Dân Việt

Tội phạm ấu dâm vào Việt Nam: Vì sao không cấm nhập cảnh?

Bảo Yến 14/05/2019 14:10 GMT+7
Sự việc Christopher Trinnaman – tội phạm ấu dâm nước Anh vừa ra tù sang Việt Nam biểu diễn khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại. Nhiều người đã lên tiếng khi trên mạng xã hội xuất hiện các hình ảnh Trinnaman gần gũi với các em bé Việt Nam.

Christopher Trinnaman, người từng phải ngồi tù ở Anh vì dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục, đã tới Việt Nam làm nhạc công trong một dàn nhạc giao hưởng. Hình ảnh của tội phạm ấu dâm gần gũi với trẻ em Việt Nam được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến cho các nạn nhân của Christopher Trinnaman bày tỏ sự quan ngại. 

img

Christopher Trinnaman, tội phạm ấu dâm tại Anh, chụp ảnh cùng một bé gái. Ảnh: Facebook.

Trước đó, Christopher Trinnaman đã từng dụ dỗ các trẻ em quan hệ hình dục.

Năm 2009, Christopher Trinnaman đã bỏ trốn trước khi ra tòa. Điều này buộc Cảnh sát Anh đã tổ chức cuộc truy lùng.

Cảnh sát đã tìm được 28 bức ảnh chụp trẻ em trong các tư thế nhạy cảm.

Đến năm 2010, tội phạm ấu dâm này lãnh án 4 năm tù giam nhưng phải đến 1 năm sau đó cảnh sát Anh mới bắt được. Trinnaman ra tù vào năm 2015 và từ đó chuyển đến Việt Nam.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc xuất nhập cảnh của Việt Nam đối với Trinnaman - một tội phạm ấu dâm nước Anh vừa ra tù.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam có đầy đủ các điều luật răn đe, ngăn chặn, xử lý các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em mặc dù không có đề cập chính xác đến hành vi ấu dâm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Có nghĩa, tại Việt Nam với những người giống như Trinnaman đã có tiền án, tiền sự liên quan đến trẻ em thì sau khi chấp hành án phạt sẽ bị cấm tiếp xúc với trẻ em hay làm việc liên quan đến trẻ em từ 1 đến 5 năm.

img

Hình ảnh được cho là Trinnaman chụp cùng các em nhỏ ở Học viện âm nhạc

Luật sư cũng cho biết thêm, ở một số nước trên thế giới có các biện pháp nghiệp vụ tiên tiến nhằm phòng ngừa tái phạm. Chẳng hạn như: Trường hợp người phạm tội ấu dâm phải gắn thiết bị theo dõi suốt đời, phải thường xuyên báo cáo với chính quyền về các mối quan hệ và nếu cư dân ở nơi cư trú không cho lưu trú thì phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện không có những chế tài hay hạn chế quyền tự do đối với những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em sau khi đã chấp hành xong các hình phạt của pháp luật.

“Chúng ta chỉ có quy định giám sát đối với những người đang chấp hành án, hoặc đang có tiền án tiền sự mà chưa được xóa án, hoặc đang trong thời gian quản chế ở địa phương…còn với những người đã chấp hành án xong thì không có hình thức nào giám sát cả”  - Luật sư khẳng định.

Bên cạnh đó luật sư cho hay: “Pháp luật nước ta quy định những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, hoặc người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì sẽ bị hoãn xuất cảnh.

Đối với người nước ngoài đã từng phạm tội này nhưng đã chấp hành xong hình phạt muốn nhập cảnh vào Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không cấm. Tuy nhiên, nếu xét thấy người xin nhập cảnh có thể gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền từ chối cho nhập cảnh”.

Nói về vấn đề giám sát đối với tội phạm ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em, luật sư dẫn chứng: “Một số nước trên thế giới, như Mỹ, Canada có nhiều quy định về giám sát, kiểm soát hành vi của kẻ phạm tội ấu dâm; còn ở Indonesia, sau khi ra tù, những người đã phạm tội ấu dâm tiếp tục bị buộc phải đeo thiết bị điện tử để cảnh sát có thể theo dõi mọi hoạt động suốt 24/24”.

“Tội phạm liên quan đến tình dục đối với trẻ em tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động khi liên tiếp xuất hiện nhiều vụ việc xâm hại tình dục, dâm ô, quấy rối tình dục trẻ em, kể cả ở rất nhiều môi trường ngỡ là an toàn như gia đình, trường học...

Để bảo vệ trẻ em, đấu tranh với nạn xâm hại tình dục trẻ em thì chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, và xây dựng những cơ chế đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện các quy phạm pháp luật đó trên thực tế.

Chúng ta cần nghiên cứu thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát đối với loại tội phạm này sau khi tội phạm đã chấp hành xong hình phạt tù để tránh trường hợp tái phạm. Đối với các đối tượng là người nước ngoài từng vi phạm pháp luật và nhập cảnh vào Việt Nam như Trinnaman, cơ quan chức năng cần đưa những đối tượng vào diện "có nguy cơ vi phạm pháp luật cao" để theo dõi, giám sát”  - Luật sư Cường nhận định.