Dân Việt

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều nơi chống dịch tả lợn chưa nghiêm

Minh Huệ (thực hiện) 13/05/2019 09:00 GMT+7
Ngay sau chuyến kiểm tra tình hình thực tế tại tỉnh Bắc Giang, tận mắt thấy hình ảnh những con lợn chết nổi lềnh phềnh ở một con kênh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.

Được biết Thứ trưởng vừa có chuyến đi kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Giang, vậy ông có thể cho biết tình hình tại địa phương đó hiện nay ra sao?

- Trưa nay (ngày 12/5) chúng tôi vừa kiểm tra 1 điểm ở huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), nhận thấy nhiều xác lợn trôi trên kênh mương bốc mùi hôi thối. Hỏi người dân thì bà con cho biết, xác lợn chết này trôi từ địa phận huyện Phú Bình (Thái Nguyên) xuống. Ngay lập tức chúng tôi đã có ý kiến chỉ đạo ngay, lợn chết xảy ra ở địa bàn nào, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Lãnh đạo huyện Phú Bình, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phải ngồi lại với nhau bàn cách xử lý, phải huy động thêm lực lượng, thậm chí phải huy động công an vào cuộc điều tra, xử lý những trường hợp vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường như vậy.

img

Lợn chết đầy sân tại một hộ chăn nuôi ở Việt Yên (Bắc Giang), nhưng không được đưa đi tiêu hủy. Ảnh:  NNVN

Như ông nói dường như các địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, để tình trạng xác lợn chết trôi nổi ngoài môi trường như thế thì làm sao công tác phòng chống dịch có hiệu quả?

- Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, rồi lãnh đạo Bộ NNPTNT, lãnh đạo Cục Thú y, lãnh đạo nhiều địa phương thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo liên tục, có tỉnh thi hành chỉ đạo tốt, song vẫn có nhiều tỉnh không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trước pháp luật, trước Thủ tướng là chưa nghiêm, để xảy ra việc chôn lợn chết, tiêu huỷ lợn bệnh ở một số địa phương chưa đúng quy trình.

Sau khi báo đài, người dân phản ánh, ngày mai (13.5) Bộ NNPTNT phải tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố để xem xét lại toàn bộ thực trạng công tác phòng chống dịch, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để từ đó có hướng giải quyết hiệu quả hơn ở giai đoạn tiếp theo.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tỉnh nào để xảy ra dịch thì người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Vậy tinh thần đó hiện nay được thực hiện ra sao?

- Như tôi đã nói ở trên, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch phải như chống giặc, nhưng đến bây giờ, qua kiểm tra một số tỉnh làm rất tốt, nhưng một số nơi như Bắc Giang, Thái Nguyên hay Hải Phòng cũng phải vớt gần 400 con lợn chết trôi trên kênh mương. Hay như ở Nam Định, để lợn chết mấy ngày trong nhà dân mới kiểm tra đem đi chôn. Trong khi đặc thù của bệnh này không có thuốc chữa, virus tồn tại lâu trong môi trường và khó tiêu diệt, nhiệt độ 70 độ C trong 20 phút mới chết.

Đường lây truyền dịch bệnh này vô cùng phức tạp, qua phương tiện vận chuyển, qua vật chủ trung gian, chim chóc, rồi chuột, ve mềm… trong khi mật độ chăn nuôi của chúng ta rất cao, lợn chết vứt bừa ra môi trường không kiểm soát được. Nguồn dịch bệnh trôi nổi khắp nơi thế này thì việc chống dịch không thể hiệu quả.

Ông đánh giá tình hình dịch bệnh đã đến mức báo động “đỏ” chưa?

- Tính đến thời điểm này, dịch bệnh đã xảy ra trên 29 tỉnh, thành, số lợn chết đã tiêu huỷ chỉ chiếm khoảng 4% tổng đàn, nhưng nếu không nhìn nhận lại vấn đề, không siết chặt lại công tác chống dịch quyết liệt hơn nữa, nghiêm chỉnh hơn nữa thì dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan phức tạp, làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!