Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh quochoi.vn).
Theo Chương trình dự kiến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20.5, bế mạc ngày 14.6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật…
Khi thảo luận tại phiên họp thứ 34, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7. Theo quy định, chương trình kỳ họp sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại phiên trù bị (trước khi khai mạc) mới trở thành chương trình chính thức.
Theo chương trình dự kiến, ngày 29.5, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Ngày 10.5, nội dung nêu trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98; nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn gia nhập Công ước số 98, không bảo lưu nội dung nào của Công ước.
Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
Các nội dung chính của Công ước bao gồm bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động, bảo vệ tổ chức của người lao động khi không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98, người lao động sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông quan thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả. Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do thương lượng tập thể thực chất, tăng năng suất lao động, hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội...