Ổ dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước là của một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú). Ông Trần Đức Nhân, chủ của đàn lợn có thói quen gom thức ăn dư thừa từ các quán ăn trong vùng làm thực phẩm cho heo, sau đó ông phát hiện đàn lợn bị bệnh từ ngày 6/5 và sau đó ngày 8/5, đã có 4/7 con heo lăn ra chết.
Ông Nhân lập tức báo cho cơ quan chức năng, sau đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước) đã xuống lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước tiến hành tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng lợn có dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Giáp.
Ngay sau đó, đàn lợn được tiêu hủy theo đúng quy trình, ngành chức năng và địa phương cũng tiến hành tổ chức tiêu độc khử trùng nhằm khống chế không để bệnh lây lan.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 251 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng huyện Đồng Phú có trên 71.000 con heo, trong đó phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại.
Trước đó, vào tháng 3/2019, Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kịch bản ứng phó nhanh với dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tổ chức tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc.
Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp địa phương và xây dựng 3 trạm kiểm dịch tại huyện Đồng Phú, Chơn Thành và Bù Đăng. Ngoài ra, tùy theo tình hình của địa phương sẽ thành lập các chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát đầu vào, ra của sản phẩm lợn.
Có thể thấy, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó, sự thiếu ý thức của người dân (sử dụng thức ăn dư thừa, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn bệnh ra ngoài môi trường...) là nguyên nhân khiến dịch lây lan khó kiểm soát; ngành chức năng, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Tính đến ngày 18/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.152 xã của 131 huyện, 24 tỉnh, thành phố với 396.946 con lợn bị nhiễm bệnh.