Dân Việt

Vụ án thi cử nổi tiếng nhất sử Việt: "Quan gian lận" thoát chết gang tấc

PV 12/05/2019 15:40 GMT+7
Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, để hạn chế đến mức thấp nhất các gian lận, triều đình đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, người vi phạm có thể bị xử tử.

Năm 1841, trong kỳ thi Hương tại Thừa Thiên, Cao Bá Quát trong vai trò là Sơ khảo (người chấm bài vòng đầu) tìm cách sửa một số bài thi. Sự việc bại lộ, ông cùng các đồng sự đều phải chịu tội nặng trước triều đình.

Luật thi vô cùng nghiêm ngặt

img

Chân dung Cao Bá Quát (1809-1855)

Theo quy định, sau khi các bài thi được giao cho Đề tuyển rọc phách rồi đưa lại vào nội trường. Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các Sơ khảo (người chấm thi vòng đầu tiên) chấm trước tiên bằng son ta, song đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng mầu hồng đơn.

Những người chấm thi phải đề rõ họ tên, chức tước, số điểm rồi ký tên lên mặt quyển.

Khi nội trường chấm xong sẽ chuyển qua cho Đề tuyển để đưa ra ngoại trường. Lúc đó, các Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài được nội trường lấy đỗ. Phân khảo đọc những quyển bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo.

Ngoại trường chấm bằng son tầu màu đỏ tươi. Khi chấm xong, xếp đặt cao thấp rồi mới gửi cho Đề tuyển kháp phách, lập danh sách những người trúng cử, đem đi công bố.

img

Một cảnh chấm thi thời phong kiến (nguồn internet)

Gian lận năm 1841 và phán xét của triều đình Huế

Năm 1841, dưới thời trị vì của vua Thiệu Trị, trong kỳ thi Hương diễn ra tại Thừa Thiên diễn ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Có hai viên Sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ trong quá trình chấm thi đã lấy muội đèn (bụi xung quanh đèn có màu đen) làm mực chữa bài thi cho học trò gồm 24 quyển, giúp được 5 sĩ tử đỗ.

Thêm vào đó, trong trường thi năm đó có Trương Đăng Trinh là cháu của đại thần Trương Đăng Quế vì một quyển văn kỳ bị hỏng, có thể bị đánh trượt, tuy nhiên, giám khảo Nguyễn Văn Siêu đọc cho là văn tốt đã nói với Ngoại trường liệt vào hạng lấy đỗ. Mọi việc tưởng chừng chỉ dừng lại ở đó, chỉ có các quan bí mật chữa bài và... quỷ thần mới biết.

img

Lều chõng đi thi thời phong kiến (nguồn internet)

Tuy nhiên, khi triều đình công bố kết quả, trong giới sĩ phu và học trò bấy giờ đều bàn luận sôi nổi, nhiều nghi vấn gian lận được đưa ra. Triều đình nhận được tin báo đã giao cho bộ Lễ và Viện Đô sát điều tra làm rõ.

Cuối cùng, Cao Bá Quát khai nhận do "sính bút làm càn", chứ không có ai dặn dò hay gửi gắm gì. Trong khi đó, có một số ý kiến khác lại cho rằng, Cao Bá Quát đã chữa các bài thi phạm húy để giúp các sĩ tử có tài đỗ đạt ra làm quan giúp nước.

Sau khi nhận tội, theo kết quả xử của triều đình Huế, Cao Bá Quát và Phan Nhạ đều phải chịu tội xử tử, Trần Văn Siêu phạt đánh trượng, chủ khảo, giám khảo người bị cách chức, người bị giáng.

Tuy nhiên, nhà vua đã xem xét lại vấn đề và miễn tội tử hình cho những người vi phạm. May mắn cho Cao Bá Quát, Phan Nhạ và Trần Văn Siêu là có lẽ vua Thiệu Trị nhìn ra động cơ không vụ lợi từ cách sửa bài "ngược đời" của họ - không sửa tốt lên mà sửa... kém đi. 

Vua phán rằng: "Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng.

Song ta nghĩ: Bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu (bị giam lỏng trong ngục chờ ngày xử tội)".

Về sau, Cao Bá Quát được tha và đi theo một phái đoàn công cán nước ngoài để lấy công chuộc tội.

Tiếp đó, nhà vua sai Thị lang Bộ Hình Ngô Văn Địch, Chưởng ấn Cấp sự trung Lê Chân cho gọi của 5 người được sửa bài thi đến họp ở Viện Tả đãi lậu, ra đủ đề bài ở cả ba kỳ để thi lại. Khi bài làm của 5 người được dâng lên, văn đều khá, đáng lấy đỗ được cả, lại thưởng, trả lại cho vào hạng cử nhân.

Còn quyển văn của Trương Đăng Trinh tuy có sự quan ngại, nhưng văn khá thông, cũng được để vào hạng lấy đỗ.

Duy có cử nhân thứ 20 là Phan Văn Trị vì bài phú trùng vần, bị đánh hỏng, còn những người đã đỗ thì gia ân để nguyên không đánh hỏng nữa.