Đại Lễ Vesak (lễ Tam hợp kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999. Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước. Vesak 2019 đã chính thức khai mạc sáng nay (12.5) tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Như vậy, Việt Nam đã ba lần đăng cai Vesak vào các năm 2008, 2014 và 2019.
Trong thông điệp gửi đại lễ Vesak 2019, đại đức hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ của Phật giáo Việt Nam - nhấn mạnh sự kiện Đại lễ Vesak này là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững.
Tới dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại lão hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại lão hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Vesak 2019 tại Việt Nam; Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc... Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tới dự.
Vui mừng khi tham dự lễ khai mạc Vesak 2019 cùng lãnh đạo Phật giáo, nguyên thủ các nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Vesak là thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp Quốc vì thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát huy những giá trị tích cực của đạo Phật cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, dù các dân tộc, quốc gia có sự khác nhau về ngôn ngữ, truyền thống. Vesak là dịp để mỗi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy, cùng nhau tìm ra giải pháp, kiến tạo thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. "Chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, suy ngẫm về chân lý hoà bình, tinh thần khoan dung, lòng từ bi, phát huy chân lý đó vào cuộc sống, giải quyết xung đột, để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khai mạc Vesak.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Vesak 2019 đọc diễn văn nhắc lại, cách đây 26 thế kỷ, tại Lâm Tỳ Ni thuộc Ấn Độ cổ đại (nay là Nepal), Đức Phật ra đời. Đức Phật mang theo thông điệp đề cao trí tuệ, sự hiểu biết và lòng từ bi, hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, xã hội vì hoà bình, không chiến tranh, hận thù. "Ngài đã đưa ra con đường trung đạo và sự kết hợp giữa từ bi với trí tuệ là giải pháp hữu hiệu để cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia trên thế giới", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu và nhấn mạnh, chân lý đó ngay nay vẫn là kim chỉ nam mang lại ý nghĩa cho cuộc đời hàng triệu người trên thế giới.
Ông nêu, thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình. Để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu nhằm đảm bảo bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, nền kinh tế, văn hóa, tầng lớp xã hội, quốc gia lãnh thổ, cân bằng môi trường, hệ sinh thái. "Thông qua cuộc đời của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc thực sự của mỗi người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn. Xét trên bình diện quốc gia, thay vì đuổi theo tăng trưởng vô độ, không giới hạn hãy tăng trưởng sự giàu có tâm linh, an lạc, hạnh phúc và tôn trọng, bảo vệ môi trường", hoà thượng Thích Thiện Nhơn nói và kêu gọi Phật giáo thế giới đoàn kết, dấn thân hạnh động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại hiện nay - tờ VnExpress dẫn lời.
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc phát biểu bày tỏ biết ơn tới chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Vesak 2019. Qua hai lần Việt Nam đăng cai trước đó, ông đều thấy rất ấn tượng. Hòa thượng Phra Brahmapundit cho rằng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề của Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới. "Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây để nêu những vấn đề quan ngại và ý kiến theo quan niệm Phật giáo để mang lại hoà bình, phát triển cho thế giới", ông nói.
Các đại biểu tại hội trường diễn ra khai mạc đại lễ Phật đản Vesak 2019.
Đại lễ Vesak 2019 có hơn 20.000 đại biểu tham dự. Trong đó, hơn 1.600 đại biểu Phật giáo đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phát biểu khép lại lễ khai mạc Vesak 2019 lúc 11h, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột, đói nghèo, biến đổi khí hậu thì việc phát huy tư tưởng của Đức Phật sẽ nhân lên các giá trị tốt đẹp: Vì một thế giới hoà bình, hợp tác, tiến bộ. Ông kỳ vọng, Vesak là cơ hội để mọi người hiểu được giá trị của Phật giáo; hành động hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, bền vững.
Theo Ban tổ chức, có hơn 7.000 tăng ni trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia các đội hình tình nguyện phục vụ đại lễ Vesak 2019 ở các vị trí khác nhau như lễ tân, hướng dẫn đoàn, đón tiếp, hậu cần, ẩm thực, đêm hoa đăng…