Dân Việt

Truyện dự thi: Ông ngoại

Trần Thanh Cảnh 14/05/2019 09:07 GMT+7
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập".

Tôi rất hay sang quê ngoại. Cứ buổi chiều không phải đến trường hay không phải trông em là tôi lại nhót đi. Đường từ nhà tôi sang nhà ông ngoại qua một quãng đê ngắn. Nếu đi nhanh, chắc chỉ hết mươi phút. Thế nhưng, có hôm tôi đi từ lúc ăn cơm trưa xong cho đến tối sập vẫn chưa tới nhà ông. Đến nỗi cả ông bà ngoại, các cậu và bố mẹ tôi phải chạy đi tìm hớt hơ hớt hải, tán loạn thần hồn.

Tôi không nhớ rõ ông ngoại mình thọ bao nhiêu tuổi.

Khi tôi độ bảy, tám tuổi gì đó, biết một mình đi bộ từ làng Ngọc quê nội sang làng Mai quê ngoại thì ông tôi đã già lắm. Tôi rất hay sang quê ngoại. Cứ buổi chiều không phải đến trường hay không phải trông em là tôi lại nhót đi.

Đường từ nhà tôi sang nhà ông ngoại qua một quãng đê ngắn. Nếu đi nhanh, chắc chỉ hết mươi phút. Thế nhưng, có hôm tôi đi từ lúc ăn cơm trưa xong cho đến tối sập vẫn chưa tới nhà ông. Đến nỗi cả ông bà ngoại, các cậu và bố mẹ tôi phải chạy đi tìm hớt hơ hớt hải, tán loạn thần hồn. Vì con nói lên ông ngoại lát về, rồi cả buổi không thấy đâu. Lên nhà ngoại thì ông bà bảo có thấy nó đến lúc nào đâu. Hay nó sa chân xuống bờ sông thùng vũng nào rồi...

Đã mấy lần tôi bị bố nọc ra thềm nhà, đét cho mấy roi quắn đít, nhưng tôi vẫn không chừa. Là vì con đê liền với cánh bãi sông ấy, đối với tôi, như là cả một thế giới mê hoặc. Được lang thang nhòm ngó mọi xó xỉnh nơi ấy là một cái khoái thú hấp dẫn không cưỡng nổi với một thằng bé mấy tuổi là tôi lúc đó...

Cái triền đê quê tôi rất hay. Mùa đông, cỏ cây đang buồn thảm héo hon, sang xuân có vài hạt mưa xuống, chỉ qua một đêm, bỗng lá cỏ xanh non mọc lên tua tủa. Rất nhiều loại cỏ. Cỏ gừng lá to, xanh thẫm mọc sát đất thành búi. Cỏ mật mọc lan man xen kẽ tỏa ra mùi thơm nức ngọt ngào. Ngọt thơm đến mức tôi đã nhiều lần phải nhấm thử xem có ngọt như mật không? Thỉnh thoảng, nhô lên bụi cỏ gianh lá sắc nhọn, bọn trâu bò chả thèm lai vãng đến, nên cao vỏng.

Tôi chỉ khoái đám cỏ chân gà, bởi tôi mê cái môn chọi cỏ gà với lũ bạn cùng lớp. Tôi tha thẩn lần mò trên triền đê, xuống tận bờ bãi bới tìm những cái cỏ chân gà, có đầu ngọn trông như đầu con gà trống và cái cổ gà mập mạp khỏe mạnh nối vào, hứa hẹn chiến dai. Tôi nhổ cả đám luồn vào lưng áo mang về, len lén giấu bố mẹ cho vào trong cặp sách để mai ra trường sẽ đấu cùng bọn bạn.

Tôi còn hay lang thang xuống mãi phía bãi sông, khi ấy rất rậm rạp. Cơ man là những bờ bụi cây cối to nhỏ dây leo quấn quýt vào nhau. Nơi ấy, có nhiều tổ của chim chích, chim sáo, chích chòe làm ở trên cao, dẽ giun, cuốc lủi phía dưới. Những khóm mía de ngòn ngọt, những cây vú bò quả chát xít, quả dây lạc tiên khi chín vàng rộm, ngọt thơm... đều là những thứ quyến rũ tôi ghê gớm. Nhiều hôm, tôi ra tận bờ sông, sát mép nước bẻ những bông lau trắng đang phất phơ trong gió. Tôi tưởng tượng mình giống như ông hoàng Đinh Bộ Lĩnh thời thơ trẻ trong tập truyện tranh tôi vừa đọc ké của bạn sáng nay trên lớp, bẻ cờ lau thu quân đánh trận...

img

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú

*         *

Tôi thích lên ông ngoại vì được ngồi uống rượuvới ông.

Bà ngoại tôi bảo, mày ngồi đấy mà tiếp chuyện ông! Bởi vì ông tôi có tật, uống rượu là phải có người ngồi bên nói chuyện. Không nói gì thì nghe ông nói! Các cậu của tôi hồi ấy đã lớn, đi xa hết nên nhà chỉ còn mỗi bà. Mà bà thì tham công tiếc việc, lúc nào lên nhà tôi cũng thấy bà đang làm một việc gì đấy, bắt bà ngồi nghe chuyện rượu của ông là cả một cực hình.

Ông ngoại tôi rất đẹp. Cao lớn, da trắng hồng, mũi cao, mắt to. Hồi tôi biết, thì tóc ông đã bạc trắng. Ông đẹp trai nổi tiếng cả vùng, thế nên bà ngoại tôi mới chiều ông thế chăng? Mãi về sau này khi đã lớn, thỉnh thoảng đi đâu đó gặp mấy bà già cùng quê mà kể là cháu ông, thì bà nào mắt cũng vẫn sáng lên hấp háy, rằng ông cháu ngày xưa đẹp lắm!

Ông tôi chỉ ở nhà làm vườn, không đi cày ruộng. Là vì nhà ông ngoại tôi ở bên bãi sông Đuống, có cái vườn rất rộng. Mỗi năm nước sông lên lại ngập mất mấy tháng thành ra chả trồng cấy được gì nên hợp tác xã họ không quản. Ông tôi xẻ rãnh, vật đất phù sa lên cao trồng cây lâu niên và chuối. Phù sa đất mát, nên cây cối tốt tươi, nhiều hoa quả. Lâu lâu lại thấy có người ngoài phố vào mua buôn ra chợ bán lẻ.

Bà tôi cũng không làm ruộng, bà đi bán hàng xén ở các chợ quanh vùng. Bà đi từ sáng sớm tinh mơ đến quá trưa mới về nhà. Buổi chiều, bà đi cất hàng hay sửa soạn gì đấy. Thế nhưng, cứ đến khoảng năm giờ chiều là bà dọn cho ông một mâm rượu ra góc sân, chỗ có mấy cây hoa sói mà ông tôi trồng từ hồi nào nay đã thành những bụi to, nở hoa thơm ngát. Bà trải một chiếc chiếu cói. Bê một cái mâm bằng gỗ sơn son đã cũ ra. Trên mâm có một be rượu bằng sứ, một đĩa lạc rang, vài quả ổi, khế, sấu, sung... gì đó, mùa nào thức ấy hái ở vườn nhà. Và một bát muối ớt.

Cứ thế, ông tôi ngồi nhâm nhi rượu bằng cái chén hạt mít từ chiều cho đến lúc tối nhọ mặt người, là lúc bà tôi nấu cơm xong. Be rượu cũng vừa hết, đến lúc cả nhà cùng ăn cơm. Tôi ngồi trên chiếu rượu cạnh ông để... ăn lạc rang! Những hạt lạc nho nhỏ xinh xinh được bà tôi rang rất khéo, vẫn còn nguyên màu gan gà của lớp vỏ lụa nhưng ăn vào giòn tan, béo bùi ngọt thỉu, thơm nức. Ông ngồi uống rượu, thỉnh thoảng mới nhón một hạt, còn tôi ăn là chính. Ông đưa cay bằng ổi, sung... có hôm chỉ là mấy cái dái mít chấm muối. Ông trầm ngâm uống. Đến độ chén thứ hai là ông bắt đầu nói, kể. Ông kể đủ thứ chuyện trên giời dưới bể.

Tôi ngồi chăm chú ăn lạc và nghe. Tuy chả hiểu mấy. Cơ mà cũng có lúc tôi nghe chuyện lạ lùng quá, mắt tròn xoe, mồm há hốc ra nhìn ông quên cả nhón lạc. Ví như chuyện làm sao làng Mai lại đi kết nghĩa với làng Mão mãi phía bên kia chân núi Thiên Thai. Là vì gái làng Mai xinh nức tiếng trong vùng. Xinh đến nỗi đức ông chùa làng Mão lên chơi hội, nhìn thấy nhất quyết không về chùa làng mình nữa. Thành ra chùa làng Mão cứ tan hoang cả ra. Cực chẳng đã, các cụ làng Mão phải làm cái lễ lên chùa Mai xin kết nghĩa lấy chỗ đi lại thăm nom. Thế là đức ông chùa làng Mão mới chịu về làng.

Tôi lấy làm lạ lùng. Bởi tôi cũng hay theo bà ra chùa, đã được bà chỉ cho biết đức ông ở chùa là một ngài tượng thần mặt đỏ râu dài cắp thanh long đao ngự trên ngai cạnh ban thờ. Bà bảo đức ông ở chùa là để canh giữ cho kẻ xấu khỏi đến quấy nhiễu phá phách nhà chùa. Tôi hỏi ông: “Ông ơi, thế tượng thần cũng đi được như người sao?”. Ông quay sang xoa xoa đầu tôi bảo: “Các ngài không đi như cháu. Các ngài thăng!”. “Thăng là gì hả ông?”. “Thăng là gì thì hôm nào ra hỏi ông Mùi Mun và sư cô Diệu Huế ngoài chùa làng!”. Bà tôi ngồi trong nhà mắng át ra: “Ông cứ nói linh tinh làm hư con trẻ!”. Ông tôi cười khà khà chẳng nói gì, rót rượu trong be ra nhắm tiếp.

Bố tôi chạy lên gọi: “Ông ơi, ông có muốn ăn gì để con mua?”. Ông tôi mở mắt ra nhìn rồi bảo: “Để bố nghỉ. Bố nằm đợi các em con sắp về cả đấy”. Thế rồi, ông nhắm mắt và không bao giờ mở ra nữa. Bà tôi bảo, các cậu mày về đón ông đi rồi...

*         *

Ông Mùi Mun là bạn thân duy nhất của ông ngoại.

Thời trẻ, hai ông cùng đăng lính sang Tây mấy năm. Rồi cùng về nước. Ông Mùi Mun làm lính cận vệ của quốc trưởng Bảo Đại, trong nhà vẫn còn treo bức ảnh ông ấy cầm kiếm đứng cạnh ông vua cuối cùng của nước ta. Rất oai phong. Còn ông tôi thì làm lính lái xe môtô dẫn đường. Năm 1954, Pháp rút khỏi miền Bắc, không hiểu mấy ông Việt Minh trong vùng nói năng sao đó mà cả hai ông đều không bỏ đi Nam như vô khối người khác. Ông Mùi Mun lái cái xe ôtô Jeep vẫn chở quốc trưởng đi công cán về nộp cho Việt Minh. Chắc vì thành tích đó, nên ông được cho về đi cày, không phải đi cải tạo. Và dịp đấu tố cải cách ruộng đất chỉ bị thu ruộng chứ người không sao. Rồi ông thành thợ cày. Ông cày rất giỏi, vì ông khỏe. Ông nói, đến ôtô tao còn bẻ đầu nhoay nhoáy thì vắt, diệc con trâu là cái quái gì? Ông Mùi Mun to cao, đen bóng như khúc gỗ mun. Thế nên, người làng mới gọi là Mùi Mun từ bé. Trái hẳn lại với ông ngoại tôi, cũng to cao nhưng da trắng hồng. Mỗi khi uống xong be rượu là cả người đỏ rực như tôm luộc, ấy là lời của bà tôi nói thế.

Sư cô Diệu Huế trẻ và xinh.

Giờ nhớ lại thì tôi đồ rằng, năm ấy sư cô chỉ khoảng ngoài hai mươi tuổi. Người thon thả, da trắng bóc. Môi thắm, má hồng, mắt ướt. Đến trẻ con như tôi hồi ấy mà còn thấy sư cô đẹp. Sư cô quanh năm ăn mặc nâu sồng mà người cứ nõn ra. Mà sao người thế lại đi tu nhỉ? Tôi đã từng xem sư cô dẫn đầu đoàn các bà vãi đi quanh quan tài niệm kinh Phật trong đám ma người làng. Sư cô cầm cái mõ nhỏ vừa đi vừa gõ cốc cốc cốc... miệng đọc kinh, nhưng mắt liếc như dao cau suốt lượt cánh đàn ông trong đám. Mắt sư cô liếc đến đâu,là đàn ông chỗ đó điếng người đờ đẫn. Còn đám đàn bà trong làng thì sôi sục muốn phát điên phát rồ. Nhưng rồi cũng chả ai dám làm gì, ho he gì. Vì sư cô là người nhà Phật, ở trong chùa có đức ông rất thiêng hộ vệ. Lại có cả phép thuật đấy, hãi lắm.

Không cứ làng Mai hay làng Ngọc mà đàn ông cả vùng đều mê sư cô Diệu Huế. Mê nhất là mấy ông cán bộ. Mấy ông này hay lấy cớ tuyên truyền chống mê tín dị đoan để ra chùa làng Mai ám cả buổi. Tối đêm cũng chả buồn về. Thế nhưng, sư cô lại chả bắt vè ông nào, ấy cũng là lời bà tôi. Mà sư cô lại mê mẩn ông Mùi Mun mới chết chứ! Nên thành ra mấy ông cán bộ lại có vẻ ghét ông Mùi Mun. Có hôm tôi nghe thấy ông tôi bảo: “Ông cẩn thận đi lại cái chỗ chùa chiền đấy. Bọn nó không ưa sẵn lại vu oan giá họa cho thì khốn!”. Cơ mà khổ cho ông Mùi Mun, sư cô Huế ngày càng mê ông ra mặt kia. Mặc kệ ông Mùi Mun có vợ rồi, sư cô hay nhắn người bảo ông Mùi Mun ra chùa, lúc thì cày hộ thửa ruộng, lúc thì đóng lại cái phản long đanh, lúc thì làm gỉ làm gì có giời mới biết! Vì mỗi khi ông Mùi Mun ra chùa là sư cô đóng cổng. Đóng chặt. Dân làng Mai bảo, sư cô chỉ muốn giữ rịt nên ông Mùi Mun toàn “thăng” qua tường chùa phía ngoài cánh đồng để đi vòng, coi như là đi cày về!

*         *

Ông Mùi Mun là thợ cày số một của hợp tác xã.

Mỗi buổi đi làm, ông phải cày được số ruộng gấp ba người thường. Thế nên, số công điểm hợp tác xã tính cho cũng nhiều hơn hẳn những thợ cày khác. Và đây cũng là một nguồn cơn gây nên tai họa. Chả là cùng đội thợ cày với ông có tay Chung Hít. Tay này còn trẻ, thanh niên chưa vợ, nhưng có tật thấy cái gì cũng đưa lên mũi hít hít... Hắn là con duy nhất của nhà liệt sĩ chống Pháp nên không phải đi bộ đội. Hắn hay đi làm cùng với ông Mùi Mun, nhưng chả bao giờ cày nổi số ruộng bằng nửa của ông. Hắn hơi cay cú, ra sức quát trâu giật thừng vắt diệc ầm ĩ.

Một hôm, đang giữa ruộng cày, hắn buồn đái. Không muốn lên bờ mất việc, hắn bèn họ trâu lại, đứng giữa ruộng, vạch chim. Chẳng may hôm ấy con trâu kéo cày là trâu cái tơ vừa đến lứa, hoa mọng như cái quạt nan. Tay trai trẻ nghịch ngợm vạch chim đứng đằng sau phóng nước đái vọt cả vào đít con trâu. Con trâu cái tơ thấy nóng bèn ngỏng đầu lên rống ẹ ẹ ẹ... Rồi vùng kéo cả cái cày chạy băng băng đi tìm trâu đực. Chung Hít không kịp cả kéo quần lên bị con trâu kéo theo, “chim cò” tồng ngồng. May lúc đó đồng vắng người, chứ không thì buồn cười chết. Con trâu cái chạy sang thửa ruộng ông Mùi Mun đang cày với con trâu đực thì dừng lại sán vào. Ông nhìn thấy cảnh ấy buồn cười quá, hỏi Chung Hít: “Mày làm quái gì nó đấy?”. “Làm cái đếch gì! Nó tớn lên chạy đi tìm đực chứ ai làm gì!”

Chuyện chỉ có thế. Thế mà trong làng đồn ầm lên là Chung Hít cấn quá, “tĩn” luôn cả trâu làm Chung Hít đếch lấy được vợ. Đến hỏi con gái nhà nào nó cũng sợ, chê. Mặc dù hồi ấy chiến tranh ác liệt, bói ra một thằng con trai khỏe mạnh lành lặn như Chung Hít là hơi khó. Bọn đàn bà con gái trong làng còn nói vụng với nhau là, có ngứa thì ra cọ gốc tre chứ không cho thằng “tĩn” trâu mó. Chung Hít cay lắm, hắn đổ cho là ông Mùi Mun đi đưa chuyện trong làng, bởi hôm đó chỉ có ông cày gần đó. Hắn biết đâu rằng, xung quanh cánh đồng còn bao bà đi cấy, khối cô bắt cua quanh đấy không nhìn thấy rõ, nhưng nghe tiếng ông Mùi Mun cười nên suy diễn. Hắn âm thầm thù ông Mùi Mun.

Nhưng mà sau vụ ấy Chung Hít không đi cày nữa, hắn chuyển sang đội dân quân trực chiến ngoài cánh đồng rìa làng. Lúc bấy giờ máy bay Mỹ ra bắn phá ngoài Bắc rát lắm. Việc này có vẻ hợp hắn hơn. Nghe nói hắn bắn giỏi, đi thi bắn súng trường K44 trên huyện trúng ba viên hồng tâm, ba mươi điểm, được gắn hoa hồng vào ngực áo, rất vẻ vang.

Đội dân quân trực chiến của làng tôi đào hầm, đắp công sự ở ngay giữa cánh đồng. Nói là để phục kích máy bay Mỹ bay vào thả bom Hà Nội và bảo vệ bà con xã viên ra đồng cày cấy. Đội trực chiến cả ngày lẫn đêm. Trong đội có cả nữ dân quân nhưng không cô nào muốn ngồi cùng hầm với Chung Hít. Cái chuyện thực hư hắn “tĩn” trâu cứ âm thầm loang trong làng khiến cho đến mấy bà nạ dòng, mấy cô vợ liệt sĩ cũng lảng hắn. Chung Hít càng cấn cá tợn. Và hắn càng cay ông Mùi Mun. Mấy ông cán bộ ra tổ trực chiến thăm hỏi động viên và nói riêng với Chung Hít, phải chú ý theo dõi cả các đối tượng tình nghi của thực dân đế quốc cài cắm lại, nghe chưa? Chung Hít vâng dạ, rồi rê mũi súng K44 dài ngoằng ngắm vào cái bóng ông Mùi Mun đang cày gần đó.

*         *

Một buổi gần trưa, máy bay Mỹ bay cả đàn vào bỏ bom Hà Nội. Lúc bay ra bị máy bay Mig của ta bay lên từ sân bay Đa Phúc chặn đánh. Thế là hai bên quần nhau dữ dội ngay trên bầu trời cánh đồng làng tôi. Bọn trẻ ranh chúng tôi hôm ấy đội mũ rơm đi học về, nhảy hết xuống hố cá nhân ven sườn đê núp, nhưng vẫn ngóc đầu lên xem máy bay ta quần nhau với máy bay Mỹ, như trong phim màu chiến đấu của Liên Xô...

Dưới cánh đồng, mấy bà thợ cấy, mấy ông thợ cày nằm rạp nép hết cả vào bờ ruộng. Bọn dân quân trực chiến của Chung Hít nằm trong công sự rê mũi súng K44 lên trời nhưng chả biết nhắm vào đâu. Bởi chả biết đâu là máy bay ta hay máy bay địch. Hai bên cứ xoắn xuýt nhào lộn đuổi nhau, phóng tên lửa vèo vèo, khói trắng xóa. Có một chiếc đen sì lao bổ chửng xuống gần mặt đất tưởng cắm xuống ruộng ngay, thế mà rồi lại ngóc lên được. Tiếng động cơ gầm đinh tai rợn óc. Con trâu đực vẫn đi cày với ông Mùi Mun phát hoảng lồng lên bỏ chạy. Ông Mùi Mun đang nấp bên bờ ruộng vội vùng ra định túm thừng ghìm con trâu lại. Cơ mà con trâu càng phá dữ. Chung Hít ngồi trong công sự quát to: “Quay lại bờ ruộng ngay! Nó nhìn thấy nó ném cho quả bom chết cả làng giờ! Quay lại ngay!” Nhưng ông Mùi Mun tiếc con trâu cày giỏi cố chạy theo để bắt. Trong công sự Chung Hít hạ nòng khẩu K44 nhắm ông Mùi Mun bóp cò. Đoàng. Chỉ một phát. Tiếng nổ cô đơn của phát súng hầu như chìm lỉm đi trong tiếng gầm rú của trận không chiến đang lúc ác liệt. Thế nhưng viên đạn cô đơn kia đã xé tan lồng ngực ông Mùi Mun. Ông đổ gục ngay xuống đám ruộng đang cày dở.

Tối hôm ấy họp dân quân chính đảng trong làng, các ông cán bộ lên loa thông báo, Mùi Mun là tên gián điệp do thực dân đế quốc cài lại. Trưa nay nó định đánh tín hiệu cho máy bay Mỹ triệt phá làng ta, đồng chí Chung đội trưởng dân quân trực chiến đã nâng cao cảnh giác, tiêu diệt ngay!

Sau vụ ấy thì Chung Hít đổi đời. Thành điển hình tiên tiến chiến sĩ thi đua. Đi nói chuyện báo cáo thành tích khắp nơi. Rồi Chung Hít gặp một cô chiến sĩ bèo hoa dâu mới 17 tuổi ở xã bên, cũng được đi báo cáo thi đua vì thành tích nuôi bèo hoa dâu giỏi. Thế là Chung Hít tán tỉnh làm cho cô bé này mê tít và theo về làng làm vợ...

Nhưng sư cô Diệu Huế thì bỏ chùa đi mất. Đi ngay sau hôm chôn cất ông Mùi Mun. Đi biệt tăm tích. Chùa làng Mai không có sư từ đận ấy. Hàng ngày, các bà vãi làng thay nhau lên chùa quét dọn thắp hương cúng Phật. Chiều đến vẫn thỉnh chuông. Chùa vẫn thiêng như xưa.

*         *

Hồi còn sống, ông Mùi Mun vẫn hay sang nhà ông tôi uống rượu.

Có hôm ông ấy cắp theo chai rượu. Có hôm cầm một đùm thức ăn gì đó. Cũng có hôm chẳng có gì. Thế nhưng, hôm nào có ông ấy sang ngồi cùng là hai ông ngồi lâu lắm. Đến tận đêm khuya cũng chả đi ngủ. Hai ông cứ khề khà nhấm nháp và nói chuyện. Cũng toàn chuyện mà tôi nghe chả hiểu gì mấy. Hai ông hết nói chuyện Tây đầm, quốc trưởng, Pa tê bít tết, rượu vang cô nhắc, Pari Mạc-xây... Rồi lại chuyện sư Huế chùa Mai. Tôi thì ngủ lăn quay bên cạnh từ lâu. Bà tôi ngồi nấu nướng trong bếp nghe lỏm câu được câu mất rồi bảo, các ông ăn nói cho cẩn thận không người ta tưởng phản động lại gô cổ vào thì chỉ khổ vợ con! Ông Mùi Mun có vợ nhưng không có con. Bà ấy ốm yếu quanh năm, xanh rớt mùng tơi chả mấy khi ra khỏi nhà.

Ông Mùi Mun chết, hàng chiều bà tôi vẫn dọn mâm rượu. Vẫn để thêm một cái chén.

Hàng ngày, tôi vẫn đi bộ qua quãng đê quen thuộc để lên ngồi cạnh ông.

Dân làng Ngọc, dân làng Mai xì xầm đồn rằng, nếu ba cậu tôi mà không xung phong đi bộ đội vào Nam đánh Mỹ thì họ gô cổ ông tôi rồi. Họ còn bảo, ông tôi cùng với ông Mùi Mun là phản động gián điệp. Tôi nghe được, chạy về hỏi bố: “Bố ơi sao ông mình lại là phản động được?”. Bố tôi xoa đầu bảo: “Đừng nghe người ta nói nhảm!”.

Nhưng ba cậu tôi mãi không có tin tức gì về nhà. Ông tôi cứ ngồi suốt từ chiều tới đêm mà chả hết nửa be rượu. Ông không uống rượu làm tôi cũng chả còn hào hứng ăn lạc rang nữa. Rồi một hôm thấy đông người đến nhà ông tôi. Thì ra họ báo tử. Cả ba cậu tôi đã hy sinh trong chiến trường không bao giờ về nữa.

Sau đận ấy thì ông tôi quỵ hẳn. Nằm liệt giường không dậy. Bố tôi chạy lên gọi: “Ông ơi, ông có muốn ăn gì để con mua?”. Ông tôi mở mắt ra nhìn rồi bảo: “Để bố nghỉ. Bố nằm đợi các em con sắp về cả đấy”. Thế rồi, ông nhắm mắt và không bao giờ mở ra nữa. Bà tôi bảo, các cậu mày về đón ông đi rồi...

Mấy năm sau bà tôi cũng mất.

Tôi lớn lên và đi ra khỏi làng. Có đến mấy chục năm tôi không còn đi trên quãng đê từ làng Ngọc quê nội sang làng Mai quê ngoại nữa. Là bởi bên ngoại còn mỗi mẹ tôi nên ban thờ ông bà ngoại tôi và các cậu đều ở nhà tôi cả. Mảnh vườn của ông tôi đã sang tay chủ khác từ lâu. Năm nay ngày giỗ ông, về làng, không hiểu sao tôi lại muốn đi bộ trên quãng đê mà thuở xưa thơ bé đã đi không biết bao nhiêu lần. Chiều muộn, tôi lên đê thong thả đi sang làng Mai. Quãng đê bờ bãi vẫn xanh rì cây cỏ đang đâm chồi nảy lộc. Tiết trời đang xuân, mưa bụi bay mơ hồ trong không khí. Mát dịu. Tôi nhẩn nha đi. Đến đầu làng Mai trời vừa xẩm tối, một hồi chuông chùa bỗng ngân lên thánh thót trong thinh không tĩnh lặng, boong boong boong... 

Truyện dự thi: Ông ngoại - Ảnh 1.