Chiều 11.5, GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội có buổi làm việc với nhiều nhà đầu tư, sáng lập các trường ngoài công lập. Cụ thể, buổi làm việc đã giải tỏa những bức xúc của các nhà đầu tư, sáng lập các trường ngoài công lập về các điều cụ thể của Dự thảo Luật Giáo dục trình Quốc hội lần đầu vào tháng 5.2018.
Giải tỏa bức xúc của Nhà đầu tư
Trước đó, các nhà đầu tư đã bày tỏ nhiều băn khoăn về những điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật Giáo dục mới tại hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục" diễn ra ngày 8.5. Trong đó đáng lưu ý là ý kiến của thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie - Hà Nội) về Khoản 3, Điều 56 và Điều 100. Theo ông Khang, Dự thảo Luật Giáo dục mới đã gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư.
Cụ thể, Khoản 3, Điều 56 yêu cầu các trường tư thục thành lập Hội đồng trường bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp.
Theo đó, thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu; thành viên ngoài trường là đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.
Theo các nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường, tuy nhiên điều 100 của dự thảo cho thấy “quyền sở hữu trường tư thục thuộc thuộc về pháp nhân nhà trường”. Như vậy, việc chưa làm rõ "pháp nhân nhà trường" là ai vô hình chung đã "tước quyền" của các nhà đầu tư.
Bức xúc trước sự không rõ ràng này, Hiệu trưởng trường THCS và TSHT Marie Curie đã phải thốt lên "Nếu dự thảo được Quốc hội thông qua, tôi sẽ buộc phải bán trường Marie Curie...".
Theo TS toán học Lê Thống Nhất, người đã dự buổi tọa đàm ngày 11.5 với vai trò khách mời, thực tế Dự thảo Luật Giáo dục mới đang mở ra những cơ chế rất có lợi cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, những sai sót trong cách hành văn trong Dự thảo Luật của Ban soạn thảo đã khiến cho các nhà đầu tư hiểu nhầm, lo lắng.
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình tập trung lắng nghe các phát biểu. (Ảnh: TS. Lê Thống Nhất).
Cụ thể, Ban soạn thảo đã ghi nhận sai sót trong Dự thảo Luật tại Khoản 3, Điều 56 đã dẫn đến sự hiểu nhầm của các nhà đầu tư.
Để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, GS Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh, tại Khoản 2c, điều 49 có ghi rõ nhà đầu tư có quyền: Bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên bầu của hội đồng trường. Như vậy, các nhà đầu tư vẫn có toàn quyền quyết định về nhân sự của hội đồng trường được quy định trong Khoản 3, điều 56.
Ngoài ra, trong điều 49 còn ghi rõ: "Quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan". Bởi vậy, quyền lợi hay sở hữu của Nhà đầu tư đã được bảo vệ từ các luật khác, chứ không chỉ ở Luật Giáo dục.
Dự thảo mới sẽ thúc đẩy xã hội hóa giáo dục
Theo chia sẻ của TS. Lê Thống Nhất, các nhà đầu tư sau buổi tọa đàm đã hoàn toàn "thỏa mãn" để từ biệt khái niệm "Hội đồng Quản trị" như trong Luật Giáo dục hiện hành quy định.
"Lâu nay, thường người sáng lập trường sẽ là người điều hành trường luôn, thế nhưng với Dự thảo Luật Giáo dục mới, việc xã hội hóa giáo dục càng được đẩy mạnh hơn nữa. Cụ thể, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sáng lập trường, và thuê một đội ngũ điều hành các hoạt động giáo dục trong trường. Như vậy sẽ có hai tư cách pháp nhân là nhà đầu tư và hội đồng điều hành các hoạt động trường. Dĩ nhiên, nếu nhà đầu tư nếu muốn vẫn được phép tự tổ chức, điều hành hoạt động giáo dục.
TS Lê Thống Nhất.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Giáo dục mới sẽ mở ra thêm một giải pháp cho các cá nhân, tổ chức có khả năng đầu tư cho giáo dục nhưng thiếu kinh nghiệm, kết hợp với đội ngũ có kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục nhưng không đủ khả năng kinh tế. Xu thế hiện nay trên thế giới là như vậy, Dự thảo mới có thể thúc đẩy khả năng đầu tư của các cá nhân nước ngoài vào giáo dục ngoài công lập tại Việt Nam" - TS. Lê Thống Nhất nhận định.