa đổi 2 luật này vừa được UB Thường vụ QH cho ý kiến lần đầu, sẽ được trình lấy ý kiến QH tại kỳ họp QH vào cuối tháng 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào cuối năm.

Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi chưa đặt ra vấn đề có một điều khoản riêng về văn hóa công vụ.

Thực hiện "4 xin, 4 luôn"

Tháng 1.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án Văn hóa công vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. 

Theo đề án được phê duyệt, cán bộ, công chức, viên chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân....

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ...

Đặc biệt, đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

"Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng", đề án nêu rõ.