Tại cuộc họp khẩn ở TP.HCM bàn giải pháp phòng chống DTLCP ngày 14.5, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, so với tổng đàn thì số lượng lợn phải tiêu hủy chỉ mới chiếm khoảng 4,2%; con số này chưa phải lớn. Ngay như ở Trung Quốc đã tiêu hủy lên tới 30%.
“Quan trọng nhất là DTLCP vẫn chưa ngừng lây lan, mà diễn biến còn phức tạp hơn (hiện đã xuất hiện ổ dịch tại tỉnh Hậu Giang - PV). Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai mà thất thủ thì nguy lắm!”, ông Dương nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương xác định chống dịch nhưng vẫn phải giúp ngành chăn nuôi phải phát triển. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Cục chăn nuôi, mới đây Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang đã ghi nhận có ổ dịch. TP.HCM dù chăn nuôi lợn không nhiều nhưng tiêu thụ lớn nên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và kiểm soát giết mổ, cần tiếp tục tích cực phòng chống và chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh.
Ông Dương cho rằng phải xác định rõ công việc hiện nay là chống dịch nhưng vẫn phải giúp ngành chăn nuôi phát triển. Ngành nông nghiệp không hy vọng đi nhập khẩu thịt mà hướng đến tự cân đối nhu cầu. Cho nên nhiệm vụ cấp thiết là phải bảo vệ đàn lợn ở các tỉnh chưa có dịch.
Trên cả nước, để kiểm soát dịch, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch từ tổng thể đến cụ thể và áp dụng đủ kinh nghiệm của quốc tế, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn. Nếu DTLCP còn lan rộng, ông Dương nói, có thể nâng lên mức đại dịch chứ không phải là dịch bệnh thông thường nữa.
Chính phủ và ngành nông nghiệp sẽ có chính sách lớn để cả xã hội cùng tham gia, vừa phòng chống dịch vừa phải đảm bảo có lợn sạch để tiêu thụ. “Phải chấp nhận có bệnh bên ngoài môi trường nhưng không để bệnh vào chuồng nuôi của mình. Bối cảnh lúc này đòi hỏi phải chung sống với dịch bằng mọi khả năng có thể”, ông Dương nói.
Phải chung sống với dịch bằng mọi khả năng có thể. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo đó, ở các hộ trại, phải tăng cường hơn nữa việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát tốt việc di chuyển để khống chế nguồn dịch lây lan.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết trước đó đã nhận được đề xuất ngăn cản việc di chuyển lợn từ miền Bắc vào Nam hoặc cấm lưu thông từ đèo Hải Vân để bảo vệ khu vực chăn nuôi phía Nam. Tuy nhiên, việc “ngăn sông cấm chợ” như thế có đảm bảo được rằng miền Nam sẽ không có dịch, trong khi DTLCP đã xuất hiện ở các nước xung quanh. Khi đó, ngành nông nghiệp phải ăn nói thế nào với bà con chăn nuôi.
"Do đó, biện pháp quan trọng là phải đảm bảo lưu thông tốt hơn cho thị trường thịt lợn, cả thịt lợn an toàn ở vùng công bố dịch. Hiện tại đã có thêm 5 chốt kiểm dịch quốc gia để tăng cường kiểm soát vì không chỉ DTLCP mà còn nhiều bệnh khác nữa có thể lây lan", ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Ngành nông nghiệp sẽ tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp cấp đông thịt lợn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Việc cấp đông dự trữ nguồn thịt sạch là một biện pháp hữu hiệu đang được tính đến hiện nay. Ông Dương chia sẻ đã tính đến phương án không đợi lợn chết, rồi lực lượng thú y mới tiếp cận. Thay vì chờ lợn chết đem chôn thì phải xẻ thịt trước khi chết, tức là biện pháp giết mổ cấp đông.
Theo ông Dương, việc cấp đông sẽ tính đến khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng chính người chăn nuôi cũng hưởng lợi gián tiếp. Khi trực tiếp chứng kiến cảnh tiêu hủy hàng triệu con lợn ở miền Bắc mới thấy thật đau xót. Nếu ngành chăn nuôi lợn sụp đổ, các ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo như chuỗi domino. Tất nhiên, việc cấp đông cũng phải tính đến thói quen tiêu dùng thịt nóng hiện nay. Việc chuyển dịch cơ cấu khẩu phần thịt lợn sang thịt gia cầm phải có lộ trình lâu dài.
An toàn sinh học trong chăn nuôi là biện pháp cấp thiết trong lúc này. Quan trọng nữa là người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. Giá heo hơi (lợn hơi) vừa nhích lên nay đã giảm xuống. Các tỉnh thành, trong đó có TP.HCM phải đảm bảo để người dân tin tưởng lợn lưu thông ra ngoài là lợn sạch.
“Nếu để người tiêu dùng quay lưng thì ngành chăn nuôi chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì giá heo hơi giảm”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương khuyến cáo.