Dân Việt

Thủ tướng Việt Nam và Nepal nhất trí xem xét mở cửa thị trường nông sản

Đức Tuân 11/05/2019 16:30 GMT+7
Sáng 10.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli có cuộc hội đàm, nhất trí xem xét các đề xuất mở cửa thị trường cho nông sản mỗi nước, nhất là gạo, tiêu, điều, cao su và trái cây nhiệt đới, đồng thời thúc đẩy trao đổi thông tin, mở rộng hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, trao đổi chuyên gia nông nghiệp.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nepal Sharma Oli hội đàm. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Sharma Oli có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của một Lãnh đạo cấp cao Nepal tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết  lập quan hệ ngoại giao năm 1975, nhấn mạnh đây là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Sharma Oli bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam, điểm đến đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức tháng 2.2018, đồng thời bày tỏ sự khâm phục, đánh giá cao đối với những thành tựu to lớn về  kinh tế, xã hội và đối ngoại mà Việt Nam đã đạt được; mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Nepal.

Hai bên chia sẻ tầm nhìn chung về làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Nepal trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nepal Sharma Oli đều hài lòng về kết quả chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nepal, nhất  là việc hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, gồm Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giữa Chính phủ hai nước; Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao; Ý định thư về đàm phán và ký kết hiệp định khung về hợp tác thương mại và đầu tư giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung cấp Nepal.

Hai Thủ tướng nhất trí đánh giá, đây là những văn kiện tạo nền tảng để hai bên tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương trong giai đoạn mới.

img

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, đảng chính trị, cơ quan lập pháp, địa phương và giao lưu nhân dân, đồng thời nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy nhằm mở rộng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nepal trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal vừa tổ chức ngày 10/5 với sự tham gia trực tiếp của Thủ tướng Nepal. Hai bên nhất trí đánh giá, quan hệ kinh tế - thương mại song phương còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mỗi nước, giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác mới, thiết thực về kinh tế, thương mại và đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp khảo sát thị trường của nhau, triển khai các hoạt động kết nối, giao thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nepal hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, hạ tầng và viễn thông. Thủ tướng Nepal đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Nepal tham gia thị trường Việt Nam.

Hai bên đánh giá, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, trên cơ sở đó nhất trí xem xét các đề xuất mở cửa thị trường cho nông sản mỗi nước, nhất là gạo, tiêu, điều, cao su và trái cây nhiệt đới, đồng thời thúc đẩy trao đổi thông tin, mở rộng hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, trao đổi chuyên gia nông nghiệp.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, giao lưu nhân dân, thúc đẩy du lịch đến Lâm-tì-ni và dãy E-vơ-rét của Nepal cũng như các thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Phía Việt Nam nhất trí thúc đẩy thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Nepal tại Hà Nội trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng khác như khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, kết nối hàng không và trên một số lĩnh vực như an ninh, hậu cần và phòng chống thảm họa thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Chính phủ Nepal tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ công dân Việt Nam sinh sống, làm việc nhằm đóng góp vào nền kinh tế Nepal và làm cầu nối cho quan hệ hai nước.

Hai bên cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Nepal đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.