Chuyến đi định mệnh
Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lâu nay vốn nổi tiếng không chỉ có những ngư ông dạn dày biển cả, mà còn là nơi sinh ra những người “lính biển” dám cảm tử hy sinh khi Tổ quốc cần. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có hàng chục ngư phủ của làng tham gia trong những đoàn tàu không số vượt mưa bom, bão đạn vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam...
Bà Trương Thị Hà 26 năm đằng đẵng chờ chồng. |
Trong những chuyến biển làm nhiệm vụ đặc biệt, đã có một chuyến đi mà cả 10 ngư phủ của làng đã biệt vô âm tín cho đến tận bây giờ.
Ông Nguyễn Ngọc Kiêm - nguyên Chủ nhiệm HTX Vận tải Cảnh Dương kể: Năm 1973, theo yêu cầu nhiệm vụ của thời chiến, HTX Vận tải Cảnh Dương được thành lập với 10 chiếc thuyền và 120 xã viên. Mỗi chiếc thuyền có trọng tải khoảng 70 tấn, chuyên vận chuyển những mặt hàng thiết yếu phục vụ kháng chiến giải phóng miền Nam và công cuộc kiến thiết nước nhà sau ngày thống nhất.
Vào cuối tháng 5.1985, Ban chủ nhiệm HTX Vận tải Cảnh Dương nhận được kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải Bình Trị Thiên yêu cầu HTX điều động thuyền vào tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi) vận chuyển muối ra Đồng Hới để chi viện cho nước bạn Lào đang gặp khó khăn. Sau khi bàn bạc thống nhất các phương án và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, Ban chủ nhiệm HTX quyết định điều động thuyền VTB-04 do ông Dương Văn Lặc làm thuyền trưởng cùng với 9 thuyền viên lên đường.
Bốc xếp muối vào khoang, thuyền VTB-04 lại dong buồm theo hải trình cũ trở về. Nhưng thuyền ra đến địa phận Quảng Trị thì gặp gió bão và mất liên lạc. Nhận được tin dữ, Ban chủ nhiệm HTX Vận tải Cảnh Dương đã huy động lực lượng, đồng thời báo cáo UBND xã, huyện và Sở Giao thông - Vận tải Bình Trị Thiên để tổ chức lực lượng cứu hộ, nhưng bất thành. Sau đó, Đồn Biên phòng Quảng Trị xác định thuyền VTB-04 đã bị chìm ở độ sâu 18m tại vùng biển phía đông Cửa Việt. Có 10 thủy thủ trên tàu, nhưng không tìm được thi thể của ai...
Ông Nguyễn Ngọc Kiêm kể với phóng viên vụ việc tàu VTB - 04. |
Những “hòn vọng phu” ở làng biển
Hơn 26 năm sau ngày chồng, con mất tích, 10 người phụ nữ ở Cảnh Dương vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau và không ngừng ngóng đợi. Ở làng biển, nguồn sống của mỗi gia đình đều trông chờ vào người đàn ông bám biển. Thế nên, khó mà kể hết những khó khăn mà 10 phụ nữ này đã gánh chịu khi chồng con của họ không trở về. Sau khi 10 thuyền viên mất tích, HTX Vận tải Cảnh Dương đã cam kết hỗ trợ nuôi con của họ đến năm 17 tuổi. Thế nhưng đến năm 1988, HTX phải giải thể và dự định tốt đẹp đó cũng đành dang dở.
Có một điều hiếm thấy, đã 26 năm sau khi chồng mất tích nhưng tất cả 9 người vợ (1 thuyền viên chưa vợ) của các thuyền viên không một ai đi bước nữa. Họ vẫn ngóng chồng, nuôi con.
Ngày thuyền viên Trần Đình Hiệp mất tích, bà Trương Thị Hà (vợ ông Hiệp) mới sinh con chưa đầy 2 tháng. Nghe tin chồng mất tích, bà Hà sốc quá ốm lên ốm xuống, đứa con nhỏ thì mắc dịch sốt bại liệt để lại di chứng suốt đời.
Tròn 26 năm, vượt qua những khó khăn mà nhiều lúc muốn buông xuôi, bà Hà vẫn ở vậy ngóng chồng về và lo nuôi con. Đến giờ cháu Trần Minh Tuấn - đứa con tật nguyền của bà đã trở thành một kỹ thuật viên tin học làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, là niềm an ủi lớn nhất của đời bà.
Những người vợ của các thuyền viên tàu VTB -04 khác như bà Ư, bà Cơ, bà Liên, bà Dung... hoàn cảnh ai cũng hết sức khó khăn, đều một mình buôn thúng bán mẹt ở chợ làng nuôi 3 - 4 đứa con thơ dại.
Thủy thủ chưa vợ duy nhất trên chuyến tàu VTB -04 là anh Hồ Văn Hiên. Anh Hiên đang ấp ủ dự định sau chuyến đi ấy sẽ thưa với mẹ cha xin phép dạm ngõ nhà gái để cưới vợ, thế mà điều đó mãi mãi không thành. Sau cái chuyến đi định mệnh đó, ngày ngày mệ Phạm Thị Đang (mẹ anh Hiên) vẫn ra bờ biển ngóng tin con, nhưng đáp lại chỉ là những con sóng ào ạt xô bờ như chất chứa thêm nỗi nhớ người con biền biệt. Đến khi sức khỏe đã yếu, mệ Đang đã cắn răng ra tòa án huyện yêu cầu tuyên bố đứa con trai mình đã chết. Rồi mệ cũng đã không đợi được nữa mà về với cõi vĩnh hằng khi tin tức của người con trai vẫn biệt vô âm tín...
Ước nguyện cuối cùng
Ngày tàu VTB-04 gặp nạn ngoài khơi xa, những người mẹ, người vợ của các thuyền viên xấu số vẫn không ngừng tất tả ngược xuôi tìm kiếm. Dẫu có ở xa tận Đà Nẵng hay Phan Thiết, hễ nghe chỗ nào có thông tin là họ đều gom góp tiền bạc tìm vào ngay...
Có gia đình còn đi xem bói, thầy bói nói rằng, người thân của họ còn sống và điều đó đã thắp lên trong tâm thức của những người vợ, người mẹ tia hy vọng vào một sự thần kỳ nào đó... Nhưng 10 năm, rồi 20 năm, đến giờ người thân của họ vẫn biệt vô âm tín.
Có một điều băn khoăn, những thuyền viên tàu VTB -04 ngày ấy đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa được công nhận một danh hiệu hay được hưởng một chế độ gì.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Võ Tiến Lợi - nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Quảng Bình cho rằng: Ngày đó tàu VTB -04 được điều vào Nghĩa Bình để vận chuyển muối là theo kế hoạch của Sở Giao thông – Vận tải Bình Trị Thiên để chi viện cho nước bạn Lào đang gặp khó khăn và họ đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ; đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo chế độ, tạo điều kiện giúp các gia đình thuyền viên giảm bớt khó khăn. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân chỉ có một ước nguyện cuối cùng là các cơ quan chức năng xem xét công nhận người thân của họ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
“Chúng tôi không đòi hỏi đền bù gì. Chúng tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, công nhận người thân chúng tôi đã hy sinh trong lúc làm nhiệm, cho người thân chúng tôi một danh phận” – bà Trương Thị Hà nói.
Phan Phương