Dân Việt

Vì sao Lý Tiểu Long bị Hội Tam Hoàng truy sát, buộc phải trốn sang Mỹ?

DV 11/05/2019 19:32 GMT+7
Có giả thiết cho rằng, do có dính líu hội Tam Hoàng mà Lý Tiểu Long bị cảnh sát Hong Kong điều tra. Lo lắng cho con, bố mẹ anh đưa anh sang Mỹ.

Hollywood với Lý Tiểu Long như là định mệnh, là nơi vẫy gọi anh đến chứ không phải nơi anh bon chen, giành giật để có được vị trí. Năm 18 tuổi, Lý rời nhà để sang Mỹ, trong túi chỉ có 115 USD bố mẹ đưa cho. Nguyên nhân việc Lý đến Mỹ chưa bao giờ được anh tiết lộ.

Có giả thiết cho rằng, do có dính líu hội Tam Hoàng mà Lý Tiểu Long bị cảnh sát Hong Kong điều tra. Lo lắng cho con, bố mẹ anh đưa anh sang Mỹ.

img

Vì gây thù oán với Hội Tam Hoàng nên Lý Tiểu Long phải trốn sang Mỹ?

Giả thiết khác lại nói, Lý bị hội Tam Hoàng đưa ra lệnh truy nã vì đánh trọng thương con trai của một lãnh đạo hội. Thầy giáo chủ nhiệm của Lý tại trường trung học Francis Xavier là người đưa ra giả thiết này. 

Ông kể với báo chí: “Một hôm, người của hội Tam Hoàng tới tìm tôi và hỏi về Lý Tiểu Long. Tôi biết có chuyện nên nói khéo rằng tôi không biết nhà cậu ấy, tôi chỉ quản lý cậu ấy trong lớp và Lý là học sinh đặc biệt giỏi triết học, lịch sử”.

Tối đó, vài người bạn thân của Lý nói cậu ta đánh trọng thương con trai một thành viên cốt cán của hội Tam Hoàng và hội này đang lùng sục Lý khắp Hong Kong. Nguyên nhân sự việc là kẻ kia thường cậy thế hội Tam Hoàng để bắt nạt, trấn tiền học sinh trường Francis Xavier. Không may cho hắn khi Lý biết chuyện và một mình tìm tới thách đấu. Cuộc đấu giữa đệ tử đắc ý của Vịnh Xuân quyền đệ nhất nhân Diệp Vấn với tên “hung thần” có mười năm luyện Thiếu Lâm Nam quyền diễn ra chóng vánh.

Lý mất ba phút để đánh gục hắn, và sau đó không thương tiếc dùng đoản côn nện bọn đàn em một trận ra trò. Cũng nhờ sự can thiệp của Diệp Vấn sau đó mà Lý chưa bị hội Tam Hoàng gây khó dễ khi lên tàu sang Mỹ.

Giả thiết khác còn ly kỳ và đậm màu kiếm hiệp hơn khi cho rằng Lý và con trai của thành viên hội Tam Hoàng tranh nhau... người yêu. Cả hai quyết đấu và phần thắng thuộc về Lý, anh bị hội Tam Hoàng truy đuổi tới mức phải cải trang để trốn sang Mỹ. Người con gái kia sau này bị ép lấy kẻ chiến bại trước Lý, và mãi sau này Lý vẫn đau lòng vì chuyện đó.

Nhưng dù giả thiết nào, cũng đều cho rằng Lý có dính líu hội Tam Hoàng. Có thể đó là lý do khiến anh không bao giờ nhắc lại chuyện này, dù với vợ con hay với báo giới.

Lập nghiệp trên đất Mỹ

Những trang nhật ký được bà Linda Lee - vợ Lý - tiết lộ với báo giới cho biết, khi ngồi trên tàu sang Mỹ, Lý viết rằng anh sẽ thành đạt và nổi tiếng trên đất Mỹ. Điều sau này trở thành sự thực.

img

Lý Tiểu Long gây dựng sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy tại Mỹ.

Lý mua vé trong khoang hạng bét trên tàu, nhưng anh nhanh chóng kiếm được chỗ trong khoang hạng nhất nhờ khả năng nhảy Cha cha cha điêu luyện. Những buổi nhảy và dạy nhảy khiến anh kiếm được không ít tiền.

Anh viết trong nhật ký: “Tôi sẽ học giỏi tiếng Anh, sẽ học triết học ở một trường đại học của Mỹ. Tôi tin rằng mình cũng sẽ nổi tiếng nhờ khả năng diễn xuất và võ thuật”.

Đến Mỹ, anh làm bồi bàn cho một nhà hàng tại Seattle, Washington, sống trong một căn phòng nhỏ hẹp trên gác mái nhà hàng. Tiền dành dụm được trong thời gian đó được Lý dùng đóng học phí cho trường Trung học Công nghệ Edison.

Thời gian này anh bắt đầu dạy võ trong sân sau nhà hàng và ở công viên thành phố. Hai năm sau, nhờ sự chăm chỉ và nghị lực hơn người, Lý có thể nói tiếng Anh không khác gì người Mỹ và đủ khả năng học đại học cùng sinh viên bản xứ.

Tháng 3.1961, lúc 21 tuổi, Lý vào học khoa Triết học của Đại học Washington. Cũng vào khoảng thời gian này anh mở lớp dạy Vịnh Xuân quyền cho sinh viên của trường. Tại đây, Lý quen và đem lòng yêu Linda - môn sinh người Mỹ gốc Thụy Điển.

Trận đấu lịch sử

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ chuyển đến thành phố Oakland, bang California. Lý mở lớp dạy võ tại khu phố Trung Quốc với tên là Chấn Phiên võ quán,  nhận dạy cả học sinh Trung Quốc lẫn người da trắng. Điều này phạm cấm kỵ của những võ sư Trung Quốc thời đó: không dạy võ Trung Quốc cho người da trắng, chỉ dạy người Trung Quốc.

img

Cho đến nay, cái chết của Lý Tiểu Long vẫn là ẩn số.

Những võ sư này liên tục đánh tiếng yêu cầu Lý thay đổi cách nhận môn sinh nếu “muốn được yên ổn”. Nhưng Lý chỉ cười nói: võ thuật không phân biệt quốc tịch, màu da.

Ít lâu sau, Hoàng Trạch Dân - một võ sư tại khu phố Trung Quốc - gửi thư thách đấu. Họ thỏa thuận nếu Lý thua anh sẽ phải hoặc là đóng cửa võ quán của mình hoặc ngưng dạy những người da trắng, còn nếu Hoàng thua anh ta sẽ phải ngừng dạy võ.

Hoàng dẫn theo đám môn đệ tới, đưa thư và nói mình đại diện cho “võ thuật chính tông Trung Hoa tại Mỹ”. Hoàng nói, cuộc đấu này chỉ “điểm tới là dừng, không sát thương, không dùng đòn hiểm” vì không muốn làm Lý tổn thương.

Lý Tiểu Long lập tức nổi giận và nói: “Các người đại diện cho một thứ khuôn mẫu phù phiếm tới đây ép buộc tôi. Được. Tôi đấu. Trận đấu này không hạn chế gì hết, nó sẽ dừng khi một kẻ phải gục ngã”.

Mười phút sau trận đấu, Lý dồn ép đối thủ tới mức Hoàng chỉ biết ôm đầu chịu trận. Hoàng bỏ chạy nhưng bị Lý tóm lại và gục ngã trên võ đài. Hơn mười đệ tử của Hoàng lao tới đánh hội đồng, bị Lý dùng Vịnh Xuân quyền đánh cho không bò dậy nổi.

Thắng trận, nhưng Lý Tiểu Long băn khoăn sao trận đấu diễn ra lâu như vậy. Lý bắt đầu suy nghĩ về bản thân, anh cảm thấy rất mệt sau trận đấu và có cảm giác mình có thể làm nhanh hơn thế. Lý cũng nghĩ về khả năng thể lực chưa hoàn thiện của mình.

Trận đấu kinh điển đầu tiên trên đất Mỹ chính là cơ sở sau này cho môn võ Triệt quyền đạo (Jeet Kune Do), "Nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn tấn công của đối phương". Ở Việt Nam, nếu gọi đúng thì đây là Tiệt quyền đạo, nhưng theo nhiều võ sư môn phái này, chữ Triệt nghe hay hơn nên người ta gọi là Triệt quyền đạo. 

Khi dạy võ sinh châu Âu, Lý bảo họ đây là kungfu - nghệ thuật chiến đấu của người Trung Quốc. Từ này xuất hiện lần đầu trong Mãnh long quá giang và được đưa vào từ điển nhiều nước châu Âu với nghĩa là võ thuật phương Đông.

Môn võ này bao gồm đòn thế của nhiều môn phái như quyền Anh phương Tây, quyền Thái, Karate Nhật Bản, Taekwondo Hàn Quốc, võ Trung Hoa - Hồng Gia Quyền, Vịnh Xuân quyền trong đó đặc biệt nhấn mạnh các kỹ thuật của Vịnh Xuân quyền.