Ở các điểm lễ hội hay đền chùa có tiếng linh thiêng như Yên Tử, chùa Hương, khách hành hương đổ về đông như kiến. Người ta chen chúc, đạp lên nhau để được sờ tay vào chùa Đồng, để được thắp nhang cầu nguyện trước thánh thần, đức Phật.
Cả một đám đông lên đồng tập thể, van vái, miệng lâm râm, mắt lim dim cùng cầu khấn cho tài lộc, sức khỏe, thăng quan tiến chức. Người ta như đang cố tranh nhau để xin vì sợ thánh thần cho kẻ khác mất. Người ta cũng cố làm mâm lễ đầy hơn người khác để mong thánh thần ban phúc lộc cho mình nhiều hơn.
Trong đám đông khấn vái như mê như muội đó, không thiếu quan chức, người có học thức, có địa vị xã hội. Đúng ra, họ phải là những người gương mẫu, phê phán thói mê tín trong xã hội hay ít ra là không tham gia vào các hình thức khấn vái cuồng tín. Nhưng hầu như tất cả, đã cùng biến lễ hội thành một cuộc cầu khấn tập thể với những hành vi thể hiện niềm tin rất không bình thường.
Ở các địa điểm lễ hội, không ít kẻ lợi dụng khách hành hương để khai thác kinh doanh, buôn thần bán thánh. Mùa lễ hội còn là mùa làm ăn phát đạt của những người kinh doanh dịch vụ, xe cộ, thuyền bè, ăn uống, bán hàng mã, bán đồ lễ cúng… Người ta “chặt chém” nhau không thương tiếc, sống chết mặc bay, miễn sao kiếm tiền cho đầy túi.
Ngoài mê tín còn có nhiều hành vi vô văn hóa như xả rác bừa bãi, không mấy ai có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nơi tôn nghiêm. Sau một mùa lễ hội, Yên Tử, Hương Tích là một núi rác, Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như các đền miếu khác mấy hôm nay là những kho rác, những bãi rác. Dân trí như vậy thì làm sao lên được những đỉnh cao văn minh của nhân loại.
Các nhà khoa học xã hội cần nghiên cứu, phân tích để có sự giải mã về hiện tượng con người ngày càng tỏ ra bất an và cuồng tín. Tại sao càng ngày càng có đông người đạp nhau lên đền chùa, đình miếu để cầu xin thần thánh như vậy? Họ đã quá mất niềm tin vào con người trần thế và các giá trị trong cuộc sống hay sao?
Chân Tâm